Metro Việt Nam đã được bán cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) - Thái Lan, với giá 655 triệu EUR

Metro Việt Nam đã được bán cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) - Thái Lan, với giá 655 triệu EUR

Đón làn sóng đầu tư mới từ các thương vụ M&A

Thuật ngữ M&A (mua bán và sáp nhập) đã xuất hiện tại Việt Nam cùng với làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây. Bài viết dưới đây sẽ phân tích một số khía cạnh liên quan đến khung pháp lý trong lĩnh vực M&A tại Việt Nam.

Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng, có thể trả lời một phần câu hỏi mà nhà đầu tư đang đặt ra. Cụ thể là: liệu các văn bản pháp lý hiện hữu đã đủ để thu hút nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động đầu tư M&A hay chưa? Cần phải làm gì từ góc độ cơ quan nhà nước và Chính phủ trong việc góp phần đẩy mạnh hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian tới?

Khung pháp lý đối với hoạt động M&A tương đối đầy đủ

Điểm lại hành lang pháp lý đối với hoạt động M&A, có thể thấy, hai năm 2005 và 2006 đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khi nhiều văn bản pháp luật cốt lõi đã được ban hành, hoặc sửa đổi một cách toàn diện. Tại thời điểm đó, hàng loạt văn bản luật cơ bản như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Hải quan, Luật Dược… đã liên tiếp được thông qua. Trong số này, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được xem là những văn bản quan trọng nhất tạo nền tảng cho hành lang pháp lý đối với hoạt động M&A được chính thức đi vào thực tiễn. Các quy định về việc góp vốn, chuyển nhượng phần vốn, cổ phần cho nhà đầu tư hiện hữu và nhà đầu tư bên ngoài là những nội dung mang tính quan trọng được thể hiện trong Luật Doanh nghiệp, cũng như Luật Đầu tư. 

Đây là giai đoạn chuẩn bị cơ sở pháp lý để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, các cam kết WTO của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ cũng là khung pháp lý quan trọng đối với hoạt động đầu tư nói chung và hoạt động M&A nói riêng. 

Năm 2008 tiếp tục đánh dấu việc hàng loạt văn bản về thuế được ban hành, hoặc điều chỉnh một cách có hệ thống. Điều này đã tạo khung pháp lý rõ ràng trong lĩnh vực thuế, đặc biệt là thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

Năm 2009, với sự ra đời của Quyết định 88/2009/QĐ-TTg về quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam và Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp và thị trường Việt Nam đã được xác định tương đối rõ ràng. Theo Quyết định 55/2009/QĐ-TTg, tỷ lệ cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tại một công ty đại chúng, hoặc niêm yết được tăng từ 30% lên 49%.

Các năm sau đó, tiếp tục đánh dấu sự kiện toàn của hệ thống pháp luật Việt Nam, khi rất nhiều các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp được điều chỉnh. Bên cạnh đó, các hạn chế sau cùng trong WTO liên quan đến lĩnh vực logistics cũng được dỡ bỏ trong năm 2014, tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài tính đến chuyện mua lại phần vốn do phía Việt Nam nắm giữ trong các doanh nghiệp logistics.

Sau cùng, với những tín hiệu tích cực từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có thể được sửa đổi một cách toàn diện theo hướng thông thoáng, thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Theo đó, việc đăng ký đầu tư có thể chỉ còn được áp dụng trong một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và giấy phép kinh doanh, sẽ cho phép doanh nghiệp được hoạt động trong mọi lĩnh vực mà pháp luật không cấm, trừ kinh doanh có điều kiện. Nếu hai đạo luật này được ban hành trong năm 2015 theo tinh thần nêu trên, thì đây sẽ là một trong những yếu tố tích cực hỗ trợ sự phát triển của hoạt động M&A tại Việt Nam.

... nhưng chưa hoàn thiện

Trong báo cáo mới đây nhất của Recof, chi phí lao động tại Việt Nam được đánh giá là tốt nhất khi so sánh với Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Myanmar, do các doanh nghiệp Nhật Bản bình chọn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn xếp hạng 5 đối với tốc độ các thủ tục và quy trình làm việc với cơ quan nhà nước. Nhiều nhà đầu tư chia sẻ về việc gặp khó khăn sau khi đầu tư vào Việt Nam thông qua các dự án M&A. 

Liên quan đến pháp luật về thuế, mặc dù nhiều văn bản quy định về thuế, nhưng vẫn chưa rõ việc áp thuế suất thuế từ chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên tổng giá trị giao dịch có phải là quyền của người nộp thuế hay không. Đầu năm nay, Tổng cục Thuế xác định, nếu người nộp thuế đã kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân cho giao dịch chuyển nhượng chứng khoán theo mức 0,1% trên tổng giá trị giao dịch, mà không có nhu cầu hoàn thuế, thì không phải tiến hành xác định theo mức thuế suất thu nhập cá nhân 20% trên tổng lợi nhuận cả năm.

Về vấn đề thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam mặc dù đã có quy định rải rác trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Nghị định 102/2010/NĐ-CP, Quyết định 88/2009/QĐ-TTg và Quyết định 55/2009/QĐ-TTg, nhưng việc áp dụng trên thực tế vẫn vướng mắc.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Công văn số 1612 năm 2013, chúng tôi nhận thấy rằng, quy trình xử lý hồ sơ góp vốn, mua cổ phần áp dụng tại từng tỉnh, thành phố rất khác nhau. Theo báo cáo này, nhiều trường hợp đang xử lý, nhưng bị ngừng lại chờ xin ý kiến hướng dẫn. Ngoài ra, quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ (tức chào bán cổ phần mới phát hành cho nhà đầu tư bên ngoài) sau khi bị trì trệ trong việc áp dụng từ khi Nghị định 01/2010/NĐ-CP được ban hành, mặc dù đã được điều chỉnh trong Nghị định 58/2012/NĐ-CP, nhưng trên thực tế, các sở kế hoạch và đầu tư vẫn chưa thể triển khai một cách bình thường, vì cho rằng, mình không đủ khả năng để thẩm tra phương án chào bán cổ phần của doanh nghiệp.

Liên quan đến lộ trình mở cửa về dịch vụ của Việt Nam, mặc dù Quyết định 88/2009/QĐ-TTg đã quy định đối với những ngành mà WTO và luật chuyên ngành của Việt Nam không cấm, hạn chế, thì nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam với mức không hạn chế. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan cấp phép phải thực hiện thủ tục hỏi ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi xử lý hồ sơ góp vốn, mua cổ phần cho doanh nghiệp.

Điều đáng nói là, kết quả thẩm tra từ các bộ, ngành đôi khi trái ngược nhau. Phần lớn các trường hợp áp dụng quan điểm WTO chưa cam kết, thì Việt Nam không có nghĩa vụ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều trường hợp từ chối trong khi trường hợp khác tương tự lại được chấp thuận. Kết quả là, thủ tục bị kéo dài nhiều tháng, có khi nhiều năm, vì những quan điểm trái chiều nhau từ các bộ, ngành. Điều đó cho thấy rằng, trong khung pháp lý về vấn đề M&A cũng còn tồn tại những khoảng trống nhất định mà nhà đầu tư thường gọi là “vùng xám”.  Trong trường hợp này, “vùng xám” có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc thành bại của một giao dịch M&A.

Liên quan đến các hoạt động cổ phần hóa, hoặc tái cấu trúc ngân hàng, chúng tôi tin rằng, sẽ phát sinh nhiều cơ hội M&A. Tuy vậy, việc chen chân vào một giao dịch M&A theo phương án tái cấu trúc ngân hàng khá khó khăn đối với nhà đầu tư, bởi hàng loạt quy định, điều kiện và rào cản mang tính kỹ thuật. Theo đó, nếu không phải là đối tác chiến lược, hoặc có quan hệ trước đó với ngân hàng thực hiện tái cấu trúc, hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa, thì việc tham gia hoạt động M&A rất khó khả thi.

Nhiều nhà đầu tư cũng than phiền về hệ thống pháp luật và quy trình thủ tục hành chính tại Việt Nam. Hàng loạt câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các “vùng xám” chưa có lời giải đáp xác đáng. Những vấn đề pháp lý liên quan đến quyền góp vốn, mua cổ phần của một doanh nghiệp vào doanh nghiệp khác, cũng như nguyên tắc xác định trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người thứ ba khi người lao động sai phạm trong quá trình quản lý doanh nghiệp đó đang khiến nhà đầu tư khó tìm lời giải đáp. Khi tiến hành xin ý kiến cơ quan nhà nước, thì hầu hết nhận được sự phản hồi mang tính chung chung, chờ luật mới điều chỉnh, hoặc đang xin ý kiến cấp trên, theo đó rất khó để tham chiếu.

Qua những vụ việc về thuế của Honda Việt Nam, Euro Auto, Samsung Bắc Ninh và hàng loạt trường hợp khác, chúng tôi cho rằng, việc kiện toàn các quy định sát sườn hoạt động của doanh nghiệp, cũng như sự hỗ trợ đúng nghĩa từ cơ quan nhà nước đang là vấn đề cốt lõi trong chủ trương kêu gọi vốn đầu tư từ nhà đầu tư, cũng như đẩy mạnh các giao dịch M&A trong thời gian tới.

Nhà đầu tư khi quyết định thực hiện một dự án M&A, ngoài các vấn đề về thương mại, họ cũng đặt nhiều quan tâm đến các rủi ro về pháp lý, vì đôi khi những rủi ro đó có thể khiến một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường rơi vào tình trạng phá sản. Do vậy, cần hoàn thiện khung pháp lý để làn sóng M&A sắp tới thực sự thu hút nhà đầu tư. 

Tin bài liên quan