Căn hộ chung cư hiện là ưu tiên lựa chọn của các gia đình trẻ. Ảnh: Dũng Minh

Căn hộ chung cư hiện là ưu tiên lựa chọn của các gia đình trẻ. Ảnh: Dũng Minh

Đổi nhà, đổi cả tư duy...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thay đổi môi trường sống từ nhà liền thổ lên chung cư không chỉ là thay đổi chỗ ở hay vài thói quen thông thường, mà là thay đổi tư duy, cách sống từ phương ngang sang chiều thẳng đứng....

Tiếc nuối vì… sai nhịp phách

Ngọc - 35 tuổi, kỹ sư tin học, ngụ tại Đông Anh, đang làm việc tại quận Ba Đình kể, cách đây 2 năm, anh tìm hiểu một dự án căn hộ gần khu vực cầu Đông Trù (huyện Đông Anh, Hà Nội), lúc đó giá nhà còn rẻ, khoảng 25 triệu đồng/m2, nhưng không mua. Đến giữa năm 2024, khi quay lại, mức giá đã tăng lên nhiều, chênh gần cả tỷ bạc.

“Giá ngày ấy quyết tâm xuống tiền thì giờ đã có nhà ở, không bị tăng giá, cũng chẳng phải vất vả vì việc xây nhà”, kỹ sư trẻ này tiếc nuối nói.

Theo lời kể của Ngọc, thời điểm đó, anh chưa thực sự mặn mà với chung cư, có lẽ đó là lý do chính khiến anh không xuống tiền. Ngọc cho hay, anh thuộc gu thích nhà đất, vì thế, với mảnh đất hơn 100 m2 ở quê, anh quyết định dồn tiền xây nhà, thay vì mua căn hộ. Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó. Trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm, Ngọc gặp nhiều khó khăn trong chuyện xây nhà, chi phí cũng bị đội lên đáng kể.

Sau trải nghiệm làm 1 trong 3 việc lớn của đời người (xây nhà), cùng với việc tiếp xúc nhiều hơn với các thông tin và nếp sống chung cư, có vẻ như kỹ sư này không còn “kỳ thị” chung cư nhiều như trước, cái nhìn cũng thiện cảm hơn và ít nhiều, bạn bè cũng cảm nhận được câu chuyện “giá như…”.

Trao đổi với nhiều chuyên gia, người làm nghề môi giới địa ốc, điểm chung mà người viết nhận thấy đó là sự thay đổi lớn trong thói quen tiêu dùng nhà ở của nhiều người, nhất là người trẻ.

Lấy mốc khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội là khu Trung Hòa - Nhân Chính, dự án được khởi công năm 2001 và đi vào hoạt động từ năm 2006. Có thể coi đây là “viên gạch” đầu tiên cho thị trường nhà ở cao tầng, cho việc hình thành văn hóa chung cư tại Thủ đô (không tính các dự án nhà tập thể giai đoạn trước vì quy mô/tòa nhỏ, số tầng thấp và có nhiều khác biệt về văn hóa, quản trị, vận hành).

Như vậy, có thể thấy, văn hóa ở chung cư tại Hà Nội có chưa đến 20 năm hình thành và phát triển. Căn hộ chung cư cũng mới chỉ thực sự trở thành loại hình nhà ở phổ biến trong chưa đến 10 năm trở lại đây, thế nhưng tốc độ phát triển cũng như thói quen ở chung cư đã có sự thay đổi lớn.

Dù chưa đủ lâu để hình thành một thế hệ sinh ra ở chung cư, lớn lên, xây dựng gia đình, hay xa hơn là đủ tài chính để mua căn hộ, nhưng theo thời gian, từ sự “không thích”, chung cư đã trở thành lựa chọn số 1, thậm chí là duy nhất của nhiều người ở thời điểm hiện tại.

Điều này đến từ nhiều lý do, trong đó có câu chuyện về giá, khả năng tiếp cận, sự an toàn, an ninh. Sở hữu chung cư dễ dàng hơn việc mua đất, cất nhà ở Thủ đô, nhất là các quận trung tâm. Với chung cư, khi căn hộ xây xong và bàn giao, nhanh thì chỉ chục ngày là hoàn thiện toàn bộ nội thất và có thể ở, chậm cũng chỉ cần 1 tháng là gọn gàng, tinh tươm. Trong khi với nhà đất, ngoài việc thông tin không tập trung, mất nhiều công sức tìm kiếm…, thì các thủ tục xây dựng, giám sát thi công… làm mất quá nhiều thời gian và chi phí. Đây chính là điểm khác biệt quan trọng khiến nhiều người ngày càng ngại mua nhà đất, mà hướng tới căn hộ chung cư nhiều hơn.

Thói quen tiêu dùng nhà ở đã có sự thay đổi, nhất là với người trẻ. Ảnh: Dũng Minh

Thói quen tiêu dùng nhà ở đã có sự thay đổi, nhất là với người trẻ.

Ảnh: Dũng Minh

Chung cư lên ngôi

Một chuyên gia bất động sản cho hay, trong thời gian dài, người Hà Nội không thích ở chung cư, đến tận 2018-2019, nhiều người vẫn thích ở nhà đất để có sự riêng tư, thoải mái. Tuy nhiên, vài năm gần đây, sự phổ biến hơn của các dự án có hệ sinh thái, quần thể, tiện ích… đầy đủ khiến mô hình chung cư trở nên quen thuộc hơn.

Cũng theo chuyên gia này, không chỉ đến từ sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng nhà ở, một yếu tố nữa cũng kích thích nhu cầu căn hộ chung cư là biến động giá. Trong 10 năm qua, giá chung cư tại Hà Nội tăng trung bình 5%/năm, nhưng từ năm 2022 đến nay tăng rất nhanh. Hết năm 2024, giá chung cư thứ cấp đạt mức tăng khoảng 29% theo năm. Giá tăng mạnh và dự báo xu hướng này sẽ chưa dừng lại trong vài năm tới càng khiến chung cư trở nên đẹp hơn trong mắt những “kẻ si tình”.

Đến thời điểm hiện tại, không quá khi nói rằng, chung cư không chỉ được chấp nhận nhiều hơn, mà còn là mốt thời thượng với số đông, nhất là người trẻ tuổi. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services, loại hình bất động sản nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng trong nửa cuối năm 2024 là căn hộ chung cư, với tỷ lệ lựa chọn lên tới 73%, trong khi các loại hình khác chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Đối tượng mua phân khúc này chủ yếu là những người trẻ độc thân hoặc gia đình trẻ.

Năm qua, chung cư có mức độ tăng giá mạnh, nhưng nếu lựa chọn các phân khúc nhà ở để tiếp cận, có vẻ đây vẫn là ưu tiên hàng đầu với nhiều người. Đại diện một đơn vị phân phối cho hay, dù giá cao, nhưng thị trường đã hình thành những lớp nhà đầu tư mới, trong đó có nhiều người trẻ tuổi với khát khao mãnh liệt về sở hữu nhà ở. Đáng lưu ý, người trẻ thường hướng tới chung cư như một lựa chọn ưu tiên.

“Thời buổi hiện tại, mọi thứ đều bị thu ngắn lại, các quyết định đều được đưa ra nhanh chóng, nhu cầu của người dân về sản phẩm, dịch vụ, tiện ích cũng phải thật ngắn gọn, thuận lợi và đối với các sản phẩm nhà ở khác như nhà liền thổ, hay đất nền (mua rồi tự xây) thì người trẻ khá e dè, phần vì suất đầu tư lớn, phần vì thủ tục quá nhiêu khê, trong khi họ lại chưa có nhiều kinh nghiệm. Tất cả những điều này khiến chung cư thực sự lên ngôi và được nhiều người coi là ưu tiên lựa chọn khi nghĩ tới việc mua nhà”, vị này nói.

Tin bài liên quan