Tại cuộc đối thoại, một kiều bào phản ánh, theo quy định hiện hành, kiều bào được chấp thuận hưởng quốc tịch Việt Nam sẽ được nhập khẩu 1 xe ô tô và 1 xe mô tô.
Xe ô tô phải được lưu hành ở quốc gia định cư trên 6 tháng, đã đi trên 10.000 km, giấy đăng ký mang tên người được hồi hương và khi nhập khẩu phải có địa chỉ hộ khẩu cụ thể mới được cơ quan hải quan chấp nhận nhập khẩu.
Xe nhập khẩu về Việt Nam theo diện này phải được làm thủ tục nhập khẩu cùng thời gian kiều bào có chấp thuận được hồi hương và chỉ được chuyển nhượng sau 10 năm. Tuy nhiên, rất khó xác định thời điểm chính thức được nhập quốc tịch để làm thủ tục hồi hương và mang theo hàng hóa.
Nhiều ý kiến khác tại hội nghị cũng cho rằng, quy định này gây rất nhiều khó khăn cho Việt kiều hồi hương muốn mang theo tài sản.
Theo ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải Quan TP. HCM, đối với việc nhập khẩu xe ô tô khi hồi hương, một số kiều bào nhập về để sử dụng, nhưng cũng có một số đã lợi dụng chính sách này để buôn bán, nên thời gian trước đây đã có rất nhiều xe ô tô vào Việt Nam theo diện hồi hương.
Chính vì vậy, phải quy định lại chặt chẽ hơn, thậm chí xe vào Việt Nam theo diện Việt kiều hồi hương sau 10 năm mới được mua bán, nếu mua bán chuyển nhượng trước thời gian này, hải quan sẽ truy thu đủ các sắc thuế đã miễn trước đó.
Đối thoại với hải quan trong một chủ đề khác, Việt kiều Lê Ngọc Thạch - đang làm chương trình về nông nghiệp công nghệ cao, bày tỏ quan ngại về khâu kiểm dịch hàng hóa tại các cửa khẩu: “Chúng tôi chuyên nhập cá giống về phát triển tại Việt Nam, nhưng tôi rất lo ngại quy trình kiểm dịch tại Việt Nam. Bởi cá giống nếu bị ách lại 1 - 2 ngày chờ kiểm dịch sẽ chết trước khi có quyết định thông quan. Chúng ta có thể học tập một số nước như Canada về vấn đề này, nếu hàng hóa đã nằm trong danh mục được phép nhập thì cứ thế thông quan…”.
Chia sẻ vấn đề này với DN, nhưng ông Thắng cho rằng, hải quan không quyết định tất cả vấn đề khi thông quan một lô hàng. Một khảo sát của một tổ chức phi chính phủ cho thấy, thời gian hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đến khi thông quan hải quan chiếm 28%, trong khi thời gian kiểm tra của cơ quan quản lý chuyên ngành khác cũng chiếm đến 30%…
Theo ông Thắng, hải quan đang cố gắng rút ngắn 50% thời gian thông quan so với hiện tại, nhưng để nhập khẩu được lô hàng, hải quan phải có đầy đủ các giấy chứng nhận kiểm dịch của các cơ quan có liên quan đến ngành hàng.
“Nếu chỉ hải quan thực hiện Chính phủ điện tử mà các cơ quan khác không thực hiện Chính phủ điện tử thì vẫn không giải quyết được vấn đề chậm trễ trong thông quan”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Như Khuê, Tổng giám đốc Công ty Lotus - chuyên nhập khẩu máy móc, đặt vấn đề, dù hải quan đã có thông quan điện tử và DN thuộc diện “luồng xanh” nhưng tại sao máy móc nhập về vẫn phải lưu kho bãi để kiểm tra? Điều này gây mất rất nhiều thời gian, thậm chí làm hư hỏng máy móc của DN.
“DN chúng tôi đã từng bị kiểm tra cùng lúc 11 container hàng hóa, công ty tư vấn thủ tục xuất nhập khẩu đã đề nghị DN nên chung chi cho hải quan để đỡ mất thời gian và không hư máy móc”, ông Khuê phản ánh.
Trước phản ánh của DN, ông Thắng cho biết, ngoài chi phí làm tờ khai hải quan, DN không phải chi bất cứ loại phí nào nữa. Tuy nhiên, hiện tại, ngành hải quan đang gặp vấn nạn “cò” dịch vụ. Một số đơn vị làm thủ tục hải quan cho DN, dù hải quan không yêu cầu kiểm tra bổ sung, nhưng những đơn vị này vẫn nói với DN hải quan yêu cầu để “vòi” thêm tiền.
“Chúng tôi sẽ xử lý vấn đề này, nhưng DN cũng nên chọn đơn vị làm dịch vụ chuyên nghiệp. Như vậy, cán bộ hải quan muốn nhũng nhiễu cũng khó”, ông Thắng lưu ý các DN và cho biết, sẽ cho kiểm tra lại các trường hợp DN phản ánh và có thông báo lại cho DN sớm nhất.