Cảnh báo này đã được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn “Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức ngày 29/11.
Chỉ rõ hàng loạt các tồn tại dai dẳng trong công tác quản trị doanh nghiệp nhà nước vẫn kéo dài đến hiện nay thậm chí là sau quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp nhà nước thời gian gần đây, TS. Nguyễn Văn Khách, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đếm sơ sơ cũng còn khoảng 7 vấn đề chưa giải quyết được hoặc giải quyết vẫn còn dây dưa.
Trước tiên vẫn là tình trạng chưa phân định rõ giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước. Nhà nước vừa là chủ sở hữu đối với DNNN, vừa tự mình ban hành quy định pháp luật về cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp thuộc khu vực công ty nhà nước nói chung, quy định chế độ tiền lương của người lao động, quy định chế độ đặt hàng, đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ, mức giá bán, mức bù chênh lệch để thực hiện sản xuất, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ công ích.
Cùng một lúc vẫn có nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước như Bộ, ngành chủ quản, địa phương, SCIC, và bây giờ thêm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiến độ cổ phần hóa DNNN, thoái vốn Nhà nước, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN đã cổ phần hóa còn chậm, việc công bố thông tin và tính minh bạch đối với DNNN còn thấp.
Ông Khách dẫn chứng số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy năm 2017, mới có 265/622 doanh nghiệp (chiếm 42,6% số DNNN) gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để công bố thông tin trên Cổng thông tin doanh nghiệp. Năm 2016, tỷ lệ là 38,9%.
Chưa kể công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các DNNN còn nhiều hạn chế, bộ máy quản lý điều hành chưa đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp. Cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của HĐQT tại DNNN có hạn chế. Mối quan hệ, liên kết trong nội bộ các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước còn nhiều phức tạp, vướng mắc và chưa được giám sát chặt chẽ.
Có nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn nguyên xi bộ máy lãnh đạo và những con người ấy, nhưng được khoác cái áo mới cổ phần hóa
- Chuyên gia Vũ Đình Ánh
“Tình trạng này vẫn kéo dài dài dẳng bao năm nay mà nếu không được khắc phục triệt để thì chắc chắn chúng ta chưa kịp mừng vì cổ phần hóa được DNNN thì đã phải lo về vấn đề quản trị hậu tái cơ cấu”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lo ngại bày tỏ.
Theo ông Ánh, tiến trình cổ phần hóa là một ví dụ điển hình cho thấy tình trạng bình mới rượu cũ vẫn còn y nguyên chưa ghi nhận thay đổi đáng kể trong quản trị.
"Thực tế vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước vẫn từ 50% đến hơn 60%, là tỷ lệ nắm giữ chi phối mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp dù là sau cổ phần hóa hay bán vốn. Có nghĩa là vẫn nguyên xi bộ máy lãnh đạo và những con người ấy, nhưng được khoác cái áo mới cổ phần hóa", ông Ánh nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho rằng, nếu tư duy và cách làm thực chất không thay đổi thì dù có hô hào áp dụng hàng loạt các tiêu chuẩn quốc tế rất mỹ miều thì cũng chỉ vẫn mang tính hình thức, đối phó mà thôi. “Thực tế dù có cổ phần hóa thì khoảng cách giữa hình thức và thực tế vẫn rất khác nhau, cái vỏ của chúng ta là áp dụng kỹ năng quản trị, quản lý theo thông lệ quốc tế, song ruột thì vẫn là Việt Nam với tư duy và bộ máy lãnh đạo rất cũ", ông Ánh nói.
Nhìn nhận ở góc độ quản trị sau cổ phần hóa, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cũng còn nhiều vấn đề như tính kỷ luật, minh bạch và công bằng chưa được thực hiện hoặc thực hiện nửa vời cho có.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viên trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cảnh báo, trước tới nay chỉ chú trong quản lý DNNN theo kiểu tăng cường thanh tra, kiểm tra và vẫn khoác cho DNNN cái áo chật chội, mà không nói đến cái gốc của tái cơ cấu, đổi mới DNNN là quản trị tốt. Đây mới là mấu chốt để góp phần cải thiện vấn đề tái cơ cấu, đổi mới DNNN.
Đề xuất giải pháp cải thiện, TS. Nguyễn Văn Khách cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập, thay mặt Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và các DNNN quy mô lớn quan trọng. Tuy nhiên, cần phải xây dựng hệ thống quản trị DNNN tiệm cận thông lệ quốc tế cụ thể là các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại của OECD, từng bước áp dụng cho các DNNN đã cổ phần hóa, DNNN nói chung
Bên cạnh đó, cần phải nâng cao tính minh bạch và năng lực giám sát DNNN. Nhà nước cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các DNNN. Minh bạch hoá thông tin hàng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các DNNN.
Cũng theo ông Khách, việc thể chế hóa công tác giám sát, đánh giá DNNN bằng quy định pháp luật cũng quan trọng không kém nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước cả về định tính và định lượng, các tiêu chí đánh giá, giám sát rủi ro tài chính và quản trị doanh nghiệp Nhà nước theo cấp độ công ty mẹ và cả tập đoàn.