Đổi mới cơ chế xúc tiến thu hút FDI tại địa phương

Làm thế nào để Việt Nam có thể thu hút được vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc và cần làm gì để mời gọi được các nhà đầu tư lớn qua hoạt động xúc tiến đầu tư?
Để hoạt động xúc tiến đầu tư diễn ra, cần có cơ chế (hay quy chế tổ chức, hoạt động) với các cơ quan xúc tiến.

Để hoạt động xúc tiến đầu tư diễn ra, cần có cơ chế (hay quy chế tổ chức, hoạt động) với các cơ quan xúc tiến.

Thực tế cho thấy, một trong những hướng tiếp cận quan trọng và phổ biến nhất mà các quốc gia/địa phương thường sử dụng để thu hút đầu tư nước ngoài là sử dụng cơ quan xúc tiến đầu tư (IPA). Nhìn một cách tổng thể, IPA là tổ chức chuyên môn, nơi tập trung các nỗ lực của một địa phương trong xúc tiến đầu tư nước ngoài. IPA thường thực hiện nhiệm vụ xây dựng chiến lược, chương trình và tiến hành hầu hết các hoạt động xúc tiến đầu tư cho quốc gia.

Như vậy, để hoạt động xúc tiến đầu tư diễn ra, cần có cơ chế (hay quy chế tổ chức, hoạt động) với các cơ quan xúc tiến.

Xúc tiến đầu tư nước ngoài gồm các hoạt động marketing mà chính phủ/tổ chức triển khai để thu hút vốn đầu tư. Theo đó, xúc tiến đầu tư thường loại trừ việc tài trợ khuyến khích, bảo hộ, hay thương thảo với các nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù các tổ chức xúc tiến đầu tư đôi khi cũng chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ trên.

Kinh nghiệm cho thấy, không có khuôn mẫu nào cho mọi IPA. Mỗi quốc gia hay địa phương có thể chọn một hình thức tổ chức IPA phù hợp với điều kiện của mình. Hiện có 3 loại hình tổ chức xúc tiến đầu tư: các tổ chức xúc tiến đầu tư thuộc chính phủ (loại 1), các tổ chức xúc tiến đầu tư mang dáng dấp giống như trực thuộc chính phủ (loại 2) và các tổ chức xúc tiến đầu tư tư nhân (loại 3).

Các tổ chức xúc tiến đầu tư thuộc chính phủ được ủy thác bởi chính phủ để thương thảo với các nhà đầu tư nước ngoài và giám sát, quản lý nhà đầu tư nước ngoài; hoạt động xúc tiến chỉ là một chức năng thêm vào.

Với loại hình 2, các tổ chức xúc tiến đầu tư này có ban giám đốc riêng không phải là phòng ban thuộc các bộ, ngành và chỉ báo cáo cho bộ, ngành. Các tổ chức này thường kiêm luôn xúc tiến thương mại, du lịch và hoạt động theo cơ chế tự cân đối tài chính bên cạnh một phần ngân sách từ phía nhà nước.

Với loại hình xúc tiến đầu tư tư nhân, tổ chức xúc tiến đầu tư không trực thuộc bất kỳ ban, ngành nào của chính phủ và không có nghĩa vụ báo cáo chính phủ. Tổ chức dạng này không phổ biến và gặp không ít khó khăn trong hoạt động, song rất năng động, bởi đây là tập hợp các công ty luật, công ty tư vấn kinh doanh quản lý trong nước và nước ngoài cùng các công ty quản lý quỹ đầu tư.

Nhìn dưới góc độ thuộc biên chế nhà nước, Việt Nam hiện có 2 loại hình tổ chức xúc tiến. Đó là các tổ chức xúc tiến đầu tư thuộc chính phủ (các cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phòng thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh/thành phố, các trung tâm xúc tiến đầu tư vùng/Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thuộc Nhà nước quản lý).

Loại 2 là các tổ chức xúc tiến đầu tư mang dáng dấp giống trực thuộc chính phủ, thuộc UBND tỉnh/thành phố, nhưng hoạt động theo cơ chế lấy thu bù chi, cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ một phần kinh phí.

Các cơ quan quản lý cần sớm có cơ chế linh hoạt, theo đó có thể trích thưởng trên mỗi loại/quy mô Dự án mà cơ quan xúc tiến đầu tư địa phương thu hút được.   

Cả 2 loại hình trên đều hoạt động theo Quyết định 03/2014/QĐ-TTg về quy chế quản lý nhà nước với hoạt động xúc tiến đầu tư. Song quyết định này nặng về quản lý, chưa có chỉ đạo lâu dài, xuyên suốt về cơ chế khen thưởng, khuyến khích cho các cơ quan/tổ chức xúc tiến địa phương. Ngay các tổ chức xúc tiến theo cơ chế lấy thu bù chi cũng phải trình dự toán ngân sách cuối năm gửi cơ quan chủ quản duyệt.

Điều này đang hạn chế đáng kể hoạt động xúc tiến đầu tư của các cơ quan xúc tiến địa phương. Xét về hiệu quả kinh tế, thì đương nhiên phải chi phí xúc tiến đầu tư, nhưng chưa chắc nhà đầu tư đã lựa chọn địa phương mình. Mặt khác, cơ chế tiền lương tại các cơ quan này cũng chưa có tác dụng khuyến khích các cá nhân làm việc.

Riêng loại hình tổ chức xúc tiến đầu tư theo cơ chế lấy thu bù chi được thu thêm từ các dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư để bù chi phí. Song theo Quyết định 03, hoạt động đó vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Do đó, vẫn chưa tạo được động lực làm việc cho các tổ chức, chuyên viên xúc tiến đầu tư.

Nên chăng, các cơ quan quản lý cần sớm có cơ chế linh hoạt, theo đó có thể trích thưởng trên mỗi loại/quy mô dự án mà cơ quan xúc tiến đầu tư địa phương thu hút được để tạo động lực làm việc cho các cơ quan, tổ chức xúc tiến đầu tư.

Cơ chế khuyến khích không chỉ áp dụng cho các cơ quan xúc tiến đầu tư loại hình 1 và 2, mà cho cả cơ quan xúc tiến loại hình 3. Điều này không chỉ liên quan tới vấn đề tài chính, mà còn hàm ý nếu các cơ quan xúc tiến đầu tư muốn thu hút và giữ chân các nhà đầu tư lớn (tái đầu tư), thì họ sẽ phải chăm sóc nhà đầu tư tốt hơn. Như vậy, môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ tăng tính cạnh tranh, phát triển bền vững hơn.

Tin bài liên quan