Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM.
Ông đánh giá như thế nào về cơ hội của Việt Nam trong làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản?
Từ đại dịch Covid-19, chúng ta rút ra một bài học đắt giá. Đó chính là sự mong manh của nền kinh tế trước một thảm họa bất ngờ khi quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu của một quốc gia. Do đó, đầu tháng 4, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã công bố kế hoạch xây dựng nền kinh tế có khả năng chống chịu hơn với chuỗi cung ứng kép.
Ngoài việc hỗ trợ di dời sang Nhật Bản, METI sẽ hỗ trợ các công ty Nhật Bản muốn chuyển thiết bị và nhà máy sản xuất sang các địa điểm đầu tư khác như các quốc gia thành viên ASEAN. Trong đó, Việt Nam sẽ là một ứng cử viên nặng ký với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau khi hồi phục từ Covid-19. Năng lực quản lý rủi ro của Việt Nam cũng được các công ty Nhật Bản đánh giá tích cực khi Chính phủ đã thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh.
Đâu là những lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia láng giềng khi thu hút dòng vốn đầu tư Nhật Bản?
Các doanh nghiệp Nhật đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam cao hơn các nước khác trong khối ASEAN, bao gồm quy mô và tính tăng trưởng của thị trường, tình hình chính trị - xã hội ổn định và một môi trường sống lý tưởng cho người nước ngoài. Chính phủ Việt Nam cũng nỗ lực trong cải thiện về hệ thống pháp luật, thuế, thủ tục thuế, thủ tục hành chính...
Mặc dù chi phí lao động tại Việt Nam tăng dần trong những năm qua, nhưng vấn đề này chỉ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp đầu tư sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu, còn với những doanh nghiệp sản xuất để cung ứng cho thị trường nội địa thì đây không là vấn đề. Trên thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam hướng đến thị trường trong nước.
Ông có thể chia sẻ xu hướng doanh nghiệp Nhật Bản tập trung khai thác thị trường nội địa Việt Nam?
Thái Lan từng là điểm đến đầu tư yêu thích nhất của doanh nghiệp Nhật Bản trong khối ASEAN. Nếu là 3 năm trước đây, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ lựa chọn kinh doanh tại Thái Lan thay vì Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng này đã thay đổi khi các nhà đầu tư Nhật Bản bắt đầu nhìn thấy sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Những năm qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng cường hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ như AEON, các chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart, MiniStop, 7-Eleven... Việc mở cửa hàng kinh doanh của Uniqlo tại TP.HCM và Hà Nội cũng cho thấy, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng.
Theo ông, những doanh nghiệp Nhật Bản khai thác thị trường nội địa có mở nhà máy tại Việt Nam trong tương lai?
Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào, các công ty Nhật Bản sẽ tiến hành nghiên cứu thị trường. Mỗi công ty Nhật Bản có chiến lược riêng để thấu hiểu thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam, như trưng bày sản phẩm thông qua các chuỗi bán lẻ Nhật Bản hoặc các kênh phân phối riêng.
Đầu tiên, họ sẽ nhập khẩu sản phẩm từ Nhật Bản sang Việt Nam để bán. Sau đó, họ sẽ dần điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ của mình sao cho phù hợp với thị hiếu của phần lớn khách hàng. Khi việc kinh doanh ngày càng phát đạt, họ sẽ xem xét kế hoạch xây dựng nhà máy ở tại Việt Nam.
Thành công của nhà sản xuất mì ăn liền Acecook đã truyền cảm hứng cho nhiều công ty Nhật. Acecook đã phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu trong nước. Sau nhiều năm hoạt động, Acecook đã trở thành thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam với sản phẩm đa dạng nhắm đến nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.