Yếu tố thúc đẩy nền kinh tế số
"Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà dữ liệu được truyền đi không còn được đo bằng megabits mỗi giây, mà bằng gigabits mỗi giây", ông Hidetaka Shiraishi, Giám đốc cấp cao Tiếp thị và Triển khai 5G trên toàn cầu của Huawei Technologies phát biểu tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam”.
Vài năm trở lại đây, chuyển đổi số đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng đẩy mạnh. Trong đó, 5G đã cho thấy là một yếu tố quan trọng cho sự chuyển đổi này.
Từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G nhờ vào tầm nhìn của Chính phủ. Đến thời điểm hiện tại, trên toàn quốc đã có 55 tỉnh, thành phố thử nghiệm 5G. Việt Nam muốn thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G; đồng thời sẽ thí điểm 5G ở khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu...
Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) nhận định, năm 2024, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Dự kiến đến năm 2030, 5G sẽ đem lại cho các nhà khai thác tại Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD. Đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3 - 7,4%, bởi vì công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Ngoài ra, 5G còn góp phần phát triển về mặt xã hội và kỹ năng số của người dân Việt Nam, từ đó tạo ra những công việc liên quan tới khoa học, công nghệ, môi trường, sản xuất.
Theo ông Hidetaka Shiraishi, 5G đã được ghi nhận rất thành công ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục thành công trên toàn thế giới trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và công nghiệp. Nhiều việc làm mới được tạo ra, sản lượng kinh tế tăng trưởng ổn định, tốc độ sử dụng dữ liệu cũng tăng theo cấp số nhân.
Ngoài ra, các loại hình kinh doanh mới đang hình thành, như dịch vụ giao đồ ăn, thương mại điện tử bằng các dịch vụ truyền phát trực tiếp (livestream), hay các dịch vụ xe công nghệ đã và đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Quy trình đấu giá tần số cho 5G ở Việt Nam đã sẵn sàng
Tọa đàm “Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam”. |
Về lộ trình đấu giá tần số cho 5G, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, các quy định về pháp luật đã đầy đủ và hoàn thiện để triển khai. Dự kiến tháng 1/2024, Bộ TT&TT sẽ công bố phương án tổ chức đấu giá để các doanh nghiệp nắm bắt và tham gia.
Băng tần được đấu giá trước tiên sẽ là mid band – tầm trung, giúp bổ trợ, giảm tắc nghẽn cho 4G, cũng như bởi nhu cầu cần nhiều băng thông di động rộng. Đây cũng là lý do trên thế giới có đến hơn 70% các mạng 5G đã triển khai nằm ở băng tần tầm trung, theo thống kê bởi Hiệp hội di động toàn cầu. Ngoài ra, ở Việt Nam, đã có các băng tần khác cho 5G, ví dụ như băng tần thấp 700 MHZ, băng tần cao 26 GHZ... mà trong tương lai sẽ được cấp phép cho 5G.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng công nghệ dịch vụ, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, hiện nay có nhiều điều kiện cấp phép 5G, chẳng hạn như vốn đầu tư tuân theo Nghị định 25, điều kiện tiếp cận hạ tầng, vùng phủ sóng rộng trên toàn quốc, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ tương ứng cho bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ TT&TT ban hành liên quan đến IoT, truy nhập băng rộng 5G...
Chia sẻ về những cơ hội cũng như thách thức khi triển khai 5G, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Trưởng ban công nghệ, Tập đoàn VNPT nói rằng, có thể chia cơ hội từ theo khoảng thời gian, từ 2-3 năm tới và sau đó là 5 năm từ 2028-2030.
Đối với VNPT, triển khai 5G sẽ là cơ hội để gia tăng doanh thu và đưa thêm các sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường nhằm thay đổi trải nghiệm hiện hữu cho khách hàng. Về lâu dài, 5G sẽ khai mở không gian kinh doanh mới về B2B. Khi đó, VNPT và các doanh nghiệp sẽ thâm nhập vào các ngành nghề khác của nền kinh tế để giúp chuyển đổi số, gia tăng năng suất.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, cơ hội lớn thì thách thức cũng rất nhiều. Thách thức trước mắt là các bài toán về áp lực đầu tư, mở rộng hạ tầng, năng lực hạ tầng số. Với doanh nghiệp nhà nước như VNPT, cần phải đảm bảo, cân đối các chỉ số tài chính ở những năm đầu triển khai. Khi có dịch vụ, khách hàng, mô hình kinh doanh mới cũng là lúc mở ra không gian mới đi cùng lợi nhuận và dòng tiền tốt hơn.
Ngoài ra, VNPT sẽ gặp thách thức là phải cơ cấu lại tổ chức, hướng tới trở thành công ty công nghệ cung cấp giải pháp lâu dài.
“Trước mắt, để triển khai 5G nhanh chóng, VNPT đang gặp phải vấn đề về việc đang triển khai cùng lúc cả 2G, 3G, 4G, 5G với các bài toán về tài nguyên tần số, không gian triển khai thiết bị trên các cột anten, nguồn điện.... Đây là thách thức trong việc làm sao triển khai tất cả một cách nhanh chóng, an toàn”, ông Khánh nói và cho biết, dự kiến, VNPT sẽ tắt sóng 2G trong năm 2024 và cắt sóng 3G vào năm 2028 để tinh gọn hạ tầng, dồn lực cho 5G.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động của Viettel Telecom cũng mong muốn được triển khai đấu giá tần số cho 5G càng sớm càng tốt.
"5G sẽ thúc đẩy xã hội số, kinh tế số, chính phủ số. Do đó, không có lý do gì không tận dụng các lợi ích 5G mang lại", ông Sơn nhấn mạnh.