Ông Nguyễn Đình Việt (đứng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội điều hành phiên thảo luận đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có sự đồng thuận lớn khi thẩm tra Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại phiên họp diễn ra đầu tuần này, tại TP.HCM.
Báo cáo cập nhật mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nhiều chỉ số kinh tế tăng cao và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động khó lường. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở kết quả 8 tháng đầu năm, ước tính cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội.
Tốc độ tăng GDP cả năm 2024 ước đạt 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6-6,5%. Con số này cũng vượt dự báo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực.
Các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản duy trì đà tăng khá; sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế. Khu vực dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng, cả năm ước tăng 7%; tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng là 4,04%; cả năm ước tăng dưới 4,5%.
Các chỉ số khác như kim ngạch xuất nhập khẩu trong 8 tháng tăng 16,7%; xuất siêu đạt khoảng 19,1 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục phục hồi; đầu tư tư nhân tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,8%).
Điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế năm 2024 là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 8 tháng, vốn FDI đăng ký đạt gần 19,3 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện ước đạt 13,55 tỷ USD, tăng 3,4%, cao nhất từ năm 2021 đến nay.
“Những con số thu hút đầu tư cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh các chỉ số kinh tế đạt và vượt, chuyển biến rõ nét nhất trong năm 2024 là hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, khi đưa vào khai thác hơn 2.021 km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới. Đặc biệt, Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, với quy mô gần 1 tỷ USD, được khánh thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2024, Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 15 bậc.
Một yếu tố quan trọng nữa thúc đẩy tăng trưởng là công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 14 luật, 23 nghị quyết và cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024. Đồng thời, ban hành và chỉ đạo ban hành 121 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Hướng tới mục tiêu tăng GDP 7%
Đến thời điểm này, dù kết quả tăng trưởng đã vượt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, nhưng Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, từ nay đến cuối năm vẫn còn khó khăn, thách thức, như kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỷ giá. Tín dụng tăng trưởng chưa cao; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn.
Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi vừa phải đối mặt với áp lực gia tăng về điều tra chống bán phá giá, gian lận xuất xứ, vừa phải đáp ứng nhanh hơn, tốt hơn các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…
“Từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7%, hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin về mục tiêu và quyết tâm của Chính phủ trong những tháng còn lại.
Với mục tiêu rõ ràng đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra, các giải pháp đi kèm cũng được nêu rất cụ thể. Trong đó, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó Chính phủ trình Quốc hội ban hành ngay trong Kỳ họp thứ tám các dự án luật (sửa đổi) và các dự án một luật sửa nhiều luật về đầu tư, đầu tư công, tài chính, ngân sách nhà nước, tài sản công… Mặt khác, xem xét ban hành nghị quyết thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định hoặc đã có nhưng không còn phù hợp.