Hệ thống điện của Cẩm Phả (Quảng Ninh) bị thiệt hại sau bão Yagi. Ảnh: Anh Đức
Thiệt hại nặng nề, nguy cơ giảm tăng trưởng
Bão số 3 (Yagi) đã qua đi, nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Hôm 15/9, khi báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, bão số 3 gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Nhưng chỉ một ngày sau, tức là ngày 16/9, khi trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật là trên 50.000 tỷ đồng. Con số chắc chắn tiếp tục tăng, khi các địa phương thực hiện việc rà soát, đánh giá các thiệt hại của cơn bão lịch sử này.
Ngoài thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản của nhân dân, của đất nước, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão số 3 còn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của các địa phương và cả nước.
“Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35 điểm %; quý IV giảm 0,22 điểm % so với kịch bản không có bão số 3”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, ước cả năm, tăng trưởng GDP có thể giảm 0,15 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 6,8-7%, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2024.
Bão số 3 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất - kinh doanh của nhiều địa phương vốn là các động lực tăng trưởng của cả nước. “Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5 điểm %”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Cụ thể, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, so với kịch bản tăng trưởng GRDP ước tính lần 1 cho địa phương tại thời điểm tháng 7/2024, suy giảm tăng trưởng cả năm của Hà Nội là 0,2 điểm %; Hải Phòng là 0,63 điểm %; Quảng Ninh là 0,65 điểm %; Cao Bằng là 0,51 điểm %; Lào Cai là 0,63 điểm %; Tuyên Quang là 0,5 điểm %; Yên Bái là 0,53 điểm %; Thái Nguyên là 0,59 điểm %.
Quảng Ninh là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 3. Theo báo cáo của tỉnh này, ước tính thiệt hại hơn 23.700 tỷ đồng. Mặc dù hiện tại, ở tỉnh này, các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã được khôi phục trở lại, một số cơ sở lưu trú, du lịch cũng vậy, nhưng theo ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh , Quảng Ninh cũng đang rà soát, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Khi tăng trưởng GRDP của các tỉnh trên bị ảnh hưởng, sẽ tác động đến tăng trưởng GDP của cả nước. Theo thống kê, hơn 20 địa phương bị ảnh hưởng của bão Yagi đóng góp tới 40% GDP của cả nước.
Dồn lực khôi phục sản xuất - kinh doanh
Dù khó khăn, dù chịu ảnh hưởng nặng nề sau bão, song quyết tâm vươn lên của các địa phương rất lớn. “Quảng Ninh vẫn phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong năm 2024”, ông Huy nói.
Không riêng Quảng Ninh, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu sắp tới là không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói, bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hằng ngày; khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả.
Đồng thời, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%... Để nền kinh tế có thể vẫn đạt mức tăng trưởng 7%, nhiệm vụ quan trọng trong lúc này, đó là dồn lực để khôi phục sản xuất - kinh doanh.
Rất nhanh ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ được thực hiện trong thời gian tới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân; về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân; về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó là các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở…; về cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ; và nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thời điểm bài báo này lên khuôn, Dự thảo Nghị quyết chưa chính thức được Chính phủ ký ban hành. Tuy vậy, trước tính cấp bách của vấn đề, Dự thảo sẽ sớm được đưa vào thực thi. Trong đó, các giải pháp khôi phục sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được quan tâm hàng đầu.
Để thực hiện các mục tiêu trên, dự kiến, các chính sách như miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất; cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi, tiếp tục cho vay mới với khách hàng để khôi phục sản xuất - kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành... sẽ được thực hiện.
Cùng với đó là nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả việc nắm chắc tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh tiết kiệm chi, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực bảo đảm cho an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân và đầu tư phát triển; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc gia, khu vực, quốc tế; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới...
“Hải Phòng cũng đang dồn lực khắc phục hậu quả bão số 3. Để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, Hải Phòng sẽ giãn, hoãn tiến độ đối với các đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đang triển khai. Đối với các đoàn có trong kế hoạch nhưng chưa triển khai thì điều chỉnh thời gian sang đầu năm 2025”, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết.
Hải Phòng cũng đang nghiên cứu để có cơ chế ưu đãi về thuế, tiền điện, nước; tháo gỡ khó khăn về chính sách chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các doanh nghiệp bị thiệt hại phải ngừng hoạt động sau bão…