Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp dệt may lớn, đơn hàng xuất khẩu mà đối tác đặt hàng doanh nghiệp đã có xu hướng giảm từ đầu năm và kèm theo đó là giảm giá xuất khẩu, trong khi chi phí sản xuất (giá nhân công, điện nước, phí bảo hiểm…) không hề giảm mà còn gia tăng.
Số liệu từ Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu 67,71 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu giảm 0,9%, 66,34 tỷ USD, xuất siêu đạt 1,36 tỷ USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dù cán cân thương mại 5 tháng qua có thặng dư, nhưng tăng trưởng xuất khẩu thấp so với chỉ tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2016. Riêng trong tháng 5 năm 2016, xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng1,7 tỷ USD. Tạm tính trong 5 tháng đạt gần 8,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ.
Ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho hay, kết quả kinh doanh năm 2016 của doanh nghiệp có sự biến động lớn do sức mua, giá nguyên liệu đầu vào thay đổi. Trong khi đó,từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu và giá đều có xu hướng giảm, khiến doanh nghiệp chật vật hơn rất nhiều. Là doanh nghiệp quy mô lớn, với 17 xí nghiệp thành viên, có bạn hàng truyền thống khá ổn định, nhưng khó khăn không loại trừ May 10.
Tình trạng này diễn ra trầm trọng hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang phải thừa nhận rằng, các doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các đối thủ láng giềng, tiêu biểu như Lào, Campuchia, Bangladesh …
Ngành dệt may đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn. Bởi một thực tế, khách hàng đã chuyển bớt đơn hàng sang Campuchia, Myanmar và Lào bởi các nước này có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ, vốn là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam.
Trong khi đó, thuế xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ của Việt Nam trung bình là 17%, vào EU gần 10%. Lộ trình để được hưởng thuế về 0% với cả TPP và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), không có gì thay đổi phải giữa năm 2018 hai hiệp định này mới có hiệu lực. Với lợi thế về thuế xuất khẩu vào khu vực thị trường lớn như Mỹ, EU thì đơn hàng đổ về các nước này có xu hướng gia tăng là điều dễ hiểu.
Khoảng cách Việt Nam vượt Campuchia về xuất khẩu dệt may sang EU trong năm qua là không đáng kể.
Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu dệt may sang EU trong năm 2015, so với “hàng xóm” Campuchia, cho thấy khoảng cách đã rất gần. Số liệu Vitas tổng hợp, năm 2014, tổng nhập khẩu hàng dệt may (HS 50-63) của EU28 (28 nước thành viên EU) từ Việt Nam là 2,53 tỷ Euro, tăng 21,31%. Năm 2015, EU nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam là 3,13 tỷ Euro, tăng 23,91%.
Trong khi đó, tổng nhập khẩu hàng dệt may (HS 50-63) của EU28 từ Campuchia trong năm 2014 là 2,26 tỷ Euro, tăng 27,19%, đến 2015 là 2,97 tỷ Euro, tăng 31,64%. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Campuchia đã có sự bám đuổi sát sao, tăng trưởng gần 32% trong năm 2015 và khoảng cách Việt Nam vượt Campuchia về xuất khẩu sang EU trong năm qua là không đáng kể.
Vitas cũng khẳng định, thời gian tới, không loại trừ khả năng trong ngắn hạn, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Campuchia vào EU28 sẽ có thời điểm vươn lên xấp xỉ của Việt Nam. “Nhưng xét về trung hạn, tiềm lực của ngành dệt may hai nước cũng như việc EVFTA được ký kết, phê chuẩn và có hiệu lực, thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EU28 chắc chắn sẽ vượt trội so với Campuchia. Chúng ta cần hướng tới những đối thủ cạnh tranh lớn như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Trung Quốc”, ông Giang cho biết.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện đóng góp khoảng 4 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, thừa nhận, năm 2016, dù một số hiệp định thương mại đã đàm phán xong, nhưng chưa xác định rõ thời gian hiệu lực, nên xuất khẩu sẽ chưa có nhiều biến động lớn.
Các nhà nhập khẩu vẫn sẽ tìm đến các nhà sản xuất đặt tại các quốc gia có lợi thế về thuế, phí. Kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành trong năm nay dự báo chỉ đạt 29,5 đến 30 tỷ USD.