Thúc cổ phần hóa, thoái vốn: Cần xử lý hiệu quả từng vấn đề
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm "Nâng cao hiệu quả DNNN: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, cổ phần hoá, thoái vốn vẫn là giải pháp quan trọng để đổi mới hoạt động của DNNN.
Theo ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, câu chuyện quyết tâm cổ phần hoá của bộ máy lãnh đạo các doanh nghiệp, cũng như các bộ, ngành quản lý doanh nghiệp được nhắc tới nhiều, song vẫn là một trong những rào cản chính làm chậm trễ quá trình cổ phần hoá, thoái vốn.
Do đó, trong thời gian tới, cần quyết liệt hơn trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, cũng như các bộ, ngành, cần có những cái tên cụ thể bị phê bình, kiểm điểm, khiển trách.
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến pháp lý, đất đai, công nợ, quyết toán..., đặc biệt là tại các doanh nghiệp nắm giữ lượng lớn vốn nhà nước, tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh, rất cần được mổ xẻ và tìm hướng xử lý hiệu quả cho từng vấn đề, mà câu chuyện xử lý 12 dự án thua lỗ ngành công thương là một ví dụ.
Cũng theo ông Hùng, cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Nghị định về hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn.
Việc minh bạch hóa các thông tin về tài sản, đất đai đối với các DNNN sở hữu nhiều lợi thế về nguồn lợi tự nhiên không chỉ nhằm mục tiêu định giá đúng doanh nghiệp để tạo niềm tin và sự hấp dẫn cho nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa, mà quan trọng hơn còn là cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sau tái cơ cấu.
Dẫn ví dụ từ sự thành công sau cổ phần hóa của 2 DNNN là Vinamilk và Sabeco, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, minh bạch thông tin và dựa vào hoạt động cốt lõi là điểm mấu chốt để kêu gọi nhà đầu tư đích thực, gắn bó với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
“Trước và sau cổ phần hóa, Vinamilk vẫn chỉ tập trung làm sữa, còn Sabeco chỉ làm bia và nước giải khát, chứ không kinh doanh, đầu tư bất động sản nên giá trị mới bền vững.
Trước đây, có sự nhập nhằng giữa các ngành nghề kinh doanh chính, nhiều DNNN dựa vào lợi thế đất đai ở vị trí tốt mà không làm gì thêm để gia tăng giá trị tài sản, hay chỉ dựa vào việc đầu tư ngoài ngành, cho thuê đất đai để kiếm lợi nên khó có thể cải thiện sự hiệu quả”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, để khắc phục sự nhập nhằng này, Chính phủ đã quy định các DNNN trước khi cổ phần hoá phải sắp xếp lại tài sản đất đai, nếu không dùng hết đất thì chuyển giao lại đất cho địa phương để sử dụng việc khác, doanh nghiệp làm ngành nghề nào thì tập trung làm ngành nghề đó. DNNN sắp xếp xong đất đai rồi mới tiến hành cổ phần hoá, thoái vốn theo lộ trình đặt ra.
Trước và sau cổ phần hóa, Vinamilk vẫn chỉ tập trung làm sữa, còn Sabeco chỉ làm bia và nước giải khát, chứ không kinh doanh, đầu tư bất động sản nên giá trị mới bền vững.
- Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
“Trước đây, doanh nghiệp thường làm ào ào, có bao nhiêu tài sản thì đưa vào báo cáo để tạo ra lợi thế ảo. Với sự quyết liệt sắp xếp lại, đã có nhiều trường hợp cổ phần hóa thành công, chẳng hạn như trường hợp của Hapro”, ông Tiến nói.
“Hà Nội làm được vì có quyết tâm, sắp xếp đất trước khi cổ phần hoá Hapro và thu hồi được nhiều diện tích đất không sử dụng sau khi cổ phần hoá để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào đây. Nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn vào tiềm năng của doanh nghiệp để đầu tư, chứ không hẳn là vì bất động sản”, ông Tiến bình luận.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, đất đai là tài sản lớn, nếu doanh nghiệp quản lý đất đai không hiệu quả, cần phải chuyển trả lại quyền sử dụng đất về Nhà nước, thực hiện công khai minh bạch khi định giá tài sản. Chuyên gia này đề xuất, tới đây, Quốc hội nên xem xét lại quy định chuyển quyền sử dụng mục đích đất cho linh hoạt hơn.
Nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn
Theo ông Đặng Quyết Tiến, về lý thuyết, sau khi thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn, nhà đầu tư thường mang các nguyên tắc quản trị của thị trường vào doanh nghiệp, bảo đảm công khai minh bạch và quan trọng nhất là các vấn đề được xử lý theo thị trường, nhờ đó đổi mới được bộ máy quản trị và gia tăng hiệu quả của doanh nghiệp.
Dù vậy, vẫn tồn tại khá nhiều trường hợp doanh nghiệp sau cổ phần hoá vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”, không làm tốt được như kỳ vọng. Dó đó, việc quyết liệt thúc đẩy các doanh nghiệp sau cổ phần hoá phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán là cần thiết.
Chia sẻ quan điểm này, ông Phùng Văn Hùng cho rằng, việc yêu cầu DNNN sau cổ phần hóa phải niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cần có chế tài chặt chẽ để đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.
Theo ông Hùng, doanh nghiệp sau cổ phần hóa mà không muốn niêm yết là không bình thường, họ muốn việc mua bán cổ phiếu chỉ gói gọn trong nội bộ, chứ không muốn công khai.
Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần phải xem xét trong thời gian tới để có giải pháp xử lý đối với doanh nghiệp cố tình chây ì việc niêm yết, đồng thời tạo nền tảng để các doanh nghiệp tuân thủ các quy định, nguyên tắc thị trường.
“Khi đã niêm yết thì sự công khai, minh bạch là điều kiện bắt buộc. Trên thị trường chứng khoán, sức khoẻ của doanh nghiệp được đo đếm, được công khai giám sát bởi các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, nhà đầu tư. Đây là kinh nghiệm của thế giới, một khi chúng ta hội nhập thì phải tuân thủ”, ông Hùng nhấn mạnh.