UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới, giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, thành phố xác định và phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập 5 khu công nghiệp (KCN) mới trong giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể: KCN Sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn diện tích 302,8ha ở hai xã Minh Trí và Tân Dân; KCN Đông Anh, huyện Đông Anh diện tích 300ha ở các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh; KCN Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín diện tích 112ha ở các xã Văn Bình, Ninh Sở, Liên Phương; KCN Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ diện tích 389ha ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Ngọc Hòa; KCN Phụng Hiệp, huyện Thường Tín diện tích 174,88ha ở các xã Dũng Tiến, Nghiêm Xuân, Tô Hiệu, Thắng Lợi.
Việc thành lập các KCN này nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH của thành phố trong thời gian tới.
Theo thông tin từ UBND TP.Hà Nội, đến tháng 12/2021, các KCN của Hà Nội đã thu hút gần 165 nghìn người lao động (trong đó, lao động nước ngoài là 1.100 người), bình quân 1ha đất đã tạo việc làm cho hơn 160 lao động. Các doanh nghiệp trong KCN đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo đánh giá của các sở, ngành thành phố, đến nay, trên địa bàn thành phố có 10 KCN đang hoạt động với diện tích 1.347,42 ha, trong đó có 9 KCN với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Tính đến đầu tháng 12/2021, các KCN của Hà Nội đã thu hút được trên 700 dự án. Trong đó, có 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,1 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 18.000 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân trên 18 triệu USD/dự án FDI, trên 53 tỷ đồng/dự án trong nước; bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư.
Theo báo cáo Quý 4/2021 của Cushman & Wakefield Việt Nam về thị trường bất động sản công nghiệp Hà Nội, hầu hết các dự án hiện tại đều đã được lấp đầy hoặc có diện tích cho thuê hạn chế.
Báo cáo này nhận định, với những ưu đãi của Chính phủ, chi phí lao động cạnh tranh, môi trường chính trị ổn định, triển vọng kinh tế tích cực và các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, Việt Nam đã trở nên được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang di chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Hiện giá thuê đất công nghiệp tại Hà Nội tăng cao. Giá chào thuê trung bình tại Hà Nội đạt 3,2 triệu đồng/m2/kỳ, tương đương 142,3 USD/m2/kỳ, giữ ổn định so với quý trước nhưng tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do giá thuê tăng tại các khu công nghiệp hiện hữu với quỹ đất cho thuê hạn chế. Giá thuê đất công nghiệp bình quân tại Hà Nội vẫn cao nhất so với các tỉnh phía Bắc, cao hơn Hưng Yên 71%, và cao hơn Hải Phòng và Bắc Ninh lần lượt là 48% và 50%.
Giai đoạn sắp tới vào năm 2022-2023 sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp. Trong dài hạn, nhiều công ty đang tìm giải pháp thiết kế lại chuỗi cung ứng của họ. Một số nhà sản xuất đã bắt đầu mở rộng hoạt động tại các thị trường mới để giúp đa dạng hóa sản xuất.
Các thị trường phát triển có thể sẽ được hưởng lợi từ việc sắp xếp lại các yếu tố, “nhiệm vụ then chốt” của chuỗi cung ứng. Trong tương lai, sự tăng trưởng thương mại nội vùng ở châu Á sẽ tăng chóng mặt, bởi người tiêu dùng trong khu vực sẽ tiêu thụ nhiều hàng hóa được sản xuất tại khu vực hơn. Điều này sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng sản xuất và hậu cần.