Dọn dẹp doanh nghiệp trá hình: Thị trường P2P chờ bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp cho vay ngang hàng (P2P) kỳ vọng, hành lang pháp lý thử nghiệm với P2P sẽ loại bỏ những doanh nghiệp trá hình và thị trường sẽ tăng trưởng bứt phá.
Thị trường P2P ở Việt Nam rất tiềm năng bởi tỷ lệ người dân chưa tiếp cận được kênh tín dụng chính thức còn khá lớn.

Thị trường P2P ở Việt Nam rất tiềm năng bởi tỷ lệ người dân chưa tiếp cận được kênh tín dụng chính thức còn khá lớn.

Chờ sandbox dẹp loạn thị trường

Hàng lang pháp lý về cơ chế thử nghiệm P2P mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này hết sức mong chờ. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Thế Vĩnh, Tổng giám đốc, kiêm thành viên HĐQT Tima cho rằng, việc ban hành hành lang pháp lý thử nghiệm (sandbox) đối với P2P nói riêng cũng như lĩnh vực fintech nói chung thời điểm này là vô cùng cần thiết.

Cụ thể, sandbox sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực P2P bứt phá, phát huy hết tiềm lực, phát triển tương xứng với quy mô của thị trường và tận dụng lợi thế của công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý thử nghiệm sẽ giúp các công ty P2P đẩy mạnh hỗ trợ nhóm khách hàng yếu thế không tiếp cận được kênh tín dụng chính thức, thúc đẩy tài chính toàn diện, đẩy lùi tín dụng đen…

Việc ban hành hành lang pháp lý thử nghiệm P2P cũng giúp thanh lọc thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, đơn vị hoạt động trá hình đang gây nhiễu loạn thị trường, làm mất niềm tin của người tiêu dùng, giảm uy tín của lĩnh vực P2P tại Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng, sandbox sẽ có những quy định rõ ràng về điều kiện và tiêu chuẩn hoạt động P2P, làm cơ sở cho cơ quan nhà nước thanh lọc thị trường, loại bỏ những đơn vị trá hình vận hành app cho vay theo kiểu tín dụng đen đang gây hệ lụy tiêu cực cho thị trường”, ông Vĩnh tin tưởng.

Đồng tình ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, thiếu hành lang pháp lý đang khiến thị trường P2P trong tình trạng bát nháo. Nhiều ứng dụng cho vay online mạo danh P2P hoạt động biến tướng, gây hệ lụy xấu cho xã hội, gây mất uy tín cho hình thức cho vay này.

“Việc đưa ra cơ chế thử nghiệm cho mô hình P2P là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, chỉ nên thử nghiệm 1 năm, thay vì kéo dài đến 2 năm như dự thảo hiện hành của NHNN. Bởi càng sớm cấp phép cho các doanh nghiệp P2P nghiêm túc hoạt động, thì càng thu hẹp đất sống cho các công ty trá hình, lừa đảo”, TS. Hiếu đề xuất.  

Theo nhiều chuyên gia, việc ban hành sandbox sẽ giúp thanh lọc thị trường P2P, giúp cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý hàng chục app cho vay tín dụng đen trá hình, mạo danh P2P có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngay cả các công ty P2P hoạt động đúng nghĩa, việc phải “thanh lọc” một lần nữa cũng là cần thiết.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lendbiz cho hay, thị trường P2P Trung Quốc lúc cao điểm có gần 5.000 công ty, sau đó đóng cửa hơn 4.000 công ty, chỉ còn khoảng 200 công ty và vẫn tiếp tục cấu trúc lại ngành. Với thị trường P2P Việt Nam, số lượng 40 doanh nghiệp chính thức chưa phải là nhiều, sẽ phát triển thêm, song cũng cần sắp xếp lại để loại bỏ doanh nghiệp yếu kém. 

Thị trường P2P sẽ bứt phá

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường P2P ở Việt Nam rất tiềm năng bởi tỷ lệ người dân chưa tiếp cận được kênh tín dụng chính thức còn khá lớn. Với ưu điểm giải ngân nhanh chóng, không yêu cầu thế chấp tài sản..., P2P là kênh tiếp cận vốn hữu hiệu cho người dân có thu nhập thấp.

Lợi ích của mô hình P2P trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện là rất rõ ràng. Tuy nhiên, do hành lang pháp lý cho hoạt động này chưa được quy định, nên cũng rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở để vận hành cho vay online thiếu chuẩn mực. Đây là vấn đề cần được các cấp quản lý sớm vào cuộc để giải quyết triệt để, trong đó có việc ban hành cơ chế sandbox cho hoạt động này. 

Một lợi thế khác của các công ty P2P là cho vay qua nền tảng công nghệ, không bị hạn chế bởi rào cản địa lý. Chính vì vậy, các công ty này hoàn toàn có thể mở rộng hoạt động đến tận khách hàng vùng sâu, vùng xa. Các tiến bộ của công nghệ cũng ngày càng trở thành công cụ đắc lực cho các công ty P2P vận dụng để thu thập, phân tích dữ liệu khách hàng, chấm điểm tín dụng, giải ngân…

Nhiều doanh nghiệp cho hay, rào cản lớn nhất của thị trường P2P là chưa có hành lang pháp lý chính thức khiến “trắng đen lẫn lộn”, người dân không phân biệt được công ty P2P đúng nghĩa và công ty P2P trá hình, có cái nhìn thiếu thiện cảm về mô hình này. Tuy nhiên, một khi NHNN đưa ra cơ chế thử nghiệm và công bố danh sách các doanh nghiệp được thử nghiệm, thị trường sẽ sàng lọc được các doanh nghiệp P2P trá  hình, đồng thời mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho các doanh nghiệp P2P đúng nghĩa.

“Hiện thị trường P2P của Việt Nam khá cạnh tranh. Thời gian tới, khi hàng lang pháp lý thử nghiệm ra đời, lợi thế sẽ nghiêng về các công ty hoạt động theo đúng mô hình chuẩn chỉnh, áp dụng tối đa được công nghệ tiên tiến”, ông Vĩnh nhận định. 

Dù được cấp phép hoạt động thử nghiệm khá muộn, song P2P ở Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển, là mảnh ghép rất cần thiết để bổ khuyến cho tín dụng ngân hàng, công ty tài chính. Sắp tới, hệ thống ngân hàng sẽ được nối dài cánh tay xuống tận vùng sâu, vùng xa nhờ mạng lưới ngân hàng đại lý. Tuy nhiên, hệ thống đại lý này chỉ được thực hiện một số nghiệp vụ hạn chế, không thể thay ngân hàng để phát triển tín dụng. Nói cách khác, ở thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam, “miếng bánh” P2P vẫn rất hấp dẫn.

Tin bài liên quan