Trong lời tựa của Báo cáo “Già hóa trong thế kỷ 21: Thành tựu và thách thức” của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon chỉ ra rằng: “Ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của hiện tượng già hóa dân số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ, mà còn có tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng có”.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho rằng, quá trình biến đổi nhân khẩu học không ngừng đem lại cơ hội, cũng như dân số già hóa với sức khỏe, an sinh và năng động cả về kinh tế và xã hội vẫn có thể có những đóng góp không ngừng cho xã hội.
Nói khác đi, mặc dù già hóa dân số tạo ra những thách thức lớn về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa, song cũng mang đến nhiều cơ hội. Vấn đề là cách thức mà chúng ta lựa chọn để giải quyết các thách thức, cũng như tận dụng tối đa các cơ hội mà dân số già hóa nhanh chóng mang lại nhằm xác định liệu xã hội có được hưởng lợi hay không từ “cơ hội dân số già” như Báo cáo chỉ ra.
Thách thức của Việt Nam
Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng cũng đã chuyển sang giai đoạn già hóa dân số rất nhanh. So với nhiều nước phát triển trải qua hàng thập kỷ đến hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, như Pháp là 115 năm, Australia 73 năm, Trung Quốc 26 năm, thì Việt Nam chỉ mất khoảng 15-20 năm.
Năm 2011 được xem là thời điểm Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa, với số người trên 60 tuổi chiếm 10% dân số, đến năm 2018 đã tăng lên 11,95%. Với tốc độ như vậy, Việt Nam sẽ sớm trở thành nước có dân số già vào năm 2038, khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 20% dân số. Đến năm 2050, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm trên 25% dân số, tức là cứ 4 người dân sẽ có một người cao tuổi.
Già hóa dân số sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với Chính phủ trong việc đảm bảo các chính sách an sinh cho người già. Các chính sách an sinh dành cho người già không thể chỉ trông cậy vào trợ cấp ngân sách của Chính phủ, mà cần tạo cơ chế đồng chi trả, tức là huy động sự tham gia rộng rãi của xã hội, các thành phần kinh tế, khu vực tư nhân để cung cấp phúc lợi tốt hơn cho người già.
Dù nhìn ở góc độ nào cũng không thể xem người già là một gánh nặng xã hội. Những nền tảng vật chất mà người già đã lao động và cống hiến trong thời kỳ trước đây, cũng như những giá trị tinh thần mà họ làm chỗ dựa cho xã hội là không thể phủ nhận. Hơn nữa, dân số trong mọi độ tuổi đều tạo ra những nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Dân số già hóa cũng tạo ra các nhu cầu như dinh dưỡng người già, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người già, nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của người già…
Ở Việt Nam, cùng với xu hướng già hóa dân số là sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cách đây vài năm, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm khoảng 15% dân số, tương đương gần 15 triệu người. Con số này bằng tổng dân số của Singapore và Hồng Kông cộng lại. Dự báo đến năm 2025, tầng lớp trung lưu sẽ chiếm khoảng 25%, tương đương 25 triệu người, tức xấp xỉ dân số Đài Loan, và đến năm 2045, dự báo tầng lớp trung lưu sẽ đạt tối thiểu 50% dân số, tức hơn 50 triệu người, tương đương dân số Hàn Quốc khi đó.
Tiềm năng về du lịch dưỡng lão
Xin nêu một ví dụ về cơ hội từ du lịch dưỡng lão. Trong số các loại hình du lịch, du lịch nghỉ dưỡng đang trở thành một phân khúc hấp dẫn bởi những tiềm năng và lợi thế rất lớn ở cả phía cung lẫn phía cầu. Đời sống công nghiệp ngày càng bận rộn, công việc áp lực, căng thẳng; xã hội ngày một xô bồ và phức tạp; không khí, nguồn nước và thực phẩm không an toàn; nhiều bệnh tật phát sinh và sự sa sút về sức khỏe, trí lực, thể lực… khiến nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn, dưỡng bệnh ngày càng tăng lên.
Những năm qua, rất nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp tập đầu tư ở nhiều nơi trong cả nước nhằm đón đầu cơ hội này. Mặc dù vậy, du lịch dưỡng lão vẫn còn rất sơ khai, chưa được chú ý đầu tư nhiều ở Việt Nam.
Việt Nam có nhiều tài nguyên cho du lịch dưỡng lão gắn với chăm sóc sức khỏe người già và chữa bệnh. Một trong những yếu tố đó chính là khí hậu. Việt Nam có những vùng núi cao với khí hậu trong lành và mát mẻ, như các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Các nghiên cứu cho thấy, càng lên cao không khí càng loãng và áp suất thấp, lượng hồng cầu và tỷ lệ huyết sắc tố trong máu tăng, lượng bạch cầu giảm đi, thời gian đông máu cũng ngắn hơn. Áp suất không khí thấp có tác dụng rất tốt đối với hệ tuần hoàn và cơ quan hô hấp, giúp cơ thể có cảm giác nhẹ nhõm, thư thái. Khí hậu miền núi cũng kích thích sự chuyển hóa, thích hợp với các bệnh nhân cần hồi phục sức khỏe, người làm việc quá sức, thiếu máu…
Trong khi đó, các tỉnh giáp biển cũng có không khí trong lành và mát mẻ, nhưng mang đặc trưng của khí hậu biển; nhiều ánh nắng mặt trời, không khí có áp suất cực đại chứa một lượng muối và iốt có khả năng kích thích mạnh các quá trình đồng hóa, trao đổi chất trong tế bào, kích thích hệ thần kinh. Về mặt trị liệu, những bệnh nhân đang có hiện tượng thoái hóa khoáng chất, tinh thần mệt mỏi sẽ cảm thấy dễ chịu khi đến với miền biển.
Các bãi biển ở miền Trung nổi tiếng với vẻ đẹp, nước biển trong xanh, bãi cát trắng mịn, thoải dần ra biển. Xét về vẻ đẹp, các bãi biển của miền Trung Việt Nam hoàn toàn không thua kém, thậm chí được đánh giá vượt trội so với nhiều bãi biển của nhiều nước trên thế giới.
Nhìn chung, các tài nguyên du lịch biển của miền Trung vẫn còn giữ được nét hoang sơ, chưa bị khai thác quá mức, manh mún và ô nhiễm đến mức không thể phục hồi. Trong số các vùng biển miền Trung, vùng biển Nam Trung bộ có số giờ nắng nhiều, là một trong những điều kiện lý tưởng, là lợi thế để phát triển du lịch, tham quan và nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người lớn tuổi. Nhiệt độ trung bình vùng biển Nam Trung bộ không chênh lệch nhiều, do đó rất thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh.
Nói chung, mức độ bức xạ, mây, nắng, gió, nhiệt độ, biên nhiệt độ, độ ẩm, mưa và các hiện tượng thời tiết đặc biệt ở vùng biển Nam Trung bộ đều rất tốt cho các loại hình du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng, trong đó có du lịch dưỡng lão. Vùng biển miền Trung trở vào đến Bình Thuận còn có nhiều loại hải sản quý hiếm như bào ngư, cá ngựa, hải sâm, đồi mồi, hàu, hải phiêu, rong mơ, tu hài, sao biển… Đây không chỉ là nguồn hải sản thông thường, mà còn có giá trị dinh dưỡng và điều trị bệnh.
Bên cạnh tài nguyên biển, tài nguyên sông, hồ, suối, đặc biệt là suối nước nóng và nước khoáng là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn của nhiều địa phương đang được đầu tư, khai thác cho mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, điều dưỡng cho người già, người bệnh…
Nhiều nghiên cứu địa chất cho thấy, thành phần khoáng chất có trong suối nước nóng có thể điều trị một số bệnh như cổ trướng, nhiễm độc mãn tính, các bệnh ngoài da, các bệnh về thần kinh hay tim mạch. Ở Việt Nam có khá nhiều suối nước nóng nổi tiếng như Kim Bôi (Hòa Bình), Kênh Gà (Ninh Bình), Bản Mòng (Sơn La), Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Cần phát huy vai trò Chính phủ kiến tạo để đón “cơ hội dân số già”
Chính phủ cần có những chương trình hành động nhằm biến các thách thức từ giá hóa dân số thành cơ hội. Theo đó, trước hết, cần hỗ trợ người cao tuổi nhận thức được đầy đủ các quyền của họ, đó là quyền được hưởng đời sống vật chất và tinh thần một cách cơ bản.
Chính phủ cần chủ động xây dựng, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư mạng lưới y tế dành cho người già, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc y tế cho người già; khuyến khích các mô hình quỹ hưu trí tư nhân và các quỹ bảo hiểm y tế dành cho người già… Bên cạnh đó, cần các chính sách khuyến khích lối sống lành mạnh, thực phẩm an toàn, tăng cường ứng dụng công nghệ, thúc đẩy các nghiên cứu y học tuổi già.