Dồn lực tháo gỡ khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
Cùng Tổ công tác đặc biệt thúc giải ngân vốn đầu tư công, giờ đây sẽ có thêm các đoàn công tác tháo gỡ khó khăn trên mọi mặt hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh.
Dồn lực tháo gỡ khó khăn

Việc Thủ tướng Chính phủ vừa phân công các thành viên Chính phủ chủ trì, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương trực tiếp đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu... đã một lần nữa cho thấy quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm “gỡ khó” cho nền kinh tế.

Như vậy, không chỉ là thành lập các Tổ công tác đặc biệt trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như những năm qua, giờ đây sẽ có thêm các đoàn công tác để tháo gỡ khó khăn trên mọi mặt hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh…

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chậm lại, bắt đầu từ quý IV năm ngoái. Quý I/2023, tình hình còn khó khăn hơn dự báo, thế nên tăng trưởng GDP chỉ ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Những khó khăn này được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết quý II/2023.

Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư dường như chưa bao giờ đối mặt với những thách thức lớn như vậy.

Câu chuyện không chỉ đơn giản là dòng tiền, là chi phí đầu vào tăng cao, mà hơn hết là đơn hàng sụt giảm, dẫn tới sản xuất - kinh doanh tụt dốc, xuất khẩu cũng giảm… Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng chậm lại…

Thực tế đó buộc Chính phủ phải “ra tay”. Không chỉ tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bởi đây là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, mà còn là gỡ vướng mắc về thị trường, về hoạt động đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, tổ chức đầu tháng 4/2023 đã tham mưu một giải pháp khá mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tất cả dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh, cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đó là tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở.

Nếu như ở Trung ương, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt việc thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, tổ công tác đặc biệt để gỡ khó, thì kiến nghị các địa phương cũng nên thành lập các tổ công tác đặc biệt như vậy, tập trung trực tiếp giải quyết các dự án, doanh nghiệp đầu tư đang gặp khó khăn, vướng mắc tại địa phương để có cơ hội ổn định sản xuất - kinh doanh.

Ngay sau đề xuất, đích thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tiên phong đến các địa phương như Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, rồi Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình… vào từng dự án và từng doanh nghiệp để thị sát, lắng nghe tình hình, tìm giải pháp tháo gỡ.

Trong khi đó, liên tiếp trong thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này. Từ các công điện chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, trong thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản… đến các nghị quyết số 58/NQ-CP và 59/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, cũng như giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng…

Các bộ, ngành cũng ban hành nhiều chính sách quan trọng để gỡ khó cho nền kinh tế như gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội; tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế…

Không chỉ gỡ khó cho doanh nghiệp trong nước, Chính phủ còn quan tâm tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài. Một hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài vừa được tổ chức.

Ở đó, không chỉ lắng nghe, mà Thủ tướng Chính phủ đã có những cam kết và chỉ đạo rất quyết liệt. Rằng sẽ sớm có giải pháp đột phá để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Rằng khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết…

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Đặc biệt, trước vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, mà gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ đưa ra lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp tình hình đất nước. Đồng thời, Chính phủ sẽ sớm có giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái các quy định, cam kết quốc tế, hài hoà lợi ích và bình đẳng giữa các doanh nghiệp…

Tin bài liên quan