Chậm so tiến độ đặt ra
Kết thúc năm 2014, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn năm 2013. Câu hỏi đặt ra là, những tín hiệu ấm lên của nền kinh tế năm 2014 có phải do thành tích, kết quả của việc tái cấu trúc kinh tế, có phải là do chúng ta đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng không? Trả lời được câu hỏi này chính là để thống nhất và làm rõ thực tế kết quả của việc tái cấu trúc nền kinh tế, từ đó có giải pháp đúng đắn cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Thực tế, những tín hiệu tốt lên của nền kinh tế trong năm 2014 chủ yếu do các biện pháp xử lý tình huống như giãn, giảm thuế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông nghiệp; do nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà chủ yếu là của một số tập đoàn lớn đang gia công, lắp ráp tại Việt Nam…, chưa phải do kết quả tái cấu trúc nền kinh tế, càng không phải do kết quả chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Bằng tinh thần trách nhiệm, nhìn thẳng vào thực tế kinh tế hiện nay, phải nói rằng, việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với mô hình phát triển mới được thực hiện quá chậm. Chậm so với đòi hỏi của nền kinh tế, chậm so với tiến độ đặt ra, chứ không phải chậm so với xu thế tiến bộ của thế giới như một số lý giải.
Chúng ta mới ban hành được quyết định tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (đề án tổng thể); quyết định phê duyệt đề án tổng thể tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; trong lúc chưa có đề án tổng thể, chưa có các đề án tổng thể tái cấu trúc các ngành kinh tế, vùng kinh tế…
Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang dừng lại ở việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đang tiến hành thủ tục cổ phần hóa, mà chủ yếu là thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành. Việc tái cấu trúc đầu tư công thành công bước đầu ở việc cắt, giảm công trình không hiệu quả, quản lý chặt việc khởi công công trình mới; xây dựng và thông qua Luật Đầu tư công…
Đòi hỏi cấp thiết
Phải nhìn nhận khách quan và đánh giá đúng hiện trạng thì mới có giải pháp đúng đắn, đẩy nhanh thực hiện các chủ trương của Đảng xung quanh việc xác định mô hình tăng truởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Những vấn đề quan trọng cần được thống nhất để tạo điều kiện cho quá trình thực hiện được nhất quán, đồng bộ.
Trước hết, cần có quan điểm và nhận thức nhất quán, thống nhất trong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Chính phủ về sự cần thiết (mức độ) của việc thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Hiện nay, quan điểm của Đảng là cần thiết và cấp bách phải hình thành một mô hình tăng trưởng mới theo chiều sâu kết hợp với chiều rộng, khẩn trương tái cấu trúc lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng, và coi đây như là một cuộc cách mạng.
Hiện nay, tình hình kinh tế thế giới đã có nhiều chuyển biến: mô hình tăng trưởng kinh tế thế giới đã và đang trong quá trình xác lập lại theo hướng tăng sản xuất và tiêu dùng nội địa; việc bảo hộ kinh tế trong nước ngày càng gia tăng song song với xu thế hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng hơn; việc ứng dụng khoa học công nghệ cao, mà đặc biệt là công nghệ khai thác dầu khí của Mỹ và thế giới trong những năm gần đây rất đáng được quan tâm; sử dụng lao động có trình độ đang là xu thế mới của thế giới... Đây cũng là áp lực đòi hỏi kinh tế Việt Nam phải chuyển đổi cho phù hợp.
Trong khi đó, kinh tế trong nước tuy có những tín hiệu khả quan, song cơ bản vẫn đang trong giai đoạn không bền vững do tổng cầu quá yếu. Chúng ta vẫn đi vào khai thác tài nguyên và tăng trưởng dựa vào vốn: tỷ lệ vốn trong GDP từ 36,5% (giai đoạn 1991-2000) tăng lên 41,6% (giai đoạn 2001-2010), tuy đến giai đoạn 2011-2014 đã xuống mức 31,5%, song vẫn đang ở mức cao so với các nước. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thấp nhất so với các nước ASEAN (đứng thứ 70 thế giới). Đóng góp của năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng còn ở mức thấp và ngày càng giảm.
Việc hội nhập cộng đồng ASEAN, các hiệp định thương mại sẽ đi vào vận hành càng đòi hỏi cấp thiết phải chuyển đổi nhanh mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc lại các ngành kinh tế. Đây là yêu cầu thực tế, cấp bách... và muốn thực hiện thì phải coi đây là cuộc cách mạng, một cuộc đổi mới thứ hai thì mới thực hiện có hiệu quả.
Nên tập trung xây dựng đề án tổng thể
Khi chưa có một “bản thiết kế” đề án tổng thể cho mô hình tăng trưởng mới thì làm sao có cơ sở để gắn tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực kinh tế và như vậy, tái cấu trúc các ngành kinh tế sẽ không có định hướng, cũng như mục tiêu cuối cùng và tính đồng bộ sẽ bị hạn chế.
Vì vậy, nên tập trung xây dựng đề án tổng thể, phác họa rõ nét hơn mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới, trên cơ sở nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI là kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu và dần dần chuyển mạnh sang chiều sâu. Bản đề án phải cụ thể hóa quan điểm đó của Đảng: hạn chế tối đa việc khai thác khoáng sản thô để xuất khẩu, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp mang tính khoa học, công nghệ cao...
Trên cơ sở mô hình tổng thể của kinh tế Việt Nam, cần xây dựng đồng bộ các đề án cấu trúc lại các ngành kinh tế của Việt Nam cho phù hợp: công nghiệp, xây dựng, nông, lâm nghiệp và dịch vụ, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Việc thực hiện các đề án tái cấu trúc hệ thống tài chính, ngân hàng; tái cấu trúc đầu tư công phải được song song tiến hành với việc tái cấu trúc các ngành kinh tế gắn với mô hình phát triển kinh tế như đã nêu. Mục tiêu của đầu tư công, của hoạt động ngân hàng, tài chính là đẩy nhanh tiến độ và hướng vào nhiệm vụ tái cấu trúc các ngành kinh tế chủ yếu gắn với mô hình tăng trưởng.
Nếu việc tái cấu trúc tài chính, ngân hàng và đầu tư công mà không có một cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực và cơ cấu kinh tế lãnh thổ hợp lý, thì sẽ không có ý nghĩa cao. Có lẽ cần phải đi một cách bài bản, từ đề án “tổng thể” đến các đề án “thành phần” thì chúng ta mới có định hướng, mục tiêu để tiến hành việc tái cấu trúc nền kinh tế. Và quan trọng là tái cấu trúc kinh tế phải được gắn chặt và tiến hành song song, đồng bộ với việc xây dựng một cơ chế thị trường hiện đại.
Vấn đề kinh tế biển đã đuợc nêu trong Chiến lược Kinh tế biển, với mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển phải chiếm trên 50% tổng GDP của Việt Nam. Rõ ràng, kinh tế biển, xác định mô hình tăng truởng và cơ cấu lại kinh tế Việt Nam, mà đặc biệt là công nghệ, trong chiến lược ứng xử với những tình huống trên biển lại càng quan trọng. Do đó, xác định mô hình tăng trưởng và cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam phải đặt trong bối cảnh hiện nay và phải xem xét toàn diện, đồng bộ hơn nữa. Đây là vấn đề lớn và quyết định sự thành công của cả hai chủ trương lớn của Đảng.