Chiều ngày 9/4/2025, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).
Theo đó, tên gọi đầy đủ và cũng là tên giao dịch là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam.
Loại hình doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Tên giao dịch quốc tế: Vietnam National Industry - Energy Group.
Tên gọi tắt: PETROVIETNAM, viết tắt là PVN.
Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo quy định tại Luật Dầu khí năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; các hiệp định, văn bản, thỏa thuận và hợp đồng đã ký kết với các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Theo định danh mới, Petrovietnam sẽ phát triển trên ba trụ cột gồm năng lượng - công nghiệp - dịch vụ, trong đó năng lượng vẫn là cốt lõi.
Petrovietnam cho biết, với định danh mới này, Tập đoàn sẽ không chỉ là một tập đoàn dầu khí, năng lượng truyền thống, mà còn là trung tâm của công nghiệp, dịch vụ và trụ cột năng lượng quốc gia.
Cùng với đó, việc chuyển đổi tên gọi sẽ đảm bảo tổ chức, hoạt động của tập đoàn phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị, xu hướng chuyển dịch năng lượng và cam kết Net Zero vào năm 2050.
Theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí, Việt Nam định hướng tận dụng thế mạnh của ngành để phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới như điện gió ngoài khơi phục vụ xuất khẩu, hydrogen, amonia...
Cũng tại buổi lễ, Petrovietnam và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) đã ký gia hạn hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại lô PM3 CAA thêm 20 năm, kéo dài đến năm 2047.
Ông Lê Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Petrovietnam cho biết, việc gia hạn PSC 20 năm là một quyết định thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp tục hoạt động khai thác dầu khí.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định, dự án lô PM3 CAA là biểu tượng hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia, đồng thời đánh giá cao Petrovietnam và Petronas khi đã chủ động tìm kiếm những mô hình hợp tác mới.