Bùng nổ nhu cầu sử dụng Internet
Năm 2021, số lượng thuê bao Internet đạt mốc kỷ lục. Kết thúc năm 2021, các nhà mạng có gần 71 triệu thuê bao băng rộng di động (tăng hơn 4% so với năm 2020) và 18,8 triệu thuê bao băng rộng cố định (tăng 14,6% so với năm 2020), cũng lần đầu tiên, Việt Nam đạt con số 71 triệu người sử dụng Internet, chiếm 2/3 dân số cả nước. Đây cũng là năm mà lưu lượng Internet Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 40%.
Theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2021, các doanh nghiệp viễn thông đã đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng băng rộng. Đến nay, mạng 5G đã được triển khai thử nghiệm tại 16 tỉnh, thành phố, mạng 4G đã phủ sóng tới 99,8% dân số, mạng cáp quang đã phủ đến 100% xã, phường.
“Các nhà mạng tăng cường đầu tư hạ tầng mạng lưới đã góp phần cải thiện tốc độ băng rộng cố định của Việt Nam, đạt 68,50 Mbps trong tháng 11/2021, đứng thứ 42/181 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 14 bậc so với năm 2020. Trong khi đó, tốc độ băng rộng di động đạt 35,14 Mbps, đứng thứ 48/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 9 bậc so với năm 2020. Về tốc độ băng rộng, trong khu vực, Việt Nam xếp cao hơn Philippines, Malaysia, nhưng thấp hơn Thái Lan, Singapore…”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông cho biết.
Ở dưới góc độ người dùng, với việc hạ tầng phát triển mạnh, dịch vụ đa dạng đã tại nên sự cạnh tranh lớn. Khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là đối tượng hưởng lợi trực tiếp.
Theo đánh giá của cable.co.uk, Việt Nam là một trong các thị trường có giá cước Internet băng rộng cố định rẻ nhất thế giới, thứ 12/211. Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cho biết, đơn giá Internet cố định/bình quân thu thập đầu người của Việt Nam ở mức thấp, bằng 41% so với mức trung bình thế giới, bằng 71% so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với Internet băng rộng di động, Cable.co.uk nhận định, Việt Nam là một trong các quốc gia có giá cước truy nhập Internet rẻ hàng đầu thế giới, xếp thứ 10 với 0,57 USD (khoảng 13.300 đồng). Theo thống kê của ITU, đơn giá Internet di động/bình quân thu thập đầu người của Việt Nam ở mức rất thấp, bằng 1/3 so với trung bình thế giới.
Những chỉ số trên cho thấy, Internet đang là nguồn tài nguyên có giá trị lớn phục vụ cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực về tăng trưởng số người dùng, tăng trưởng lưu lượng dữ liệu, những tác động từ các sự cố cáp quang biển quốc tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng Internet trong nước. Các đợt đứt cáp quang quốc tế liên tục trong năm 2021 đã khiến hoạt động kết nối, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Hạ tầng Internet kết nối đi quốc tế đang còn hạn chế.
Theo ông Hoàng Đức Dũng, Trung tâm Khai thác toàn cầu (Tổng công ty Mạng lưới Viettel), trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm các tuyến cáp quang biển mà doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư bị đứt 10 lần, thời gian khắc phục trong 1 tháng. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ luôn phải dự phòng 20-25% dung lượng để bảo đảm kết nối trong trường hợp sự cố cáp xảy ra, làm tăng chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành, khai thác.
Thực tế, hạ tầng cáp quang biển Việt Nam hiện có 5 tuyến đang hoạt động: AAG, SMW3, IA, APG và AAE-1. Hai tuyến SJC 2 và ADC dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2022 - 2023. Trong khi đó, các nước trong khu vực, như Singapore (30 tuyến cáp quang biển); Malaysia (22 tuyến); Thái Lan (10 tuyến)... Các nước phát triển khác như Mỹ (93 tuyến), Anh (56 tuyến). So với các nước trong khu vực, mức độ bảo đảm về hạ tầng quốc tế phục vụ kết nối Internet cho người dùng Việt Nam hiện ở mức thấp.
Kết nối quốc tế, xây dựng hạ tầng rộng khắp
Để đáp ứng nhu cầu, tăng lưu lượng sử dụng kết nối quốc tế, theo ông Dũng, cần có giải pháp tăng cường cơ sở hạ tầng kết nối Internet quốc tế ngang hàng với các nước khác trong khu vực.
“Đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động đầu tư các dự án hạ tầng Internet quốc tế tại Việt Nam”, ông Dũng kiến nghị.
Để nâng cao chất lượng Internet băng rộng, theo ông Nguyễn Phong Nhã, có 4 nội dung cần tập trung là: tiếp tục nâng cấp băng thông; nâng cấp năng lực thiết bị modem; mở rộng băng thông quốc tế, trong nước và sửa đổi quy chuẩn. Bên cạnh việc đầu tư vào các dự án hạ tầng Internet quốc tế, nhà mạng cũng cần chủ động các phương án dự phòng. Về lâu dài, doanh nghiệp viễn thông cũng cần có những giải pháp lâu dài như tăng tiêu dùng dữ liệu trong nước, hay xây dựng trung tâm dữ liệu trong nước nhằm giảm mức độ ảnh hưởng khi các tuyến cáp quang biển gặp sự cố...
Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, trong kế hoạch công tác năm 2022, Cục Viễn thông sẽ thực hiện việc phủ sóng mạng băng rộng di động tốc độ trên 1Gb đến các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 100% người trưởng thành có smartphone; 75% hộ gia đình có FTTH; 85% thuê bao băng rộng di động/100 dân…
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho rằng, chúng ta vẫn phải phát triển mạng Internet trong nước và việc đầu tiên là phát triển hạ tầng. Nếu không có hạ tầng thì không thể trung chuyển dữ liệu tốt được và phát triển hạ tầng mạng trong nước với giải pháp Make in Viet Nam. Cùng với đó, là phát triển các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty NetNam cho, NetNam không có ý định đầu tư vào hạ tầng cáp biển, trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn cao, mà tập trung khai thác theo lĩnh vực ngành dọc để đưa các giải pháp, dịch vụ mới cho khách hàng. NetNam thuê không gian ngoại tuyến (offline) và làm hạ tầng ảo trên cơ sở của các "ông lớn" để cung cấp dịch vụ, đáp ứng dịch chuyển hạ tầng số của các doanh nghiệp, tổ chức.
Trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, hạ tầng số là nền tảng căn bản để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số quốc gia. Hạ tầng Internet nói riêng và hạ tầng viễn thông phải đi trước một bước, “làm đường” cho chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá rằng, những bài học của cuộc đổi mới lần một sẽ vẫn còn đúng cho lần này. Đó là: Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, công nghệ phải hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới.
“Viễn thông đã trở thành hạ tầng, nền tảng của mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Số người sử dụng dịch vụ viễn thông là hàng trăm triệu người, với doanh thu hàng trăm ngàn tỷ đồng và lợi nhuận là hàng chục ngàn tỷ đồng. Vậy chúng ta có trách nhiệm gì để người dân an toàn, để người dân không bị gây phiền nhiễu, để Internet Việt Nam lành mạnh, để không gian sống mới của chúng ta được phồn vinh và hạnh phúc? Người dùng nhiều, doanh thu cao, lợi nhuận lớn thì phải luôn đi với trách nhiệm lớn, chỉ có như vậy sự phát triển mới bền vững”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Có thể thấy rằng, phát triển hạ tầng số nói chung và hạ tầng Internet, hạ tầng viễn thông, điện toán đám mây nói riêng sẽ là trọng điểm trong giai đoạn 2022 - 2025. Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà cung cấp dịch vụ, xây dựng hạ tầng, khai thác… vươn lên cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới đang “làm mưa, làm gió” ở thị trường Việt Nam.