Dệt may là một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm sâu trong những tháng đầu năm nay. Ảnh: Đ.T

Dệt may là một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm sâu trong những tháng đầu năm nay. Ảnh: Đ.T

Đơn hàng giảm sâu với nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực

0:00 / 0:00
0:00
Đơn hàng sụt giảm với phần lớn ngành xuất khẩu chủ lực, như đồ gỗ, dệt may, giày dép, thủy sản…, khiến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2023 đứng trước áp lực không nhỏ.

Tồn kho lớn, đơn hàng giảm sâu

Bối cảnh quốc tế không thuận đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của nước ta trong 2 tháng đầu năm 2023. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, từ gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép, cho tới thủy sản đều sụt giảm nghiêm trọng.

Thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu, cộng thêm xu hướng giảm giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của nước ta chậm lại trong những tháng đầu năm 2023.

Giảm mạnh nhất là các nhóm hàng xuất khẩu “tỷ USD”, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,87 tỷ USD, giảm 13,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 6,4 tỷ USD, giảm 1,6%; hàng dệt may đạt 4,55 tỷ USD, giảm 19,6%; giày dép các loại đạt 2,76 tỷ USD, giảm 15,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8%...

Điện thoại đáng lẽ cũng sụt giảm sâu, nhưng nhờ sự kiện Samsung ra mắt dòng sản phẩm mới sớm hơn năm ngoái đã đẩy kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,42 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Dệt may sau 2 tháng chỉ thu về 4,5 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ. Xơ sợi giảm thê thảm hơn, với mức giảm 36%, chỉ đạt 586 triệu USD (cùng kỳ đạt 916 triệu USD).

“Thực tế hiện nay, cầu dệt may thế giới vẫn chưa phục hồi do sức mua chậm ở các thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn như Mỹ và châu Âu. Trung Quốc vẫn đang “tiêu hóa” dần lượng bông sợi tồn kho nội địa trong bối cảnh ngành may thiếu đơn hàng, nên thị trường sợi chưa có dấu hiệu khởi sắc”, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay.

Ngành thủy sản đã “ngấm đòn” sụt đơn hàng từ cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm. Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 2/2023 dẫu hồi phục nhẹ, đạt 662 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng thị trường Mỹ và EU vẫn giảm tương ứng 35% và 8%.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, cá tra giảm 38% đạt 240 triệu USD; tôm giảm 37%, đạt 350 triệu USD; cá ngừ giảm 27%, đạt 113 triệu USD.

Gỗ và sản phẩm gỗ đã sụt giảm gần 35% trong 2 tháng đầu năm. Các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.

Với các thị trường khu vực châu Âu, dù được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ vượt qua.

Trong khi đó, nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, dẫn đến xu hướng các đơn hàng chậm lại và mức giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm. Thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng chuỗi cung ứng nội địa chưa hoàn toàn hồi phục, ẩn chứa nhiều rủi ro.

Tăng tốc hỗ trợ doanh nghiệp

Tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản... ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.

- Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương

Với tình hình kinh tế toàn cầu hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng còn khó khăn trong những tháng tới, đúng như dự báo từ cuối năm 2022. Do đó, một loạt giải pháp đang được Bộ Công thương triển khai để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, xúc tiến tìm kiếm thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các kênh xúc tiến thương mại, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới.

“Khi các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... sụt giảm sức mua, cần tăng cường xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á...”, lãnh đạo Bộ Công thương chỉ đạo.

Cùng với đó, Bộ đang hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống, xúc tiến thương mại sang các thị trường mà hàng Việt còn nhiều triển vọng.

Cú hích quan trọng cho xuất khẩu trong bối cảnh các thị trường truyền thống giảm mua hàng là Trung Quốc đã mở cửa trở lại từ đầu năm, tạo dư địa lớn cho xuất khẩu tăng tốc, nhất là với nhóm hàng nông - thủy sản và công nghiệp chế biến.

Thông tin tại Hội nghị giao ban công tác xúc tiến thương mại khu vực phía Bắc năm 2023, bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới vẫn là chủ trương nhất quán và lâu dài cùng với việc thúc đẩy mở rộng và đa dạng hóa thị trường, vì Trung Quốc vẫn là thị trường có nhu cầu lớn và việc xuất khẩu trực tiếp qua đường bộ cũng tiết giảm được thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, ngành chức năng đang đánh giá toàn diện các biện pháp điều chỉnh chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc đến sản xuất và xuất khẩu của nước ta để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến xuất khẩu và việc có thêm những sản phẩm nông nghiệp được xuất chính ngạch, như sầu riêng, tổ yến..., xuất khẩu sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn.

Tin bài liên quan