Các công trình hạ tầng vừa giúp cải thiện hạ tầng giao thông, vừa tạo nét riêng cho Thừa Thiên Huế
Hệ thống hạ tầng kết nối đô thị vệ tinh
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, trong quy hoạch phát triển, tỉnh đang tập trung hoàn thành quy hoạch Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế, tỉnh tập trung sắp xếp địa giới hành chính đô thị Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch đề án thành lập thị xã Phong Điền và sắp xếp thành lập các xã, phường thuộc thị xã Phong Điền, Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - cầu Hai đến năm 2030.
Theo ông Phương, Thừa Thiên Huế rà soát các quy hoạch chung đô thị, nông thôn, khu chức năng để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu gắn công tác quy hoạch đô thị với bố trí nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị và chỉnh trang đô thị.
Trong kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh tập trung đầu tư TP. Huế đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại I. Ngoài ra, cần tập trung xây dựng Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV; xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị Chân Mây, nâng cấp và từng bước hình thành các đô thị mới Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Vinh Hiền, Vinh Hưng, Thanh Hà, Phú Mỹ đạt tiêu chí đô thị loại V.
Điểm nhấn trong phát triển hạ tầng là cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm như Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại do địa phương quản lý, các tuyến kết nối khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh nhằm tạo động lực, có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội như tuyến đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường phía Tây phá Tam Giang - cầu Hai (đoạn Phú Mỹ-Phú Đa). Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai thực hiện các dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng, cầu vượt sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Vành đai 3...
Đặc biệt, ngoài các dự án trọng điểm, Thừa Thiên Huế chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị vệ tinh quanh TP. Huế. Các dự án phát triển đô thị loại II (đô thị xanh); dự án phát triển hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn II, Dự án thành phần tỉnh Thừa Thiên Huế; Dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông; đường Đào Tấn nối dài; mở rộng, nâng cấp đường Hà Nội. Triển khai thực hiện Dự án tuyến đường dọc sông Hương (phía Nam), đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Gia Thiều...
Những tuyến đường giao thông ở khu kinh tế Lăng Cô - Chân Mây cũng được đầu tư như tuyến đường kết nối hạ tầng từ TP. Huế đến khu vực trọng điểm du lịch quốc gia (Lăng Cô - Cảnh Dương), điểm du lịch quốc gia (Bạch Mã), các di tích đến vùng biển, đầm phá...
Cảng hàng không, cảng biển giúp Huế thu hút đầu tư
Theo Quy hoạch Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg, ngày 12/8/2008, Chân Mây - Lăng Cô được định hướng phát triển trở thành đô thị loại III nằm trong cụm đô thị động lực số 2, trong đó đô thị Chân Mây phát triển các chức năng về dịch vụ, du lịch và công nghiệp công nghệ cao.
Trong thời gian qua, tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút các dự án sản xuất kinh doanh; diện mạo vùng Chân Mây - Lăng Cô đã thay đổi đáng kể, phát triển theo đúng định hướng, thực sự trở thành vùng động lực phát triển của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Hệ thống giao thông tại khu kinh tế Lăng Cô - Chân Mây cơ bản được xây dựng, đảm bảo kết nối thuận lợi đến các khu chức năng của khu kinh tế; hạ tầng cảng biển được đầu tư; đưa vào khai thác 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, công suất khai thác đạt đến 6 triệu tấn/năm; đón tàu khách du lịch quốc tế cỡ lớn 225.000GT…
Theo ông Nguyễn Đại Vui, UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi và triển khai đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để phục vụ lưu thông hàng hóa, làm nhiệm vụ tiếp chuyển hàng hóa cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực. Ngoài cảng Chân Mây, một trong những dự án lớn, trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai trong năm 2022 nhằm tạo động lực cho địa phương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế là Nhà ga hành khách T2- Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài.
Dự án được thiết kế 2 cao trình, 3 tầng gồm tầng 1, tầng lửng và tầng 2. Diện tích xây dựng khoảng 10.118 m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 22.381m2, công suất 5 triệu lượt hành khách/năm, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, cung cấp nhiều tiện ích chất lượng cao phục vụ hành khách.
Dự án có tổng mức đầu tư 2.249 tỷ đồng, khởi công từ ngày 28/12/2019 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, với thiết kế có kiến trúc trúc độc đáo, phong cách hiện đại, phát huy nét đặc thù văn hóa kiến trúc cung đình Huế với ý tưởng mô phỏng hình ảnh núi Ngự.
Đường ven biển thúc đẩy phát triển đô thị biển
Ngày 26/3/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi công xây dựng công trình Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên - Huế và cầu qua cửa biển Thuận An. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh có ý nghĩa rất lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng.
Dự án gồm 3 đoạn tuyến và 1 cầu qua cửa biển Thuận An với tổng chiều dài khoảng 21,8km, tổng mức đầu tư của dự án là 3.496 tỷ đồng. Tỉnh đang triển khai giai đoạn I của Dự án bao gồm đoạn tuyến dài 7,785km từ nút giao cầu Tam Giang đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao Quốc lộ 49A – Quốc lộ 49B thuộc phường Thuận An; trong đó gồm cả chiều dài cầu qua cửa Thuận An (tính đến đuôi mố) khoảng 2,36km. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 2.400 tỷ đồng.
Về tiến độ triển khai, đến nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành việc lắp dựng lán trại; san lấp mặt bằng bãi chứa vật liệu, đường công vụ, cung cấp điện, nước phục vụ thi công; lắp đặt 02 trạm trộn bê tông xi măng công suất 90m3/h và 01 trạm trộn bê tông xi măng công suất 60m3/h. Huy động đầy đủ nhân lực, vật tư và các máy móc thiết bị cần thiết đến công trường; hoàn thành cầu tạm phục vụ thi công các trụ dưới nước từ bờ Hải Dương đến trụ T26 và từ bờ Thuận An đến trụ T27 để thi công cọc khoan nhồi của hai trụ chính cầu là trụ T26, T27.
Thừa Thiên Huế kỳ vọng, sau khi tuyến đường hình thành sẽ mở ra tuyến đường du lịch ven biển đi dọc bờ biển Thừa Thiên Huế. Tuyến đường đi gần bờ biển hơn (cách bờ biển không quá 2km và tùy vị trí) sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân tại các xã ven biển nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
Tuyến đường này, sau khi hoàn thành, sẽ là tuyến giao thông đối ngoại kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển quốc gia đã quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải theo hướng Bắc - Nam và tăng tính kết nối đến các các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển miền Trung.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, tỉnh sẽ tổ chức quy hoạch để tạo quỹ đất ven biển khoảng 1.500ha nhằm phát triển đô thị biển; thúc đẩy và tăng sức thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến với Huế để đầu tư xây dựng, phát triển các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ, các khu resort, du lịch nghỉ dưỡng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác cho tỉnh Thừa Thiên Huế.
Những dự án hạ tầng trọng điểm sẽ là nền móng, động lực để Thừa Thiên Huế phát triển các đô thị vệ tinh, từ đó trở thành Thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian tới.
Kéo biển gần hơn với đô thị
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế, nếu thu vượt chi thì tỉnh sẽ mang nguồn dư dôi đó đầu tư các dự án trọng điểm, công trình hạ tầng, các tuyến giao thông nối biển với đô thị và đặc biệt là các cây cầu.
Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ làm thêm một cây cầu nữa trên tuyến đường từ Thủy Vân chạy về Phú Đa. Nếu còn cơ hội cân đối được ngân sách, tỉnh sẽ xây thêm cầu vượt phá Tam Giang, song song và nằm ở phía bắc cầu Trường Hà. Như vậy, từ trung tâm TP.Huế, người dân sẽ có ba nhánh đường hướng biển là Thuận An, Hải Dương và Trường Hà. Đây sẽ là những dự án động lực kéo đô thị Huế về phía biển.