Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BXD ngày 20/3/2015, có hiệu lực từ ngày 15/5/2015 nhằm hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Nội dung cơ bản của Thông tư 01 này xác định đơn giá nhân công theo đơn giá thị trường và áp dụng đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước.
Nguyên tắc xác định giá nhân công xây dựng trong Thông tư phù hợp với quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình “Giá nhân công xây dựng được xác định trên cơ sở tính đúng, tính đủ tiền lương nhân công và phù hợp với mặt bằng thị trường lao động phổ biến của từng khu vực, tỉnh, theo từng ngành nghề cần sử dụng”.
Cụ thể việc xác định và điều chỉnh đơn giá nhân công phải đảm bảo các nguyên tắc: Phù hợp với trình độ tay nghề theo cấp bậc nhân công trong hệ thống định mức dự toán xây dựng công trình; phù hợp mặt bằng giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động của từng địa phương, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc; đáp ứng yêu cầu chi trả một số khoản chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động (BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp…).
Theo Thông tư này, đơn giá nhân công được xác định theo công thức: GNC = LNC + HCB x 1/t.
Trong đó, GNC là đơn giá nhân công tính cho một ngày công trực tiếp sản xuất; LNC là mức lương đầu vào để xác định đơn giá nhân công cho một ngày trực tiếp sản xuất, đã bao gồm lương phụ, phụ cấp lưu động, phụ cấp khu vực, phụ cấp không ổn định sản xuất và đã tính đến yếu tố thị trường, sẽ được công bố điều chỉnh khi mặt bằng giá nhân công trong xây dựng trên thị trường có sự biến động; HCB là hệ số lương theo cấp bậc công nhân trực tiếp sản xuất; t là 26 ngày làm việc trong tháng.
Trong Thông tư đã xác định nhóm, cấp bậc, hệ số lương của công nhân xây dựng; kỹ sư trực tiếp; nghệ nhân; lái xe; thợ điều khiển tàu, thuyền...
Quy định này cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành.
Áp dụng với các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước
Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng của dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và vốn Nhà nước ngoài ngân sách; dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT, PPP do cơ quan quản lý Nhà nước quản lý áp dụng các quy định của Thông tư này.
Đối với các nguồn vốn khác khuyến khích các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến việc quản lý áp dụng các quy định của Thông tư này.
Bộ Xây dựng cũng giao UBND cấp tỉnh căn cứ hướng dẫn tại Thông tư chỉ đạo việc tổ chức, xác định đơn giá nhân công, công bố đơn giá nhân công làm cơ sở lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.
Về xử lý chuyển tiếp, Thông tư quy định, đơn giá nhân công trong tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng đã được phê duyệt trước thời điểm hiệu lực của Thông tư 01 thì người quyết định đầu tư quyết định việc áp dụng quy định của Thông tư này.
Các gói thầu đã ký hợp đồng xây dựng trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư thì thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
Đối với một số dự án đầu tư xây dựng đang áp dụng mức lương và một số khoản phụ cấp đặc thù do cơ quan thẩm quyền cho phép thì tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào khai thác sử dụng.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, sự ra đời của Thông tư 01 sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, góp phần tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh trong quản lý chi phí và nâng cao hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình.