Sau cuộc đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ nhất (ngày 29/4/2016), tinh thần kiến tạo, hành động, phục vụ doanh nghiệp của các bộ ngành, địa phương tiến triển thế nào, thưa ông?
Kết quả của cuộc đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp lần thứ nhất là sự ra đời của Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Trước cuộc đối thoại lần thứ hai, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tổ chức 2 đoàn công tác làm việc tại hơn 50% địa phương trong cả nước, trong đó có Hà Nội và TP.HCM (chiếm 56,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động); các địa phương đứng top đầu trong Bảng Xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương… cũng như các địa phương còn gặp nhiều khó khăn như Hà Giang, Bắc Cạn, Lai Châu, Cao Bằng.
Việc người đứng đầu Chính phủ gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp chính là cú hích, đòn bẩy rất quan trọng để thực hiện mục tiêu kể trên
Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi đưa ra đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ra sao, sau 1 năm triển khai đến nay các địa phương đã làm được những gì, chưa làm được những gì, còn hạn chế, vướng mắc gì.
Kết quả thế nào, thưa ông?
Về cơ bản, các tỉnh thực hiện khá nghiêm túc Nghị quyết 35/NQ-CP, cũng như 4 Nghị quyết 19/NQ-CP, với tinh thần chung là thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhìn chung, địa phương nào cũng ban hành chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, coi doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Các tỉnh mà đoàn công tác đến làm việc đều thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là 1 năm phải gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tối thiểu 2 lần. Có những tỉnh tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp 5-6 lần, thậm chí làm thường xuyên dưới nhiều hình thức khác nhau rất sáng tạo, với mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, đi kiểm tra thực tế địa phương, ngoài làm việc với chính quyền, chúng tôi đã gặp gỡ riêng với các hiệp hội doanh nghiệp địa phương để nghe ý kiến đánh giá về sự hỗ trợ của địa phương với doanh nghiệp trên địa bàn một cách khách quan.
Vậy ý kiến khách quan từ cộng đồng doanh nghiệp có giống những gì chính quyền địa phương báo cáo không, thưa ông?
Tất nhiên, cũng có ý kiến chưa thực sự hài lòng về sự phục vụ của cơ quan, ban, ngành nào đó trên địa bàn, nhưng về cơ bản, các hiệp hội đều đánh giá rất cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ doanh nghiệp của các cơ quan, ban, ngành.
Nhờ đó, thời gian, thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, mẫu biểu trong việc cấp giấy phép kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính thuế, xuất - nhập khẩu, bảo hiểm xã hội… đã đơn giản hơn rất nhiều.
Cộng đồng doanh nghiệp cho biết, nhờ 4 Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP, họ đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, và đặc biệt là giảm thiểu tiêu cực, chi phí “gầm bàn”.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Nghị quyết 35/NQ-CP là đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Mục tiêu này quả là rất khó, bởi vào thời điểm 31/12/2016, cả nước mới có 477.800 doanh nghiệp hoạt động?
Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 chỉ là số lượng, còn về chất lượng, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh ngang tầm khu vực và thế giới; khu vực tư nhân đóng góp 48 - 49% GDP; chiếm 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; mỗi năm có 30 - 35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đưa ra 10 nguyên tắc cơ bản hỗ trợ doanh nghiệp.
Tinh thần là như thế, nhưng thưa ông, muốn đạt 1 triệu doanh nghiệp thì trong giai đoạn 2017-2019, mỗi năm phải có thêm trên 174.000 doanh nghiệp - mục tiêu quá khó?
Cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp lần thứ nhất, dưới sự chủ trì trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo ra khí thế khởi nghiệp, củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào Chính phủ kiến tạo; thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa cho sản xuất, kinh doanh.
Tôi cho rằng, việc người đứng đầu Chính phủ gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp chính là cú hích, đòn bẩy rất quan trọng để thực hiện mục tiêu kể trên.
Với sự điều hành hết sức quyết liệt của Chính phủ; chính quyền địa phương coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển là sự phát triển của địa phương, cộng với việc Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào Kỳ họp thứ 3 tới đây, tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, tôi tin rằng, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 chắc chắn sẽ đạt được.