Đổi mới hệ thống ngân hàng, từ lượng sang chất

Đổi mới hệ thống ngân hàng, từ lượng sang chất

(ĐTCK) Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, nhưng về chất thì còn nhiều điều đáng bàn.

Các ngân hàng nước ngoài bắt đầu gia nhập thị trường tài chính Việt Nam từ những năm 1992 - 1995. Vào thời điểm đó, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ yếu tập trung phục vụ các đối tượng đã là khách hàng của tập đoàn mẹ và đang hoạt  động tại Việt Nam . Tuy nhiên, sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 và đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dỡ bỏ các rào cản đối với các ngân hàng nước ngoài vào năm 2011 theo cam kết với WTO, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của nhóm ngân hàng nước ngoài.

Năm ngân hàng nước ngoài được thành lập dưới hình thức ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam đã và đang mở rộng sang thị trường bán lẻ cũng như phát triển mạng lưới hoạt động. Với các công nghệ ngân hàng hiện đại, kinh nghiệm quản trị tiên tiến và sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng ngoại đã tạo áp lực cạnh tranh lên khối ngân hàng nội, đã tạo động lực cho các ngân hàng nội “tự cải tổ” để tồn tại và phát triển. NHNN cũng đưa ra nhiều chính sách (ví dụ phân loại 4 nhóm ngân hàng, tỷ lệ tài sản nợ trên tiền gửi, vốn tối thiểu…) để thúc đẩy các ngân hàng nội đổi mới và hợp nhất để có sự vững mạnh về tài chính và phát triển ổn định.

Hãy nhìn lại những bước cải cách mà nhóm ngân hàng nội địa đã thực hiện và những bước đi tiếp theo mà các đơn vị này cần làm để giúp cho thị trường tài chính Việt Nam phát triển lành mạnh và vững chắc.

Đổi mới hệ thống ngân hàng, từ lượng sang chất ảnh 1

 Các ngân hàng 100% vốn ngoại đã và đang mở rộng sang thị trường bán lẻ

Đi bằng hai chân tín dụng và dịch vụ

Trong khi các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước cạnh tranh khốc liệt để phát triển tín dụng, chạy đua lãi suất tiền gửi, thì các ngân hàng nước ngoài lại đi sâu phát triển các lĩnh vực tài chính DN, kinh doanh vốn, ngoại hối và các sản phẩm phái sinh, nghiệp vụ ngân hàng toàn cầu, thanh toán quốc tế, thanh toán và quản lý tiền tệ... Ngoài ra, các ngân hàng nước ngoài cũng rất quan tâm đến mảng ngân hàng bán lẻ. 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đã phát triển trên 30 điểm dịch vụ trên cả nước trong 3 năm gần đây. Bên cạnh đó, các ngân hàng này thường xuyên tung ra những sản phẩm, dịch vụ mới với nhiều tiện ích.

Để tồn tại, những năm gần đây, các ngân hàng nội đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng. Nếu như năm 1994, các dịch vụ ngân hàng còn đơn sơ, phân tán và thủ công thì đến nay đều được nối mạng, hạch toán tập trung. Hầu hết ngân hàng đã tiến hành giao dịch một cửa, khách hàng gửi tiền một nơi có thể rút nhiều nơi trên phạm vi cả nước. Nhờ đổi mới công nghệ, không ít ngân hàng đã triển khai thành công dịch vụ ngân hàng trực tuyến, mặc dù vẫn còn ở hình thức đơn giản, dịch vụ ATM cung cấp những tiện ích về rút tiền, chuyển khoản, thanh toán dịch vụ, cho vay qua thẻ, thu đổi ngoại tệ… Các ngân hàng nội cũng chú trọng việc phát triển các sản phẩm phái sinh gắn với các khoản vay vốn của khách hàng. Trước đây, doanh thu từ tín dụng của các ngân hàng nội chiếm từ 85 - 90%/tổng doanh thu, 10 - 15% còn lại từ hoạt động thu phí dịch vụ. Hiện nay, cơ cấu này đã dần thay đổi theo hướng 70 - 80% từ hoạt động tín dụng và 20 - 30% từ dịch vụ. Đây là tín hiệu tốt cho thấy các ngân hàng nội đang chuyển mình.

 

Hệ thống ngân hàng lõi (core banking system)

Những năm qua, công nghệ ngân hàng đã có sự phát triển rất nhanh. Hàng loạt ngân hàng nội đã đưa các hệ thống ngân hàng lõi vào sử dụng. Nhiều ngân hàng có nền tảng công nghệ tốt đã đưa ra nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng, nhưng cũng không ít ngân hàng do yếu kém công nghệ hoặc không sử dụng hiệu quả công nghệ mới, nên sản phẩm, dịch vụ chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ mới tại các ngân hàng nội vẫn còn nhiều khó khăn do chi phí đầu tư lớn và tốn nhiều thời gian.

 

Sử dụng nhân sự cao cấp của ngân hàng nước ngoài

Vào thời điểm 2006 - 2007, khi thị trường tài chính có sự phát triển vượt bậc, các ngân hàng trong nước đã lôi kéo được nhiều nhân sự giỏi từ các ngân hàng nước ngoài nhờ mức lương bổng hấp dẫn và vị trí cao. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mục tiêu chính của các ngân hàng nội vẫn là học tập kinh nghiệm quản lý và quản trị của các ngân hàng ngoại, chứ không giao quyền điều hành toàn bộ ngân hàng cho các nhân sự đến từ ngân hàng ngoại. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, các ngân hàng nội bắt đầu một xu hướng mới, tuyển dụng tổng giám đốc người nước ngoài để điều hành. Việc thuê tổng giám đốc người nước ngoài có nhiều lợi thế so với tổng giám đốc người Việt.

Thứ nhất, các tổng giám đốc người nước ngoài đã có nhiều kinh nghiệm điều hành các ngân hàng tại các nước đang phát triển và phát triển, do đó, họ sẽ chuyển giao được kinh nghiệm quản trị và tạo sự minh bạch trong điều hành.

Thứ hai, các tổng giám đốc nước ngoài sẽ mạnh dạn thay đổi ngân hàng và có thể sẵn sàng tranh luận với các ông chủ Việt Nam , nếu họ thấy cách thức điều hành không hợp lý. Tuy nhiên, một điểm được coi là bất lợi của các tổng giám đốc người nước ngoài là sự khác biệt về văn hóa và hiểu biết thị trường. Họ cần tăng cường sự hiểu biết về đặc thù văn hóa cũng như sự am hiểu địa phương để có được sự đồng thuận và ủng hộ của nhân viên, tạo thuận lợi trong công tác điều hành.

Thứ ba, các tổng giám đốc người nước ngoài sẽ làm các ông chủ Việt Nam an tâm hơn khi rủi ro bị thâu tóm quyền lực sẽ ít hơn.

 

Quản trị rủi ro

Việc quản trị rủi ro của các ngân hàng nội đã có sự thay đổi về chất trong những năm gần đây. Không chỉ quản trị rủi ro về tín dụng, các ngân hàng nội cũng ngày càng hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro tỷ giá, lãi suất và thanh khoản. Hệ thống kiểm soát độc lập cũng dần được hoàn thiện để tránh các giao dịch ngoài thẩm quyền. Nhiều ngân hàng nội đã xây dựng được các quy trình quản lý, cẩm nang thực hiện nghiệp vụ do thuê các công ty tư vấn nước ngoài, hoặc các nhân sự người Việt từ các ngân hàng hỗ trợ viết ra quy trình nghiệp vụ.

Các ngân hàng đã thay đổi cả về chất và lượng rất nhanh, tuy nhiên, để có thể thúc đẩy quá trình đổi mới trong thời gian tới, các ngân hàng nội có thể xem xét thêm một số xu hướng sau:

Thứ nhất là vấn đề quản trị DN (Corporate governance). Việc các ông chủ người Việt (cổ đông lớn) tham gia sâu vào quá trình điều hành ngân hàng nội là một thông lệ phổ biến. Các ông chủ người Việt thường sợ sẽ mất tiền và quyền lực nếu giao hết quyền điều hành cho các nhà quản lý chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chính sự chồng chéo về quản lý này sẽ khó tạo đất cho các nhà quản lý chuyên nghiệp điều hành ngân hàng. Các nhà quản lý chuyên nghiệp thấy mình trở nên thừa thãi do các quyết định chính đều được đưa ra bởi các ông chủ Việt và nhiều khi các quyết định này sẽ không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nếu nhìn ra các ngân hàng lớn trong khu vực, chúng ta sẽ rất khó thấy bóng dáng của các cổ đông lớn trong việc điều hành ngân hàng. Các cổ đông lớn đã giao quyền cho HĐQT để đưa ra chiến lược và giám sát ban giám đốc. Với cơ chế kiểm soát trong nội bộ rất rõ ràng, các cổ đông lớn sẽ không phải can thiệp vào công việc điều hành hàng ngày. Có thể xu hướng tuyển dụng các tổng giám đốc người nước ngoài sẽ là tiền đề cho sự chuyển dịch về điều hành của các ngân hàng nội.  

Thứ hai, cần sự tăng trưởng chắc chắn về chất. Do hoàn cảnh thị trường Việt Nam trong các năm gần đây, tâm lý tăng trưởng nhanh bất chấp rủi ro vẫn còn tồn tại ở số đông các ngân hàng nội. Điều này cũng xuất phát từ việc nhiều ông chủ Việt áp dụng công thức giúp họ thành công trong kinh doanh thương mại ở lĩnh vực hàng tiêu dùng hoặc bất động sản vào việc điều hành ngân hàng. Có một sự khác biệt rất rõ trong việc điều hành ngân hàng và DN là, ngân hàng dựa trên việc thu hút tiền gửi của khách hàng và dùng tiền gửi huy động được để cho khách hàng vay, trong khi DN chỉ sử dụng vốn của chính mình hoặc vốn vay từ ngân hàng hay các đối tác. Do đó, nếu ngân hàng gặp rủi ro sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, trong khi ảnh hưởng của một DN gặp rủi ro sẽ hạn chế hơn rất nhiều.

Trong thời gian tới, sự chuyển dịch từ tăng trưởng nóng về lượng sang tăng trưởng về chất sẽ hết sức quan trọng cho sự phát triển của các ngân hàng nội nói riêng và cả hệ thống tài chính nói chung. Công thức tăng trưởng thành công trong quá khứ nhiều khả năng sẽ không áp dụng được trong thời gian tới, khi kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn và kinh tế vĩ mô của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Nếu vẫn tập trung tăng trưởng nóng, rủi ro của các ngân hàng sẽ rất lớn, qua đó, ảnh hưởng đến sự lành mạnh của toàn hệ thống.