Đợi nhóm bất động sản “tỉnh giấc”

Đợi nhóm bất động sản “tỉnh giấc”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu NTL của Lideco dao động quanh giá 2x suốt thời gian dài nhưng đã vụt tăng mạnh mẽ, lên mức gấp đôi sau khi Công ty mở bán đợt 1 Dự án Khu đô thị Bãi Muối (Hạ Long) thành công, thu về lợi nhuận ròng gần 500 tỷ đồng.

Đây tiếp tục là con gà đẻ trứng vàng của Lideco trong năm 2024, đem lại lợi nhuận kỳ vọng và mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt tới 25%.

Cổ phiếu DPG của Đạt Phương cũng tăng giá mạnh mẽ lên 6x nhờ kỳ vọng Công ty có sẵn quỹ đất thành phẩm để mở bán bất cứ khi nào thị trường thuận lợi.

Tương tự là cổ phiếu TCH của Tài chính Hoàng Huy, đã tăng giá hơn gấp đôi trong vòng 1 năm qua. Lý do là giai đoạn 1 của dự án New City có vị trí rất đẹp cạnh trung tâm hành chính mới của Hải Phòng đã bán thành công trong vòng một nốt nhạc.

Vốn là ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai sau ngân hàng trong rổ tính chỉ số VN-Index, cổ phiếu bất động sản chưa có một đợt sóng lớn nào ngoài diễn biến tích cực cục bộ ở một số mã như đã kể trên. Tuy nhiên, dòng tiền vốn thông minh nên doanh nghiệp nào tiềm năng, hoạt động kinh doanh tốt vẫn có vũ điệu biểu diễn giá nằm ngoài dự đoán của phần lớn nhà đầu tư.

Một nhà đầu tư mua hàng chục triệu cổ phiếu TCH từ vùng giá 12.000 đồng/cổ phiếu vẫn chưa bán ra mà quyết cầm “lâu lâu một chút” bởi những gì đẹp nhất của doanh nghiệp vẫn “chưa phô ra”.

Tại các kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2024 vừa diễn ra, thông điệp dễ thấy nhất mà lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ là giá đất sau khi các sắc luật mới đưa vào thực thi đều có xu hướng tăng. Không chỉ tăng về vật lý mà độ phức tạp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ gián tiếp đẩy chi phí đầu vào của các dự án tiếp tục tăng cao hơn. Việt Nam chưa rơi vào thời kỳ dân số già, sức phát triển mạnh mẽ không chỉ ở nhu cầu trong nước mà còn do làn sóng bùng nổ đầu tư nước ngoài trực tiếp gia tăng, sẽ là những nhân tố thúc đẩy giá bất động sản chạm đến các ngưỡng mới.

Nhưng liệu bất động sản có sóng lớn không, để kích hoạt thị trường chứng khoán bứt phá mạnh trở lại như những gì chúng ta đã chứng kiến năm 2021? Câu hỏi này khiến nhiều nhà đầu tư e dè. Trong chuyến thực tế thị trường khảo sát một loạt dự án phía Nam mới đây, một nhà đầu tư trẻ đã thắng lớn với cổ phiếu TCH cho biết, anh vẫn chưa cảm nhận thấy sức sống trở lại rõ rệt, doanh nghiệp còn yếu ớt, những cái tên tưởng chừng tiềm ẩn quỹ đất lớn vẫn chủ yếu mua đi bán lại dự án để sống mòn. Họ vẫn trông chờ pháp lý được tháo gỡ ở nhiều dự án để thị trường sôi động, nguồn cung trở lại mạnh mẽ, đủ tạo thành con sóng lớn.

Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản hiện ước khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 1/5 tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản tính đến cuối năm 2023 là xấp xỉ 3%, gần chạm ngưỡng quy định.

Tác động của việc giảm hạn mức tín dụng đối với khách hàng bất động sản theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ làm gia tăng tính phức tạp và chi phí vay vốn cho khách hàng. Để đáp ứng nhu cầu vốn, họ có thể cần tìm đến các khoản vay hợp vốn, đặc biệt khi cần nguồn vốn lớn. Chỉ khi có sản phẩm, mới thúc đẩy cơ hội huy động vốn cũng như thu hút tài trợ của nhiều loại hình tổ chức, tạo ra sự sôi động nhất định cho thị trường.

Cổ phiếu bất động sản do đó cũng được kỳ vọng tạo sức bật mạnh mẽ hơn khi đây là nhóm còn định giá tương đối rẻ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chuyên mục tiêu điểm của số báo này cũng tập trung phân tích sâu về chủ đề được bạn đọc quan tâm và qua đó có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư phù hợp.

Tin bài liên quan