Đơn hàng xuất khẩu thủy sản, dệt may đang phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
Lượng đơn hàng xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực như dệt may, thủy sản, giày dép…cho những tháng cuối năm về nhiều hơn, là chỉ dấu tích cực cho xuất khẩu thu hẹp đà giảm.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại Thủy sản Thịnh Phú.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại Thủy sản Thịnh Phú.

Thủy sản, dệt may liên tục đi Mỹ, EU

Năm container hàng thủy sản chế biến, gồm: tôm sú tẩm bột đông lạnh, tôm sú, bạch tuộc nguyên con đông lạnh, phi lê cá chẽm đông lạnh…vừa được Công ty TNHH Thương mại Thủy sản Thịnh Phú (Thinh Phu Aquatic) xuất khẩu sang Mỹ đầu tuần trước, và chỉ vài ngày nữa, các container hàng tiếp theo tiếp tục được doanh nghiệp này xuất đi EU.

Đơn hàng đang về nhiều hơn, cho thấy dấu hiệu thị trường nhập khẩu hàng thủy sản đông lạnh và chế biến đang ấm hơn những tháng trước, kỳ vọng để Thịnh Phú Aquatic sớm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm 2023, bà Phan Thị Bảo Tiên, Trưởng phòng Kinh doanh Thịnh Phú Aquatic nói với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn

Với thâm niên gần 10 năm chuyên chế biến và xuất khẩu các loại hải sản đi Mỹ, EU, Australia, Trung Đông, Hàn Quốc, Philippines, Singapore…, bà Tiên cho hay, tình hình thế giới gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu nên nửa đầu năm, xuất khẩu của Thịnh Phú Aquatic không tránh khỏi ảnh hưởng.

Tuy nhiên, với tín hiệu thị trường tốt lên, doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng đã ký với đối tác, giao ngay trong tháng 9 và quý IV/2023.

Năm ngoái, doanh thu xuất khẩu của Thịnh Phú Aquatic đạt khoảng 13 triệu USD. Nếu đơn hàng được duy trì như hiện tại, xuất khẩu của DN trong năm nay sẽ đạt gần mức của năm ngoái.

Số lượng đơn hàng xuất khẩu tăng lên tại các doanh nghiệp từ nay đến hết năm là cơ sở để ngành thủy sản hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2023.

"Ấm dần lên" cũng là tín hiệu các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, giày dép. Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện nay thị trường Mỹ, khách hàng đã bắt đầu tăng đặt hàng trở lại cho những tháng cuối năm và đầu vụ xuân hạ 2024. Các đơn hàng cho quý IV cũng đã nhiều hơn trước.

Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,3 tỷ USD, tăng nhẹ so với 3,06 tỷ USD của tháng 6 và mức 3,2 tỷ USD trong tháng 7.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết: "Quý III, quý IV, doanh nghiệp đã tương đối đủ đơn hàng để sản xuất cũng như tạo được công ăn việc làm cho người lao động tương đối ổn định".

Tuy nhiên, dù thị trường ấm lên, nhưng vẫn trên nền cầu thấp, thành thử, các doanh nghiệp vẫn đầy thận trọng.

Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ (Đà Nẵng) cho hay, 8 tháng 2023, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp đạt 3.231 tỷ đồng bằng 88% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 72% kế hoạch năm 2023; Kim ngạch xuất khẩu đạt 80 triệu USD, bằng 90% so với cùng kỳ 2022 và bằng 80% kế hoạch 2023.

Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Hòa Thọ dự báo, dù phục hồi hơn so với các tháng trước, nhưng tổng thể thì cầu thị trường vẫn thấp và dự báo kéo dài sang nửa đầu năm sau. Theo đó, Hoà Thọ sẽ không mở rộng đầu tư sản xuất mà tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai, bao gồm: nhà máy may Triệu Phong giai đoạn 3; cải tạo nhà xưởng may Quảng Ngãi; đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ máy móc thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực trong tháng 8 khi tăng 7,7% so với tháng trước, đạt 32,37 tỷ USD. Bộ Công thương khẳng định, tháng 8 là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây, cũng là tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.

Tồn kho tại nhiều thị trường giảm

Chia sẻ thêm về thị trường xuất khẩu phục hồi, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay: “ Hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm, như tại Mỹ 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20%, nhưng đến tháng 8 đã giảm còn 10%, và dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%.

Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc sang Mỹ, bù đắp cho suy giảm của 8 tháng.

Cần phải nói thêm, sự phục hồi tại Mỹ vô cùng quan trọng, vì năm ngoái thị trường này nhập gần 110 tỷ USD hàng hóa Việt Nam.

Đơn cử, với ngành tôm, Mỹ luôn nằm top 4 thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam. 3 năm gần đây (2020-2022), Mỹ giữ vị trí số 1 với giá trị nhập khẩu tôm Việt Nam đạt từ 800 triệu USD - trên 1 tỷ USD, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.

Dự báo, tháng 11 và 12 năm nay, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ sẽ tích cực hơn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Chỉ ra những yếu tố giúp các ngành hàng xuất khẩu có cơ phục hồi, Thứ trưởng Hải cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có sức chống chịu, linh hoạt và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong xuất khẩu.

Cùng đó, doanh nghiệp cũng đã phát huy sự chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới để bù đắp, thay thế các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, khai thác tốt các ưu đãi, lợi thế từ những FTA thế hệ mới.

Ngoài ra, các địa phương, các doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian từ nay đến cuối năm, đưa ra các sản phẩm mới để xuất khẩu. Ví dụ như Tập đoàn Samsung đã cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nhiều sản phẩm, trong đó có nhiều mẫu điện thoại mới sang các thị trường trong phạm vi toàn cầu.

Tin bài liên quan