Đối sách vượt thách thức

Đối sách vượt thách thức

(ĐTCK) Đà suy giảm của TTCK đang thách thức trực tiếp sự tồn tại của khối CTCK và nhiều chủ thể khác.

Đến thời điểm này, đã có 5 CTCK buộc phải dừng hoạt động môi giới. Những CTCK khác đang phải vật vã tìm hướng đi để tồn tại.

Tại CTCK Sài Gòn (SSI), trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch Công ty Nguyễn Duy Hưng cho biết, sang năm 2012, với dự báo nền kinh tế và TTCK còn nhiều khó khăn, SSI buộc phải thay đổi căn bản chiến lược đầu tư của mình.

Với khoản tiền mặt hiện có, SSI không dành ưu tiên cho đầu tư tài chính, mà sẽ chọn hướng đầu tư chiến lược vào một số DN tiềm năng.

Theo Chủ tịch SSI, khi dòng tiền còn ở trạng thái khan hiếm thì giá cổ phiếu rất khó phục hồi. Tuy nhiên, những cổ phiếu tốt, trong ngành cơ bản, vẫn có cơ hội tăng giá khi DN này thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư theo tiêu chí của Chính phủ.

Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt Nhữ Đình Hòa thì chia sẻ, bước vào năm 2012 còn quá nhiều khó khăn, Công ty không đặt mục tiêu viển vông gì, mà sẽ tập trung phát triển các mảng dịch vụ để làm thế nào năm 2012 không lỗ.

Với một danh mục tự doanh vẫn còn khá cồng kềnh, nếu TTCK tiếp tục suy thoái mạnh thì riêng áp lực làm thế nào để có lợi nhuận bù đắp đủ số tiền phải trích lập dự phòng đầu tư, cũng là một mục tiêu không dễ tại BVSC.

Trong khi các thành viên thị trường đang phải gồng mình để chống chọi với suy thoái thì ở phía cơ quan quản lý, những chuyển động chính sách cũng đang được đẩy mạnh mẽ hơn. Bộ Tài chính đã công bố Thông tư 183/2011/TT-BTC hướng dẫn lập quỹ đầu tư dạng mở; Sở GDCK TP. HCM ngày 6/12/2012 sẽ ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Lưu ký chứng khoán, chuẩn bị cho sự ra đời của chỉ số VN-30. Bên cạnh đó, vấn đề giảm thời gian thanh toán cũng đang được cơ quan quản lý bàn thảo để thực thi.

Phương án giảm thời gian thanh toán xuống T+2 như ý tưởng ban đầu, đang được cân nhắc thay bằng phương án T+0, để chỉ phải cải tổ một lần là TTCK Việt Nam tiếp cận được với chuẩn mực thanh toán giao dịch của một TTCK tiên tiến.

Định hướng hợp nhất 2 Sở GDCK, sau khi được công bố ở cấp Bộ Tài chính, cũng đã có những chuyển động nhất định. Theo thăm dò của ĐTCK, hầu hết các thành viên thị trường ủng hộ phương án này với hy vọng, việc hợp nhất sẽ làm giảm chi phí hoạt động, thống nhất quản lý và tăng hiệu quả cho các thành viên.

Trong thông điệp đầu năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, sau hơn 20 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, các yếu tố của kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ. Thị trường tài chính phát triển không cân đối, thị trường trái phiếu còn sơ khai, TTCK thiếu chiều sâu, chưa trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Làm thế nào để TTCK khắc phục được những tồn tại trên và phát triển? Đó là một thách thức, một nhiệm vụ chính trị của ngành, mà trong khó khăn chung của nền kinh tế vĩ mô, rất cần sự chung sức và nỗ lực vượt khó của tất cả các thành viên.