Áp dụng công nghệ vào bất động sản là xu thế tất yếu.

Áp dụng công nghệ vào bất động sản là xu thế tất yếu.

Đổi mới cách tiếp cận Proptech

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các hoạt động ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản (Proptech) sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong những năm tới, được thúc đẩy bởi áp lực cắt giảm chi phí của các doanh nghiệp khi dòng tiền khó khăn.

Khi công nghệ là đầu tàu

Propzy - một trong những doanh nghiệp Proptech có quy mô lớn nhất thị trường đã phải dừng hoạt động trong năm qua, song điều này không có nghĩa là Proptech không còn hấp dẫn, thậm chí động thái gần đây của những “tân binh” còn cho thấy điều ngược lại.

Đơn cử, MGI Proptech vừa thông báo hợp tác chiến lược và tiếp nhận vốn đầu tư từ đối tác đến từ Singapore, đồng thời chính thức công bố dự án RealXInvest ra thị trường. Khắc Việt Group của doanh nhân - ca sĩ Khắc Việt tiết lộ với báo giới dự định đầu tư vào Công ty TNHH Công nghệ Homeup Việt Nam nhằm hướng đến một nền tảng công nghệ Proptech cung cấp dịch vụ toàn diện về bất động sản cho hệ thống của mình. Còn ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch CEN Group hé lộ một dự án mới về dịch vụ chuyển đổi số đã cung cấp cho nhiều ngân hàng, trong đó MBBank là ngân hàng đầu tiên trả phí dịch vụ…

Theo đánh giá của nhiều đơn vị phân tích, áp lực chi phí vận hành tăng cao buộc các doanh nghiệp phải tính đến việc chuyển đổi các mô hình kinh doanh cũng như áp dụng các nền tảng công nghệ để tối ưu hóa chi phí, từ đó tạo điều kiện cho các Proptech lên ngôi, bất chấp biên lợi nhuận thời gian đầu của các dự án chưa đạt kỳ vọng.

Thực tế, với Uber, Grab, Gojek…, hay trước nữa là Amazon, Tesla…, lợi nhuận không phải là điều các nhà đầu tư mạo hiểm quan tâm nhất khi quyết định giải ngân vốn vào những start-up công nghệ này trong giai đoạn đầu.

Câu chuyện ở Việt Nam cũng tương tự, khi những doanh nghiệp tiên phong đầu tư mạnh vào Proptech, hoặc tiến hành mua bán - sáp nhập (M&A) các Proptech như Hưng Thịnh, Vingroup, Đại Phúc, CEN Group… cho biết, vấn đề nằm ở tiềm năng của các dự án Proptech mang lại trong tương lai với nền tảng cơ sở dữ liệu khách hàng có được, cũng như khả năng đóng góp vào chuỗi giá trị bất động sản mà họ đang xây dựng, hơn là yếu tố lợi nhuận trước mắt.

Nhìn vào những chuyển động chính sách thời gian gần đây với các yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn xác về thị trường, điều này buộc các cơ quan quản lý phải thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ kết nối xuyên suốt người bán, người mua, người cho thuê và các dịch vụ liên quan. Đây là một trong những yếu tố khiến Morgan Stanley Research đánh giá cao tiềm năng Proptech trong thời gian tới.

Theo ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Meey Land, thị trường bất động sản hiện tồn tại nhiều vấn đề như thời gian giao dịch chậm, thiếu minh bạch thông tin pháp lý, chi phí hoạt động cao, chưa có công cụ thống nhất để đo lường, tính toán, định giá bất động sản…, hậu quả là chủ đầu tư đối mặt với tình trạng nợ đọng kéo dài, khó thu hồi vốn, dòng tiền lưu thông kém, nhà môi giới đạt hiệu quả công việc thấp, tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong xử lý, phát mãi tài sản đảm bảo…

“Bởi vậy, đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp thị trường bất động sản chuyển mình và bứt phá”, ông Chung nhấn mạnh.

Nút thắt pháp lý

Tại Việt Nam, Proptech có nhiều dư địa phát triển

Tại Việt Nam, Proptech có nhiều dư địa phát triển

Với cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người thường xuyên sử dụng công nghệ ở mức cao (64 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 66% dân số), quy mô thị trường bất động sản dự kiến lên tới 21 tỷ USD…, đây là điều kiện lý tưởng để Proptech phát triển tại Việt Nam.

Nghiên cứu mới về hành vi ưu tiên công nghệ của khách hàng sau dịch của Tập đoàn Tư vấn Boston (The Boston Consulting Group) cho thấy, số lượng người tích cực sử dụng dịch vụ ngân hàng - tài chính số, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ bất động sản tại Việt Nam tăng mạnh nhất so với các thị trường mới nổi khác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thị trường Proptech ở Việt Nam còn sơ khai, nhưng được đánh giá giàu tiềm năng. Nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, quy mô thị trường bất động sản sẽ đạt 1.232 tỷ USD, chiếm 22% tổng tài sản nền kinh tế vào năm 2030. Trong khi đó, báo cáo của Protech Vietnam Network ghi nhận, hiện có khoảng 150 start-up trong lĩnh vực Proptech, trong đó nhiều dự án có vốn đầu tư từ nước ngoài.

“Các thương vụ đầu tư, góp vốn vào Proptech thời gian qua cho thấy sức nóng của lĩnh vực này ngày càng tăng”, ông Hoàng Mai Chung nói, đồng thời cho biết thêm, “đấu trường” nền tảng số đang cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng chính sự cạnh tranh đó đã thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn khởi nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá, bối cảnh thị trường thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu áp dụng Proptech nhiều hơn nếu muốn đi xa hơn. Việc thay đổi các cách thức giao dịch bất động sản mang lại lợi ích cho cả chủ đầu tư dự án lẫn người mua hàng; gắn kết được các cơ quan nhà nước trong việc quản lý thị trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước; đủ cơ sở để phát triển thị trường theo hướng xanh và thông minh, mang lại lợi ích cho quốc gia cũng như mỗi người dân… nên Proptech có dư địa lớn để phát triển.

Còn ông Đặng Tùng Anh, Phó giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, lĩnh vực Proptech hiện tồn tại một số rào cản do chuyển đổi số là một vấn đề mới, chưa có chuyên gia chuyên ngành cũng như sự thay đổi liên tục của công nghệ. Chuyển đổi số là một quá trình đa dạng, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả. Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản cũng vậy, các vấn đề như hành lang pháp lý, nhận thức, áp dụng công nghệ hay khó khăn về nguồn lực là những bài toán khó, cần sự quyết tâm của cơ quan chủ quản là Bộ Xây dựng, cũng như chung tay của các bộ, ban ngành liên quan.

“Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu để Chính phủ ban hành nhiều văn bản liên quan tới chuyển đổi số như chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Đây là những văn bản quan trọng trong chiến lược thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”, ông Tùng Anh chia sẻ thêm.

Tin bài liên quan