Dọn dẹp “kho nợ” của doanh nghiệp Nhà nước

Dọn dẹp “kho nợ” của doanh nghiệp Nhà nước

(ĐTCK) Quá trình tái cơ cấu DNNN, trong đó có cổ phần hóa, giải thể, phá sản… đang gặp nhiều cản trở, do thiếu cơ chế xử lý nợ của khối DNNN. Tình trạng này đang được kỳ vọng sẽ sớm giải tỏa với một loạt cơ chế mới vừa được ban hành.

Hàng loạt DNNN chỉ có thể  “sống khỏe” trở lại nếu được tái cơ cấu, nhưng cơ chế hiện tại đang cản trở điều này

“Khoảng trống” cơ chế

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, nợ phải trả lớn, nợ mất khả năng thanh toán có xu hướng gia tăng đang là hiện trạng đáng quan ngại của khối DNNN, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty. Đến cuối năm ngoái, số nợ phải trả của khối DNNN lên tới hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với 2011.

Tuy nhiên, theo TS. Đặng Đức Đạm, chuyên gia kinh tế, số nợ phải trả của DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty hiện không minh bạch. Tình trạng này vừa do nguyên nhân chủ quan từ phía DNNN, vừa do bất cập của cơ chế hiện hành, nên có biểu hiện giấu nợ. Chỉ DNNN mới thực sự biết mình đang nợ bao nhiêu, mức độ báo động ra sao, chứ chủ sở hữu, thậm chí các bộ, ngành có chức năng kiểm tra, giám sát, cũng khó nắm được.

Cùng có quan ngại tương tự, bà Vũ Thị Hồng Loan, nguyên là chuyên gia của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, nhìn nhận, số nợ phải trả thường ít được các DNNN cập nhật và công khai, nên khó đánh giá chuẩn xác mức độ rủi ro của tình trạng này đối với hoạt động của DN.

Có một thực tế là, không hiếm DNNN có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 9 - 10 lần, đối mặt với nguy cơ vỡ nợ cao, nhất là trong bối cảnh DN khó tiếp cận tín dụng, kinh tế vĩ mô khó khăn khiến DN khó thu hồi công nợ để có nguồn trả nợ.

Hiện trạng đáng báo động là vậy, nhưng đang có “khoảng trống” pháp lý trong xử lý nợ của DNNN. Cụ thể, theo bà Loan, Nghị định 69/2002 của Chính phủ về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với các DNNN chỉ quy định xử lý nợ tồn đọng của DNNN hoạt động theo Luật DNNN phát sinh từ 31/12/2000 trở về trước, trong khi chưa có quy định về xử lý nợ cho các DNNN thực hiện tái cấu trúc theo Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” ban hành kèm theo Quyết định số 929/QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Do tình trạng xử lý nợ bị “treo”, nên hệ quả là tại nhiều DN, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ngày một tăng cao, trong khi việc chưa có quy định rõ ràng về trình tự xử lý nợ dẫn đến kéo dài quá trình cổ phần hóa nói riêng và sắp xếp lại các DNNN nói chung. Hiện cũng chưa có quy định cho phép đưa ra ngoại bảng cân đối kế toán những khoản nợ khó đòi đã trích dự phòng 100% giá trị…

Nên “hạ ghế” sếp DNNN vi phạm

Tuy nhiên, với một loạt cơ chế mới được quy định tại Nghị định 206/2013/NĐ-CP về quản lý nợ của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (thay thế Nghị định 69/2002/NĐ-CP) vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/2/2014, “khoảng trống” pháp lý trên được kỳ vọng sẽ phần nào được khỏa lấp.

Theo đó, một trong những giải pháp mạnh được đưa ra để dọn dẹp “kho nợ” của DNNN là với những trường hợp có hoạt động sản xuất - kinh doanh thua lỗ lớn kéo dài, đã được tổ chức lại sản xuất nhưng vẫn không có khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn, chủ sở hữu có quyền quyết định bán DN hoặc tiến hành phá sản.

Để ngăn ngừa khối nợ phải trả phình to, Nghị định 206/2013/NĐ-CP buộc DNNN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần… Chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc DNNN…, nếu không xử lý kịp thời, để phát sinh nợ phải trả quá hạn không thanh toán trên 6 tháng, căn cứ vào hậu quả của việc không xử lý kịp thời, chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật theo quy định…

Được biết, Bộ Tài chính và các đơn vị hữu quan đang xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 206/2013/NĐ-CP, nên các chuyên gia kiến nghị, điều quan trọng là cần quy định cụ thể hình thức kỷ luật lãnh đạo DNNN, nếu họ có lỗi trong việc đẩy DN vào tình trạng thua lỗ triền miên, làm mất vốn Nhà nước; có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, không có khả năng trả nợ…

Kiến nghị cụ thể chế tài xử lý lãnh đạo DNNN vi phạm, TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đề xuất: DNNN không tuân thủ luật chơi của thị trường, làm ăn thua lỗ, nợ phải trả lớn, trước tiên cần bãi nhiệm, buộc thôi việc lãnh đạo DNNN, chứ đừng duy trì kiểu kỷ luật thiếu sức răn đe như lâu nay, đồng thời Nhà nước cần dứt khoát “nói không” với khoanh nợ, bơm thêm vốn để cứu DNNN…

Chỉ khi đối mặt với những giải pháp trừng phạt nghiêm khắc như vậy, thì những yếu kém lâu nay của DNNN mới dần được khắc phục.      

>>Lên kế hoạch “phẫu thuật” nợ xấu của DNNN