Hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp đang tăng mạnh
Đơn giản hóa loạt thủ tục hành chính
NHNN cho biết, hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp ngày càng có sự phát triển mạnh thể hiện ở quy mô, số lượng giao dịch ngày càng tăng, nội dung khoản vay ngày càng phức tạp, cấu trúc bảo đảm phong phú,... Thực tế này đòi hỏi phải có những điều chỉnh bổ sung trong cơ chế giám sát hoạt động vay, trả nợ nước ngoài sao cho hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy định về điều kiện vay nước ngoài song vẫn đảm bảo chủ trương đơn giản hóa TTHC và đảm bảo kiểm soát hoạt động vay trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả trong các hạn mức an toàn nợ nước ngoài của quốc gia.
Do đó, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 03/2016/TT-NHNN về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, NHNN bổ sung nhiều quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo khả năng giám sát dòng nợ vay của doanh nghiệp.
Cụ thể, NHNN nâng thời hạn nộp hồ sơ đối với trường hợp khoản vay nước ngoài ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ tại thời điểm tròn 1 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên thêm 15 ngày.
Đồng thời, NHNN cũng mở rộng các trường hợp không cần thực hiện đăng ký hoặc đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài. Theo đó, dự thảo Thông tư đã nâng thời gian doanh nghiệp tự thu xếp trả nợ từ 10 ngày lên 30 ngày mà không cần đăng ký, quy định này giúp giảm số lượng các khoản vay ngắn hạn quá hạn 01 năm cần thực hiện đăng ký khoản vay.
Lý do là các khoản vay ngắn hạn được thanh toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày tròn 1 năm tính từ thời điểm rút vốn không mang bản chất khoản vay trung, dài hạn mà đơn thuần do Bên đi vay chưa kịp thu xếp để thanh toán (ngắn hạn quá hạn). Thứ hai, việc áp dụng cơ chế quản lý các khoản vay này tương tự như khoản vay trung, dài hạn (yêu cầu đi đăng ký, thực hiện trả nợ qua tài khoản vay…) không mang nhiều ý nghĩa về mặt quản lý do chỉ sau vài ngày khi đăng ký, khoản vay sẽ được tất toán…
Việc sửa đổi như trên linh hoạt cho doanh nghiệp song vẫn đảm bảo mục tiêu giám sát dòng vốn. Bởi vì đối với các khoản vay có giá trị lớn mà việc rút vốn/trả nợ có khả năng gây ảnh hưởng đến hạn mức thì việc rút vốn ít hơn một kỳ cụ thể đã được xác nhận đăng ký sẽ không làm vượt hạn mức (do kế hoạch rút vốn đã được xác nhận đăng ký và tính vào hạn mức). Hơn nữa, việc trả nợ thường bị quản lý chặt chẽ bởi các chủ nợ nên kế hoạch trả nợ thường không có sự thay đổi, trường hợp thay đổi trả nợ ít hơn, chắc chắn sẽ phải ký thỏa thuận thay đổi và yêu cầu Bên đi vay thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi.
Doanh nghiệp phải báo cáo hàng tháng thay vì hàng quý
Một điểm mới nữa mà dự thảo đưa ra là nâng tần suất báo cáo từ quý thành tháng. Theo NHNN, việc nâng tần suất báo cáo lên định kỳ hàng tháng và hình thức báo cáo trực tuyến sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như giảm sai sót so với việc nhập số liệu báo cáo thủ công, số liệu được cập nhật.
Năng lực thống kê được tăng cường tạo ra cơ sở dữ liệu vay, trả nợ nước ngoài đáp ứng mục tiêu điều hành cũng như khả năng cung cấp số liệu báo cáo theo các cam kết với các tổ chức tài chính quốc tế mà Việt Nam là thành viên (IMF, WB,..).
Tăng tần suất báo cáo cũng nâng cao năng lực giám sát vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp nằm trong hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả, đảm bảo chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài của quốc gia, giúp NHNN giám sát thực tế tốt hơn, hạn chế các sai phạm của DN...
Việc tăng tần suất báo cáo cũng khiến số tiền rút vốn/trả nợ ít hơn sẽ được phản ánh ngay trong tháng phát sinh nên NHNN vẫn có thể theo dõi tình hình thực hiện hạn mức, điều này cho phép NHNN bổ sung thêm nhiều trường hợp không cần thực hiện đăng ký thay đổi khi vay nợ nước ngoài, đơn giản hóa các thủ tục hành chính như trên mà NHNN vẫn giám sát được luồng vay nợ của các doanh nghiệp.
Bổ sung quy định về hoạt động bảo đảm khoản vay nước ngoài
Thông tư 03 hiện nay chỉ có hướng dẫn về quản lý ngoại hối thực hiện giao dịch liên quan đến bảo lãnh khoản vay nước ngoài. Tuy nhiên, thông tư sửa đổi bổ sung mới thêm thêm các quy định hướng dẫn chung cho các giao dịch bảo đảm liên quan đến khoản vay nước ngoài (bảo lãnh, cầm cố, thế chấp tài sản của Bên đi vay, Bên thứ ba).
Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định: việc sử dụng tổ chức đại diện xử lý tài sản đảm bảo là pháp nhân thành lập theo pháp luật Việt Nam trong trường hợp tài sản đảm bảo cho khoản vay nước ngoài là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam; Quy định trách nhiệm kiểm tra lưu giữ chứng; Quy định trách nhiệm cung cấp thông tin từ Bên bảo đảm/Đại diện xử lý tài sản đảm bảo cho Ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản…
Nguyên nhân đưa ra các bổ sung này, theo NHNN là thời gian qua, các biện pháp bảo đảm khoản vay nước ngoài gồm nhiều hình thức khác (cầm cố, thế chấp tài sản của chính bên đi vay, tài sản của bên thứ ba,...).
Ngoài các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp FDI vay từ công ty mẹ, các khoản vay từ các đối tác thương mại đều yêu cầu có biện pháp bảo đảm khá phong phú. Các hướng dẫn về quản lý ngoại hối khi thực hiện giao dịch liên quan đến thực thi các biện pháp bảo đảm sẽ giúp Bên cho vay an tâm và sẵn sàng cho doanh nghiệp Việt Nam vay vốn do quyền lợi được bảo đảm.
NHNN kỳ vọng, việc hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý cho hoạt động vay, trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả sẽ tăng tính minh bạch, và có cơ sở pháp lý rõ ràng để xử lý vi phạm hành chính, .... Qua đó, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các bên trong giao dịch vay, trả nợ nước ngoài. Ngoài ra, khung pháp lý đầy đủ (được cập nhật, bổ sung theo thực tiễn) cũng sẽ tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp tham gia hoạt động này để tận dụng nguồn vốn hợp lý từ thị trường vốn quốc tế; song, vẫn đảm bảo các mục tiêu giám sát nợ nước ngoài của quốc gia.