Lâu nay, ngành ngân hàng thường gặp khó khăn trong giải quyết các vụ kiện đòi nợ. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Theo trình tự tố tụng dân sự, các bước của một vụ kiện gồm: khởi kiện, thụ lý vụ án, các bên làm bản tự khai, cung cấp chứng cứ, yêu cầu phản tố và yêu cầu khác, sau đó tòa án sẽ tiến hành kiểm tra chứng cứ và hòa giải.
Nếu hòa giải thành công, quy trình tố tụng sẽ chấm dứt. Ngược lại, khi hòa giải bất thành, tòa sẽ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và nếu có kháng nghị là cấp giám đốc thẩm. Sau khi tòa ra phán quyết thì có đơn yêu cầu thi hành án, khi đó bản án chính thức có hiệu lực pháp luật.
Luật sư Vũ Ngọc Chi
Vì vậy, các vụ kiện nói chung, hay tranh chấp hợp đồng tín dụng nói riêng có thể kéo dài vài năm, thậm chí cả chục năm, nhất là trong trường hợp có kháng nghị và chờ cấp giám đốc thẩm giải quyết.
Nghị quyết về xử lý nợ xấu cho phép áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đối với các khoản nợ xấu. Vậy “rút gọn” ở đây là như thế nào?
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã quy định rõ về thủ tục tố tụng rút gọn. Cụ thể, theo Điều 316 và 317, thủ tục rút gọn chỉ áp dụng với dân sự. Theo Điều 318, trong thời hạn không quá 1 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, tòa án sẽ có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn.
Trong khi đó, theo quy định tại Nghị quyết về xử lý nợ xấu, thủ tục rút gọn cũng áp dụng đối với tranh chấp đòi nợ của ngân hàng. Cần lưu ý rằng, chỉ áp dụng với các khoản nợ xấu đã được định nghĩa theo quy định tại Nghị quyết, bao gồm khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết.
Có thể hiểu là trong khoảng 1 tháng, tranh chấp đòi nợ của ngân hàng sẽ được giải quyết, thưa ông?
Một tháng là thời hạn mà thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Phiên tòa phải được mở trong vòng 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định.
Nếu phiên tòa được mở và sau đó đương sự không kháng cáo, bản án không bị kháng nghị thì sẽ có hiệu lực thi hành. Như vậy, về lý thuyết có thể có những vụ kiện đòi nợ hoàn tất trong khoảng 1 tháng kể từ thời điểm thụ lý vụ án.
Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Thủ tục rút gọn giúp thời hạn xét xử được rút ngắn. Chẳng hạn, trường hợp vắng mặt Kiểm sát viên thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử. Với thủ tục thông thường, phiên tòa thường bị hoãn vì Kiểm sát viên hoặc Thư ký phiên tòa vắng mặt do phải tham dự một phiên tòa khác.
Trong khi các đương sự vẫn còn quyền vắng mặt khi có lý do chính đáng và phiên tòa vẫn có thể bị hoãn lại. Thêm vào đó, nguyên tắc xét xử 2 cấp vẫn được duy trì. Một khi không đồng tình với bản án, đương sự có thể kháng cáo yêu cầu xét xử phúc thẩm và thậm chí làm đơn đề nghị giám đốc thẩm. Khi đó, vụ án chắc chắn sẽ bị kéo dài.
Mặc dù vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định thủ tục phúc thẩm rút gọn, trong đó áp dụng thời hạn kháng cáo 7 ngày, thời hạn đưa vụ kiện ra xét xử là 1 tháng, thời hạn mở phiên tòa là 15 ngày, thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án của Viện Kiểm sát là 5 ngày... Vì vậy, thời hạn phúc thẩm được rút ngắn đáng kể.
Ông có thể chia sẻ, điều gì khiến thời hạn giải quyết vụ án kéo dài?
Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng với các vụ kiện đáp ứng điều kiện nhất định như (Điều 317): tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ...
Trong khi đó, các khoản nợ xấu thường là quan hệ pháp luật phức tạp, số liệu không rõ ràng, cần phải xác minh tính tin cậy... Chính vì vậy, không loại trừ khả năng các vụ kiện đòi nợ sẽ bị chuyển sang thủ tục thông thường theo quy định Khoản 4, Điều 320 Bộ luật Dân sự: “Nếu tại phiên tòa mà phát sinh tình tiết mới làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì thẩm phán xem xét, ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường”.
Phát sinh ở đây có thể là các tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất, nên cần phải được xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ... Trong trường hợp này, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Khi đó, vụ án sẽ bị kéo dài hơn thường lệ, vì bao gồm cả thời gian giải quyết theo thủ tục rút gọn và thủ tục thông thường.
Điều 8 Nghị quyết về xử lý nợ xấu - Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án.
1. Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm, hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm;
b) Giao dịch bảo đảm, hoặc biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo quy định của pháp luật;
c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn, hoặc các đương sự giải trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
2. Việc giải quyết tranh chấp quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.
3. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều này.