Đối mặt án chung thân vì tín dụng đen

Đối mặt án chung thân vì tín dụng đen

(ĐTCK) Chủ một chuỗi cửa hàng gốm sứ phong thủy đang phải đối mặt với án tù chung thân khi không trả được khoản nợ 30 tỷ đồng tín dụng đen.

Theo tài liệu truy tố, Nguyễn Trúc Quỳnh (SN 1976, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) có vay mượn của bà Đinh Thị Mai Phương (SN 1961, ở 9B phố Đặng Tất, Hà Nội) để mở rộng kinh doanh mặt hàng gốm sứ phong thủy. Quỳnh dẫn bà Phương đến hàng loạt các cơ sở buôn bán hàng phong thủy của Quỳnh ở Hà Nội để bà này tin tưởng mà cho vay tiền.

Từ tháng 5/2008, bà Phương nhiều lần cho Quỳnh vay tiền, tổng số lên đến 1,5 triệu USD, tương đương khoảng 30 tỷ đồng, lãi suất 1,2 - 1,7%/tháng. Thời gian đầu, Quỳnh trả nợ gốc và lãi đầy đủ, nhưng sau đó lại thỏa thuận với bà Phương sẽ bán nhà và tài sản cho bà này để cấn nợ.

Quỳnh đã viết giấy bán nhà đất ở số 17 và số 19 Giang Cao, Bát Tràng (Hà Nội) cho bà Phương. Dù căn nhà đã có sổ đỏ, nhưng bị can vẫn bảo chưa có để thoái thác việc sang tên căn nhà cho bà Phương.

Sau đó, tháng 10/2009, Quỳnh mang hai sổ đỏ này đi thế chấp tại VIB - Chi nhánh Gia Lâm lấy 1,5 tỷ đồng chi tiêu cá nhân. Đến tháng 5/2010, Quỳnh đem bán hai căn nhà lấy 9 tỷ đồng dùng trả nợ ngân hàng và chi tiêu cá nhân.

Quỳnh cùng chồng còn viết giấy bán nhà số 4 Giang Cao, Bát Tràng cho bà Phương, nhưng chỉ giao sổ đỏ mà không làm thủ tục sang tên. Ngoài ra, để gán nợ, hai vợ chồng Quỳnh viết giấy sang tên cho bà Phương 40.000 cổ phiếu của CTCP Thương mại và Xuất nhập khẩu Tân Trường Thành với giá 1,786 tỷ đồng. Nhưng bán xong cho bà Phương, vợ chồng Quỳnh lại viết giấy bán số cổ phần này cho người khác lấy hơn 1 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, Quỳnh khai đã viết giấy bán 3 căn nhà cho bà Phương để làm tin và để bà Phương cho Quỳnh trả nợ dần, tổng số tiền vay khoảng 30 tỷ đồng, đã trả khoảng 10 tỷ đồng tiền lãi, còn nợ hơn 20 tỷ đồng.

Với hành vi này, Quỳnh bị truy tố vì tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, vụ án chưa dừng lại ở đó. Ngoài các căn nhà ở Giang Cao, Bát Tràng, vợ chồng Quỳnh có ngôi nhà ở số 1 ngõ 97 Văn Cao (Ba Đình, Hà Nội) và đã dùng để thế chấp cho bà Phương vay hơn 4 tỷ đồng. Do không có tiền trả nợ, vợ chồng Quỳnh đã bán căn nhà và sang tên sổ đỏ cho bà Phương.

Tuy nhiên, trong thời gian tại ngoại chờ xử lý vì hành vi lạm dụng tín nhiệm, Quỳnh đã bán căn nhà này với giá 13 tỷ đồng và cho người mua xem sổ đỏ bản phô to cùng một số giấy tờ khác.

Khi Quỳnh nhận 2 tỷ đồng trong số tiền bán nhà trên thì bị công an bắt. Với hành vi này, bị can bị truy tố thêm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khi bán căn nhà không phải là tài sản của mình.

Đối với chồng Quỳnh là Lê Trọng Hiếu, đã cùng ký giấy vay nợ và bán nhà cho bà Phương nhưng sau đó lại bán cho người khác lấy tiền chi tiêu cá nhân, cơ quan công tố xác định có dấu hiệu đồng phạm. Tuy nhiên, do đã khắc phục hết hậu quả, trả lại cho bà Phương 19 tỷ đồng, nên không xử lý hình sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Quỳnh khai việc bán nhà không phải là bị can cố tình lừa dối mà là có thỏa thuận trước với bị hại là bà Phương. Quỳnh khai có nói với bà Phương để Quỳnh bán nhà lấy tiền trả nốt nợ cho bà này, khi bán nhà có xin ý kiến điều tra viên của vụ án và có một luật sư chứng kiến. Vì lý do này, Quỳnh đề nghị thay đổi kiểm sát viên vì cho là kiểm sát viên không khách quan và triệu tập vị luật sư nói trên để làm chứng.

Tuy nhiên, kiểm sát viên vụ án này bác bỏ lời khai của Quỳnh và cho biết, bị can có đề nghị bán nhà để khắc phục hậu quả của vụ án. Trước diễn biến phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tạm hoãn phiên tòa để xem xét vấn đề này.

Tin bài liên quan