Động lực phát triển những năm qua của Việt Nam  chủ yếu dựa vào lợi thế phát triển theo chiều rộng

Động lực phát triển những năm qua của Việt Nam chủ yếu dựa vào lợi thế phát triển theo chiều rộng

Đổi mới phải là dòng chảy liên tục, tạo xung lực cho tăng trưởng

(ĐTCK) Đất nước sau gần 30 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đổi mới và cải cách đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Thưa Bộ trưởng, nhìn lại 30 năm nước ta thực hiện đổi mới, Bộ trưởng đánh giá thế nào về tác động của cải cách thể chế đối với tiến trình này?

Công cuộc đổi mới của Việt Nam trải qua gần 30 năm, kể từ năm 1986 đến nay, góp phần đưa Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, thay đổi bản chất từ thể chế kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường. Trong điều kiện như vậy, có thể nói đây là bước ngoặt rất lớn về mặt thể chế.

Khi chuyển đổi sang thể chế kinh tế mới, chúng ta có nhiều việc phải làm và cũng đã làm được khá nhiều việc, trong đó quan trọng nhất là đã tạo ra động lực rất lớn để tăng trưởng kinh tế. Ai cũng nhớ Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã tạo nền tảng vô cùng quan trọng trong việc đưa Việt Nam từ một nước thiếu ăn, trở thành nước xuất gạo lớn trên thế giới. Điều đó cho thấy, từ những cải cách về mặt thể chế, với dấu mốc quan trọng như Chỉ thị 100 và Nghị quyết số 10, đã có tác động to lớn, tạo ra động lực tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ cho đất nước.

Tuy nhiên, động lực chỉ tạo nên giá trị ở mỗi thời điểm và giai đoạn nhất định. Khi động lực phát triển theo chiều rộng đã tới hạn, mà ta không tìm ra động lực mới để tái cấu trúc nền kinh tế nhằm mang lại sức cạnh tranh tranh cao hơn, có chất lượng hơn thì nền kinh tế không còn động lực để tiếp tục tăng trưởng. Trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt thì nền kinh tế thiếu động lực sẽ không phát triển được, mà chỉ luẩn quẩn ở mức thấp và thậm chí có thể bị thụt lùi.

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Vậy yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế một cách nhanh, mạnh và bền vững trong năm 2015 cũng như thời gian tới là gì, thưa Bộ trưởng?

Quá trình đổi mới 30 năm qua đã đưa chúng ta từ chỗ là một nước nghèo trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình vào năm 2010. Đây là thành quả thực sự quan trọng mà mỗi người dân đều cảm nhận được. Song chúng ta đừng so sánh với chính ta 30 năm trước, mà phải so với các nước bên cạnh, cùng điều kiện cách đây 30 năm, bây giờ họ thế nào, ta thế nào, ta đang ở đâu trong khu vực? Đó mới là điều quan trọng để thấy được cái gì là thành công, là thay đổi so với trước đây, hay là còn kém so với bạn bè để từ đó có động lực vươn lên.

Nhìn vào thực tế của Việt Nam hiện nay, khi đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, yêu cầu đặt ra là phải tìm ra mô hình tăng trưởng phù hợp, phải tái cấu trúc nền kinh tế để tạo động lực tăng trưởng mới cho phù hợp với điều kiện thời đại và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, mà nhiều quốc gia ở trình độ phát triển tương tự đang phải đối mặt. Khi động lực tạo tăng trưởng dựa vào thế mạnh tài nguyên và lao động giá rẻ không còn là lợi thế, thì tăng trưởng kinh tế không còn duy trì được mức cũ, thậm chí sẽ tụt đi. Đây là quy luật chung của các quốc gia, chứ không riêng Việt Nam trong tiến trình phát triển.

Quan trọng là chúng ta cần nhận thức rõ quy luật trên và thống nhất để hành động. Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam là việc cần làm liên tục, không có điểm dừng vì Việt Nam là nước đang phát triển, kinh tế đang trên đà phát triển, hệ thống luật pháp, thể chế đang trên đà hoàn thiện… Phải nhận thức rõ để thấy, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo thêm xung lực mới cho sự phát triển là yêu cầu đặt ra hết sức cấp bách trong điều kiện hiện nay.

Bộ trưởng có đề cập sự tới hạn của các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong năm 2015 và những năm tiếp theo, xin Bộ trưởng làm rõ hơn những giới hạn này cũng như những động lực tăng trưởng cho giai đoạn mới?

Động lực phát triển những năm qua của Việt Nam chủ yếu dựa vào lợi thế phát triển theo chiều rộng, đó là khai thác tài nguyên dầu lửa, than… và lao động giá rẻ, tăng đầu tư vốn. Trong tương lai, ta vẫn cần dùng những nguồn lực này, nhưng trong môi trường hội nhập, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, hiệu lực của các yếu tố trước đây không còn nhiều dư địa, đòi hỏi muốn tăng trưởng mạnh, xuất khẩu được phải dựa vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, dựa vào động lực là khoa học kỹ thuật. Đây là điểm mà Việt Nam còn yếu. Ta có nhiều tiềm năng, người Việt Nam có đầu óc sáng tạo tốt, song lại chưa biết cách biến lợi thế tiềm năng thành động lực phát triển.

Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thua kém so với nhiều nước trong khu vực. Cần phải biết rằng, cùng với sự tiến bộ về công nghệ và khoa học kỹ thuật thì năng suất lao động là yếu tố vô cùng quan trọng đối với mọi doanh nghiệp và nền kinh tế trong cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Doanh nghiệp phải hội đủ 2 yếu tố đó mới có thể cạnh tranh vươn lên, còn nền kinh tế phải dựa vào khoa học công nghệ và năng suất lao động làm động lực thì mới có năng lực phát triển bền vững.

Động lực mới được tạo ra thông qua đổi mới thể chế kinh tế, phát triển khoa học công nghệ, khuyến khích sáng tạo gắn với thực tiễn, giải quyết các vướng mắc sản xuất, tạo ra nhiều các sản phẩm có chất xám cao với nguyên liệu đầu vào ít, giá trị gia tăng lớn.

Thường xuyên trăn trở và dành nhiều tâm huyết cho câu chuyện đổi mới, cảm xúc của Bộ trưởng thế nào khi thấy tư duy cải cách đang ngày càng nhận được sự đồng thuận lớn trong xã hội?

Điều đáng mừng và cũng là cái được lớn nhất đến nay là đã tạo được sự đồng thuận nhiều hơn về nhu cầu cần đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam. Bước đầu, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, thể hiện ở việc Quốc hội nhất trí thông qua việc ban hành một loạt các luật sửa đổi với tinh thần hết sức thông thoáng như Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa qua và nhiều cơ quan cũng đang xây dựng luật theo tinh thần như vậy.

Gần đây nhất, Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua việc cho ý kiến vào Báo cáo chính trị - kinh tế - xã hội chuẩn bị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đồng ý tư tưởng sử dụng công cụ thị trường trong phân bổ nguồn lực đối với các dịch vụ công như y tế, giáo dục… Đó là tư tưởng rất lớn, sẽ tạo ra bước chuyển quan trọng trong nhận thức và hành động cho thời gian tới.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, nhận thức về tư tưởng cải cách đang chuyển đổi tích cực ở cấp cao, sự đồng thuận của xã hội cũng rất lớn, cùng với vai trò của công tác truyền thông, khi cùng nhau cất tiếng nói thì tôi tin sẽ tạo ra sự chuyển đổi trong năm 2015 và từ 2016 trở đi, chắc chắn sẽ có sự chuyển đổi mạnh mẽ.

Tin bài liên quan