“Đây là dự án luật khó…”
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cảm nhận như vậy khi góp ý cho dự thảo Luật Quy hoạch tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo luật này diễn ra cuối tuần qua.
“Khó là vậy, nhưng cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có nhiều cố gắng trong đưa ra một bản dự thảo mà tôi nhất trí với nhiều nội dung. Tôi hoàn toàn ủng hộ các định hướng về xây dựng luật, việc ban hành luật là rất cần thiết để khắc phục nhiều hạn chế hiện tại, trong đó có tình trạng chồng chéo trong quản lý quy hoạch…”, ông Thành nói.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), để tránh trùng chéo giữa quy hoạch của địa phương và trung ương, dự thảo luật cần đưa ra các quy định cụ thể hơn để tích hợp các loại quy hoạch có mối quan hệ với nhau. Với quy hoạch mạng lưới giao thông, không thể tách rời quy hoạch đường sắt với đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Việc tích hợp này cần được thực thi ngay trong quá trình xây dựng quy hoạch…
Việc ban hành luật này có ý nghĩa quan trọng vì chuẩn bị cho thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Nếu chậm ban hành sẽ lỡ đi cơ hội cho giai đoạn phát triển 10 năm tới…
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Theo đại biểu Võ Đình Tín (Đắc Nông), qua tiếp xúc cử tri, người dân trong những vùng quy hoạch “treo” bức xúc vì ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của họ. Tình trạng quy hoạch “treo” xảy ra do không khả thi, do thiếu nguồn lực triển khai.
Bởi vậy, dự thảo luật cần có những quy định chi tiết hơn về trách nhiệm của các bên lập, phê duyệt quy hoạch mà dẫn đến không khả thi, ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, nhất là với các dự án thu hồi đất ở, sản xuất lớn thuộc quyền sử dụng của người dân.
Đại diện cơ quan trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo luật trình Quốc hội lần này đổi mới phương thức lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành, khắc phục tình trạng chia cắt, cục bộ giữa các ngành, địa phương; tránh xung đột lợi ích, mâu thuẫn, chồng chéo trong lập và quản lý quy hoạch...
Dự thảo cũng thiết lập cơ chế cung cấp thông tin về quy hoạch đảm bảo minh bạch, công khai, để các bên tham gia giám sát thực hiện quy hoạch.
“Dự thảo luật cũng đưa ra các quy định nhằm khắc phục tình trạng xin - cho, tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch thông qua bãi bỏ các quy hoạch không phù hợp, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp...”, Bộ trưởng cho biết.
Liên quan đến nội dung thời kỳ quy hoạch nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo quy định thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 20 năm... là ngắn. Có đại biểu đề xuất thời kỳ quy hoạch là 50 năm, tầm nhìn 100 năm. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến này theo hướng thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn dài hơn.
“Đảm bảo tính khả thi…”
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định như vậy trước băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội về tính khả thi của luật khi cần phải sửa tới 32 luật liên quan, trong khi thời gian chuẩn bị không nhiều vì nếu được Quốc hội thông qua, Luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã tính toán kỹ về thời hạn áp dụng luật, một số nội dung sẽ được sửa trong một luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, các nội dung còn lại sẽ dùng một luật để sửa nhiều luật.
Theo Bộ trưởng, đây là luật mới, phạm vi điều chỉnh rộng, nên 6 năm qua chưa thể thông qua luật. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cơ quan liên quan, dự thảo luật đã được trình ra Quốc hội lần này. Khi luật được thông qua sẽ tạo bước đột phá về cải cách thể chế trong bối cảnh hiện hệ thống pháp luật về quy hoạch đang được quy định ở 95 luật…
“Điểm đáng chú ý trong dự thảo luật này là sự thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ thiên về quản lý như trước đây, nay thiên về vừa quản lý, vừa đảm bảo kiến tạo, phục vụ phát triển. Đây là động lực quan trọng để huy động và phân bổ các nguồn lực khác của quốc gia, ngoài chủ yếu sử dụng nguồn lực của nhà nước như trước đây để phát triển đất nước…
Việc ban hành luật này có ý nghĩa quan trọng vì chuẩn bị cho thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Nếu chậm ban hành sẽ lỡ đi cơ hội cho giai đoạn phát triển 10 năm tới…”, Bộ trưởng khẳng định.