26 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang có chuyến khảo sát tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hà Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các địa phương này. “Các DN này đang muốn thị sát thị trường trước khi ra quyết định đầu tư”, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến đầu tư Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội nói và cho biết, trong số các DN này, có những DN đã đầu tư ở Trung Quốc, nay muốn chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam và họ đang tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi, lợi thế của môi trường đầu tư của Việt Nam so với Trung Quốc và các quốc gia khác như thế nào.
Không chỉ đoàn DN của JETRO, mà tuần này, lãnh đạo các tập đoàn Sojitz, IHI, Itochu đã tới làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để chia sẻ các kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. IHI đầu năm ngoái đã quyết định đầu tư Nhà máy Sản xuất kết cấu thép, bê tông và máy móc tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư gần 48 triệu USD. Trong khi đó, Itochu và Sojitz không phải là cái tên xa lạ với Việt Nam, bởi hai tập đoàn này đã đầu tư hàng loạt dự án tại Việt Nam.
Hiện tại, Sojitz đã đầu tư vào hơn 20 nhà máy tại Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ở cả ba miền và họ cũng đang lên kế hoạch cho dự án bột giấy, 180 triệu USD, ở Quảng Ngãi, cùng đầu tư với JK của Ấn Độ.
Và Sojitz, sau khi đã đầu tư hai KCN Long Đức và Long Bình tại Việt Nam, thu hút được một lượng lớn vốn FDI, đặc biệt từ các nhà đầu tư Nhật Bản, thì mới đây đã quyết định đầu tư thêm vào KCN Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu). “Hiện các kế hoạch đầu tư này đang được triển khai. Khi dự án này hoàn tất, có thể chúng tôi sẽ nghĩ đến các địa điểm khác”, lãnh đạo của Tập đoàn Sojitz đã chia sẻ như vậy với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
KCN Phú Mỹ 3, quy mô 999 ha, vào đầu năm nay đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận làm KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản. Nhờ các lợi thế như dễ dàng kết nối với cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, Quốc lộ 51, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…, KCN Phú Mỹ 3 sẽ là một địa điểm dừng chân lý tưởng cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Như vậy, không chỉ trực tiếp đầu tư vào hạ tầng KCN, vào các dự án ở Việt Nam, Sojitz còn là nhân tố quan trọng kéo các nhà đầu tư Nhật Bản thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Một thông tin đáng chú ý khác, tại cuộc đối thoại lần 2 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), diễn ra hôm 16/7 tại Hà Nội, ông Hiroshi Wantanabe, Tổng giám đốc JBIC cho biết, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tin tưởng vào tiềm năng phát triển của Việt Nam và bằng chứng là, vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tăng mạnh trong thời gian dài vừa qua.
“Đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) tới đây là sẽ một kênh hút vốn quan trọng”, ông Wantanabe nói.
Là một trong những hình thức đầu tư được điều chỉnh bởi Nghị định về PPP (đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo, chuẩn bị trình Chính phủ), BOT lâu nay đã được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, đặc biệt trong các dự án hạ tầng quan trọng. Các nhà đầu tư Nhật Bản, theo ông Watanabe, cũng không nằm ngoài xu hướng này.
“Hiện có ba dự án điện BOT mà nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm, đó là BOT Nghi Sơn II, 1.200 MW; BOT Vũng Áng II, 1.200 MW; và BOT Vân Phong 1, 1.320 MW, hiện đều đang trong quá trình thương thảo để ký hợp đồng BOT với Bộ Công thương. Marubeni, Mitsubishi và Sumitomo là các tập đoàn lớn của Nhật Bản, họ đang mong muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án này”, ông Watanabe nói.
Không nhắc tới các lo ngại của nhà đầu tư liên quan đến việc Việt Nam đang dự thảo nghị định mới về PPP, theo đó có thể khiến tiến trình làm thủ tục cho các dự án BOT này bị chậm lại, một điều rõ ràng, khi các dự án này được cấp chứng nhận đầu tư, dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản sẽ tăng tốc đáng kể.
Hơn thế, điều quan trọng là, theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sẽ không có bất cứ vướng mắc nào liên quan đến việc thực hiện các dự án này. “Trong giai đoạn chuyển đổi, các dự án cũ vẫn sẽ được áp dụng các quy định liên quan đến BOT như trước đây. Khi Nghị định PPP ban hành, nhà đầu tư có quyền lựa chọn áp dụng theo quy định pháp luật nào”, ông Tăng nói và khẳng định, khi soạn thảo Nghị định về PPP, ban soạn thảo luôn nhất quán nguyên tắc mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chỉ đạo, đó là “phải đặt mình là nhà đầu tư để hiểu họ”.
“Mục tiêu lớn nhất là thu hút đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là khu vực FDI. Do vậy, các quy định pháp luật sẽ tạo thuận lợi lớn nhất cho nhà đầu tư”, ông Tăng cho biết.
Không chỉ là các quy định liên quan đến mô hình đầu tư mới, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam cũng đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung, Nhật Bản nói riêng, đến kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam.
“Các nhà đầu tư hạ tầng các KCN cũng sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Nhật Bản. Nếu trước đây, nhà đầu tư phải thuê vài ba ngàn m2, chủ đầu tư KCN mới chấp thuận, thì nay, biết nhu cầu của nhiều DN nhỏ và vừa Nhật Bản không lớn, họ sẵn sàng cho thuê chỉ 500 m2. Họ cũng xây dựng sẵn nhà xưởng để cho thuê. Nhiều KCN còn hạ giá cho thuê từ 60 USD/m2 trước đây xuống còn 40 USD/m2”, ông Hoàng cho biết và khẳng định, đó cũng chính là một trong những lợi thế của môi trường đầu tư Việt Nam so với Trung Quốc các quốc gia khác trong khu vực.
Những lợi thế này sẽ khiến sóng FDI từ Nhật Bản tiếp tục dồn tới Việt Nam.