Theo đó, năm 2019 được chờ đợi thanh khoản sẽ tăng mạnh nhờ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đón sớm câu chuyện thị trường nâng hạng; hàng loạt công ty chứng khoán tăng vốn, hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư, nhưng thực tế không như kỳ vọng.
Trong khi chỉ số VN-Index tính đến 25/12 tăng 6,79% so với cuối năm 2018; vốn hóa thị trường đạt 4.383 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018, tương đương 79,2% GDP, thì thanh khoản trên thị trường cổ phiếu lại giảm 29% so với bình quân năm 2018.
Giá trị giao dịch trung bình trên thị trường cổ phiếu tính chung cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM chỉ đạt 4.639 tỷ đồng/phiên.
Một con số đáng quan tâm khác là việc tổng số vốn huy động qua phát hành cổ phiếu trên TTCK năm 2019 cũng giảm khá mạnh, giảm 41% so với năm 2018.
Những diễn biến này đòi hỏi TTCK trong năm mới cần thêm các giải pháp mới, để thúc đẩy thanh khoản, tạo niềm tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước, để dòng vốn chảy mạnh hơn vào doanh nghiệp và thanh khoản tốt hơn trên thị trường giao dịch thứ cấp.
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm về tương lai TTCK 2020, ông Lê Hải Trà, người phụ trách điều hành Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, năm 2020, bên cạnh công việc lớn của ngành là xây dựng 4 nghị định, 11 thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán mới, một công việc khác có khả năng tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ đó là đồng bộ hóa nền tảng công nghệ mới, thống nhất toàn TTCK Việt Nam.
Hệ thống công nghệ mà ông Trà nói là gói thầu “Thiết kế, lắp đặt, cung cấp và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin" được ký kết năm 2016.
Dự án do HOSE làm chủ đầu tư cùng với các đơn vị thụ hưởng là VSD, HNX, khi vận hành sẽ làm thay đổi toàn bộ hạ tầng về công nghệ thông tin.
Nhiều cho các sản phẩm, dịch vụ mới như nghiệp vụ giao dịch chứng khoán trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về, dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp, mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở… có cơ hội được triển khai trên nền tảng công nghệ mới.
Hiện tại, theo ông Trà, HOSE và các chủ thể đang trong giai đoạn kiểm thử, nếu mọi việc thuận lợi, giữa năm 2020, hệ thống mới có thể được vận hành.
Ðiểm thú vị được lãnh đạo HOSE chia sẻ đó là tại nhiều sở giao dịch chứng khoán quốc tế, mỗi lần thay đổi hệ thống công nghệ lõi, thanh khoản thường tăng gấp đôi.
Tại TTCK Việt Nam, thông lệ này có thể thành hiện thực khi nhiều kiến nghị của nhà đầu tư bị nén quá lâu, đặc biệt là kiến nghị chuyển giao tiền và chứng khoán cùng ngày (T+0) trên thị trường cổ phiếu.
Hiện tại, nhà đầu tư phải ký quỹ 100% giá trị giao dịch khi đặt lệnh mua trên thị trường cổ phiếu, trong khi 2 ngày sau, cổ phiếu mới về đến tài khoản.
Sự khác biệt về thời điểm chuyển giao tiền và chứng khoán này là mối lo ngại lớn nhất, thậm chí được coi là điểm trừ của TTCK Việt Nam trong đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài.
Ðây cũng là nút thắt chưa gỡ được của TTCK Việt Nam trong quá trình cải tiến để đạt đủ 9/9 tiêu chí nâng hạng từ mức cận biên lên mới nổi.
Tại sao điểm nghẽn này tồn tại quá lâu trong khi khung pháp lý đã được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2015 (Thông tư 203/2015/TT-BTC)?
Câu trả lời từ nhà quản lý là, thay đổi nền tảng công nghệ trên TTCK là một dự án lớn, ảnh hưởng đến tất cả các thành viên, nên không thể đang trong giai đoạn làm gói thầu 04, lại đầu tư xây dựng một hệ thống công nghệ khác để xử lý “tạm” bài toán gỡ vướng.
Những kiến nghị về T+0, thanh toán chứng khoán chờ về… sẽ được xử lý khi gói thầu 04 hoàn tất, thị trường hội đủ 3 yếu tố: pháp lý, công nghệ và sự sẵn sàng của các công ty chứng khoán thành viên.
TTCK những ngày cuối cùng của năm 2019 vẫn tiếp tục ở trạng thái thanh khoản giảm, chỉ số giảm.
Chia sẻ góc nhìn lạc quan, ông Vũ Bằng, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, với nền tảng kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, GDP 2019 tăng 7,03%, “TTCK năm nay chưa lên đủ thì sẽ dành cho năm sau”.
Cùng đón năm mới với niềm hy vọng mới!