Chiến lược công nghệ hiện đại và hệ thống chính sách đồng bộ là điều kiện tiên quyết thực hiện mô hình đổi mới sáng tạo.

Chiến lược công nghệ hiện đại và hệ thống chính sách đồng bộ là điều kiện tiên quyết thực hiện mô hình đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo hay bẫy thu nhập trung bình?

Tốc độ phát triển quá nhanh của công nghệ và sự chậm chạp trong cải cách thể chế đang là thách thức trên con đường chọn đổi mới sáng tạo là cách thức để tăng trưởng.

Cơ hội từ tăng năng suất

Việt Nam cần mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới và sáng tạo. TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ kết luận sau bài trình bày Báo cáo về mô hình tăng trưởng kinh tế mới của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Đây là báo cáo chung do Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) thực hiện để giúp Việt Nam tăng trưởng với chất lượng cao hơn.

Cùng với kết luận này, TS. Ngoạn thay mặt nhóm nghiên cứu đã chỉ ra động lực chính tạo bứt phá cho tăng trưởng giai đoạn 2021-2030, đó là tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Và nhân tố quyết định để tăng TFP là công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Chiến lược công nghệ hiện đại và hệ thống chính sách đồng bộ là điều kiện tiên quyết thực hiện mô hình đổi mới sáng tạo”, TS. Ngoạn nhấn mạnh.

Nói từ giờ đến năm 2045 là thời cơ cuối cùng để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì hơi chủ quan, nhưng đây là thời kỳ cuối Việt Nam có dân số vàng.    

Không ai phản bác đề xuất này trong hội thảo lấy ý kiến đầu tiên về Báo cáo này vừa được tổ chức vào tuần trước. Nhất là khi mô hình này được gắn với mục tiêu năm 2030, Việt Nam là một nước thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao. Thậm chí, với kịch bản khát vọng lớn, mức thu nhập bình quân đầu người đạt tới 5.117 USD vào năm 2030 và 14.280 vào năm 2045.

Hơn thế, cơ sở cho đề xuất này là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang tính đột phá, tạo bước ngoặt mới, buộc mọi nền kinh tế phải điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, lý do quan trọng là mô hình tăng trưởng hiện tại không còn nhiều dư địa. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam, nguồn gốc tăng trưởng của kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2018 chủ yếu dựa vào vốn. Tỷ lệ đóng góp của vốn vào tăng trưởng GDP năm 2018 là 53,3%, trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của TFP là 38,3%; tỷ lệ đóng góp của lao động là 8,4%. Nếu tính riêng tốc độ tăng TFP của Việt Nam, bình quân giai đoạn  2011-2015 chỉ khoảng 1,79%.

“Với kịch bản tăng trưởng cải cách dựa vào đổi mới, sáng tạo, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ là 7% trong giai đoạn 2021-2045 và TFP sẽ có tốc độ tăng là 2,67%”, TS. Ngoạn nói.

Bài toán khó từ thứ hạng thấp

Không dễ đạt  mức tăng TFP 2,67%. Ông Sebastian Eckardt, Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua, thế giới chỉ có một trường hợp đạt được mức tăng khoảng 3% liên tục, đó là Trung Quốc.

Bằng chứng toàn cầu mà ông Sebastian dẫn ra cho thấy, từ năm 2060 đến năm 2013, hầu hết các nước đạt mức thu nhập trung bình thấp đều đi chậm lại hoặc không duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh. Số nước vượt lên mức có thu nhập cao hơn không nhiều.

“Còn Việt Nam chưa cố gắng thúc đẩy cạnh tranh trong đổi mới sáng tạo  - những vấn đề mà các quốc gia thu nhập cao luôn coi trọng”, ông Sebastian thẳng thắn.

Khó phủ nhận nhận định này khi những xếp hạng của Việt Nam liên quan đến các yếu tố về đổi mới, sáng tạo có xu hướng giảm so với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển (R&D)/GDP của Việt Nam năm 2015 chưa đến 0,5%, trong khi đó Thái Lan gần 1,5%, Malaysia khoảng 1,7%; Singapore hơn 3%.

Nếu tính tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, Việt Nam lại có xu hướng giảm trong vòng 10 năm (2006-2016). Đặc biệt, năm 2019, thứ hạng đổi mới sáng tạo của Việt Nam là 60/60, theo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Bloomberg năm 2019. Trong bảng xếp hạng này, Thái Lan đứng thứ 40, Malaysia ở vị trí 26, Trung Quốc thứ 16…

Các chuyên gia kinh tế quan tâm nhiều hơn đến năng lực công nghệ của khu vực doanh nghiệp. Có tới 23% máy móc, công nghệ trong doanh nghiệp ở Việt Nam có tuổi đời từ 10-20 năm, 11% có tuổi đời trên 20 năm. Số máy móc có tuổi đời dưới 5 năm chỉ khoảng 20%.

“Chúng ta phải thống nhất, đổi mới sáng tạo cần một môi trường thuận lợi. Với Việt Nam, thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp quan trọng hơn tăng chi tiêu cho sáng chế”, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam góp ý.

Bẫy thu nhập trung bình không thể là định mệnh

Những mong muốn thay đổi và cả mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo đang đối mặt với thách thức rất lớn từ nỗ lực thay đổi bên trong của nền kinh tế.  Trong Bảng Xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia (GCI) của Việt Nam năm 2018, các trụ cột liên quan đến chất lượng tăng trưởng, đó là thể chế, tính năng động trong kinh doanh, năng lực sáng tạo đều giảm điểm mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thạo, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương còn lo lắng hơn. “Nói từ giờ đến năm 2045 là thời cơ cuối cùng để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì hơi chủ quan, nhưng đây là thời kỳ cuối Việt Nam có dân số vàng. Các nước cất cánh được đều trong thời kỳ dân dân số vàng. Nếu không bắt kịp thời cơ này, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, chúng ta có thể rơi vào bẫy”, ông Thạo chia sẻ quan điểm.

Giới chuyên gia kinh tế đều nhắc đến sự chậm trong đổi mới thể chế. Sau 30 năm đổi mới, các câu hỏi làm sao để phân bổ nguồn lực hiệu quả, làm sao để các thị trường nhân tố sản xuất đừng méo mó, làm sao để doanh nghiệp phát triển cạnh tranh, sẵn sàng đầu tư vào công nghệ... vẫn tiếp tục được đặt ra.

Phải nhắc lại, mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo mà TS. Ngoạn đề cập cần 3 trụ cột để hiện thực. Một là, tăng cường năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần kinh doanh. Hai là, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời đại. Ba là, thể chế hiện đại, đồng bộ.

“Muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển, muốn doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất, nhưng với thể chế này thì rủi ro cho doanh nghiệp quá lớn”, ông Thạo nói.

Nhưng, bẫy thu nhập trung bình không thể là định mệnh. Theo chuyên gia Võ Đại Lược, mô hình tăng trưởng mới phải chốt chặt về cải cách thể chế theo hướng hiện đại và hội nhập, xác định rõ thế nào là hiện đại, hội nhập thế nào để đảm bảo thực thi đồng bộ.

“Việc cần làm trước tiên là phải có chiến lược trọng dụng nhân tài, kể cả người tài từ các nước khác. Bóng đá Việt Nam năm vừa rồi thay đổi vì có huấn luyện viên nước ngoài giỏi. Nếu các ngành khác cũng làm được như vậy, thì sẽ có thay đổi lớn”, ông Lược nói.

Tin bài liên quan