Nghĩ cho tương lai dài hạn
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là vấn đề không chỉ của năm 2019 mà là tương lai dài hạn của Việt Nam. Hiện nay, nền tảng khoa học công nghệ như năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của nước ta còn thấp là một thực tế.
Khả năng kết nối chuỗi giá trị giữa khối doanh nghiệp (DN) trong nước với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thấp cũng là do chúng ta chưa có, chưa làm chủ được công nghệ. Đây là rào cản cho các DN Việt Nam, cho khu vực tư nhân.
Để bứt phá, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư thì khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa, là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển. Nhìn rộng ra tại Hàn Quốc hay Nhật Bản, nền kinh tế phát triển như hiện nay là do họ quan tâm đầu tư cho công nghệ rất lớn.
“Việt Nam phải học hỏi kinh nghiệm những nước thành công và nhận diện rõ hơn, hành động quyết liệt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tôi cho rằng, cần coi đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ là trọng tâm, là hướng đột phá để phát triển nền kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế toàn cầu và đặt ra bài toán cho các quốc gia trong việc thích nghi, giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế. Cùng lúc đó, cuộc cách mạng 4.0 cũng đem đến cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cơ hội vàng để vượt lên và đưa nền kinh tế phát triển, hội nhập. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Đảng và Nhà nước đã xác định Việt Nam cần có chiến lược nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, đưa đất nước lên tầm phát triển mới, bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong một số ngành có lợi thế.
Để thực hiện được mục tiêu trọng tâm trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã tin tưởng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nghiên cứu về Chiến lược quốc gia trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và nghiên cứu xây dựng Đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) làm hạt nhân, coi đây là bước đi cụ thể để thực hiện tầm nhìn chiến lược đổi mới sáng tạo trên tầm quốc gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung nghiên cứu thực tiễn và bài học kinh nghiệm thành công một số nước trong tiến trình này như Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
“Thế giới và khu vực đã có rất nhiều mô hình hay, quan trọng là Việt Nam chọn mô hình nào tốt, phù hợp điều kiện thực tiễn. Đề án này đang được chúng tôi tổng hợp để tới đây trình Chính phủ trong định hướng chiến lược quy mô quốc gia về đổi mới sáng tạo”, ông Dũng nói.
“NIC sẽ được xây dựng theo mô hình là một trung tâm lớn, cạnh tranh, hấp dẫn nhất trong khu vực để thu hút các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu, cả người Việt Nam và nước ngoài về đây. Chúng ta đi sau nhưng muốn đi nhanh thì phải có sự khác biệt mới cạnh tranh được.
Do đó, để NIC hoạt động như đúng mục tiêu đặt ra là thu hút nhân tài, nhà khoa học hàng đầu về làm việc, NIC phải có thể chế vượt trội. Ngoài những cơ chế ưu đãi đã có đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, căn cứ vào những đặc điểm, đặc thù của công nghệ, chúng ta cần mạnh dạn đề xuất cơ chế chính sách mới mạnh mẽ hơn, với tư duy mới để NIC thực sự có môi trường làm việc đủ hấp dẫn”, tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư chia sẻ.
Khó khăn là để vượt qua
Tương tự như quá trình đi trước của các nước phát triển, thực tiễn nghiên cứu các mô hình đổi mới sáng tạo nói chung và khởi nghiệp của nhiều nước cho thấy, bản thân họ cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn khởi đầu triển khai. Thông thường, mô hình khởi nghiệp được chia làm 6 công đoạn, từ hình thành ý tưởng đến tập hợp cổ đông thành lập DN nghiên cứu, gọi vốn thương mại hóa và cuối cùng là IPO.
“Trong 6 khâu này thì khâu lập ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng đến thành lập DN là phân đoạn khó nhất vì có rất nhiều rủi ro, hầu như không ai muốn tham gia hỗ trợ để start up hiện thức hoá được các ý tưởng. Nhưng nếu thực hiện được thành công khâu này thì việc gọi vốn và thương mại hóa rất đơn giản”, ông Dũng phân tích.
Theo người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, hiện nay, NIC dự kiến sẽ đóng vai trò là “bà đỡ”, giải quyết được bài toán khó khăn nhất trong công đoạn ban đầu này. Khi ý tưởng dẫn tới thành lập DN thành công và sản phẩm đã được thương mại hoá thì NIC coi như hoàn thành sứ mệnh, sẽ rút lui nhường chỗ cho các DN tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, bài toán mà Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trăn trở là thiếu quỹ đầu tư mạo hiểm để cung cấp vốn cho khâu ban đầu này.
“Tại nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao hơn, quỹ đầu tư mạo hiểm có nguồn lực rất lớn. Ví dụ, Trung Quốc hiện đã có quỹ với tổng trị giá 320 tỷ USD nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 là có trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đều có những quỹ tương tự vận hành để giải quyết bài toán đầu tư ban đầu. Để thực hiện được thì Việt Nam cũng cần có quỹ này, nhưng vấn đề là vốn ở đâu”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Ông cho biết, có một số tập đoàn lớn trong và ngoài nước bày tỏ việc sẵn sàng đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết bài toán hóc búa nhất này. Tuy nhiên, trong điều kiện vốn ngân sách nhà nước eo hẹp, cơ chế sử dụng ngân sách phức tạp thì bài toán đặt ra là chúng ta phải dám mạnh mẽ thiết kế cuộc chơi, chấp nhận rủi ro để mạnh dạn đầu tư thực hiện, có thất bại rồi mới thu được thành công. Còn nếu sợ không dám làm thì không bao giờ thành công được.
Bên cạnh đó, khó khăn thứ hai là năng lực chuẩn bị của DN cũng như chính sách liệu có theo kịp yêu cầu đổi mới như vũ bão của tiến trình này? Hiện nay, một số DN đã chuyển hướng hoặc tham gia vào quá trình phát triển công nghệ, song chủ yếu là tự phát. Ở đó mới có sự vận động của DN, còn bàn tay hỗ trợ của Nhà nước chưa rõ, chưa đủ mạnh. Một trong những giải pháp quan trọng cần triển khai từ phía Nhà nước trong thời gian tới là sớm có chính sách cụ thể, mạnh mẽ hơn để khuyến khích, hỗ trợ DN trong quá trình đổi mới công nghệ và tiếp cận công nghệ mới.
“Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng, chúng ta có thể đạt được mục tiêu nếu chọn đúng và thúc đẩy hành động đúng, tổ chức thực hiện tốt, đồng bộ trong tất cả các giai đoạn. Chúng ta hoàn toàn tự tin và mạnh mẽ tiến lên phía trước, không ngại bất cứ điều gì. Chỉ sợ là trí tuệ của chúng ta không tới, hoặc tới rồi mà hành động không quyết liệt, không hiệu quả, đó là cái nguy hiểm nhất. Điều đó có nghĩa là phải thay đổi tư duy và tầm nhìn, hành động quyết liệt, nếu làm được điều đó thì không gì là không thể”, ông Dũng chia sẻ.
Một trong những sự kiện đáng nhớ của năm 2018 là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lần đầu tiên mời 100 trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây được coi là một khởi đầu kết nối chia sẻ chiến lược trong bối cảnh Việt Nam thúc đẩy cách mạng công nghệ 4.0 và thực hiện mục tiêu đổi mới sáng tạo quốc gia
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hoạt động này là một phần trong những hoạt động chuẩn bị để Việt Nam tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.
“Để thực hiện thành công cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần tập hợp sức mạnh trí tuệ người Việt Nam khắp thế giới nhằm nhanh chóng nâng cấp năng lực công nghệ của Việt Nam. Mục đích của mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam chính là để kết nối các cơ sở nghiên cứu trong nước với các trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, các thành tựu công nghệ mới nhất trên thế giới thông qua các chuyên gia người Việt hiện đang nghiên cứu, kinh doanh khắp thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.