Ngành nông sản Việt đang nâng cao chất lượng để giành lại thị phần.
Đầu tư mạnh chuỗi phân phối nông sản
Công ty cổ phần Sói biển trung thực, nổi tiếng với chuỗi cửa hàng bán lẻ nông sản tổng hợp đã mạnh tay đầu tư cho phân khúc mới, chuẩn bị khai trương một số cửa hàng với thương hiệu “Sói biển Seafood”, tập trung vào phân phối hải sản tươi sống loại I dành cho người dân thành thị trong tháng 6 này.
Đại diện Sói biển cho biết, phát triển thương hiệu mới “Sói biển Seafood” là một bước trong kế hoạch thực hiện mục tiêu trở thành chuỗi cung ứng thực phẩm sạch hàng đầu, cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ nước ngoài.
Cùng định hướng phát triển chuỗi nông sản như Sói biển, sau nhiều năm chinh chiến ở thị trường bên ngoài, mới đây Công ty Vina T&T quyết định mở một showroom chuyên quảng bá, trưng bày sản phẩm trái cây phục vụ người tiêu dùng trong nước.
Chia sẻ về quyết định trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, sau khi đi nhiều nơi, tham quan các siêu thị, ông nhận thấy nông sản của Việt Nam không được chăm sóc tốt, trong khi sản phẩm ngoại như táo, kiwi, nho... được trưng bày rất bắt mắt trên những kệ hàng sang trọng.
“Điều này khiến tôi cảm thấy không công bằng với trái cây Việt. Vì vậy, T&T đầu tư vào chuỗi bán lẻ trong nước chuyên bán trái cây Việt Nam”, ông Tùng cho hay.
Tuy vậy, việc chinh phục người tiêu dùng trong nước thực tế là không hề dễ dàng ngay cả với ông “vua” trái cây xuất khẩu T&T. Ông Tùng chia sẻ, bán trái cây ở thị trường trong nước không dễ như dự đoán, khó nhất là việc lấy lại niềm tin của người tiêu dùng sau rất nhiều vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm khiến người dùng mất niềm tin với hàng nội.
Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), nên trái cây nội gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trên sân nhà do trái cây nhập khẩu giá rẻ và người tiêu dùng có tâm lý ưa chuộng dùng hàng ngoại.
Bởi vậy, theo ông Tùng, các doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để người dân hiểu được chất lượng, sản phẩm trái cây của các doanh nghiệp nội. Từ đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước với trái cây Việt.
“Hàng ngoại hơn hàng nội ở sự mới lạ mẫu mã bao bì, do vậy doanh nghiệp cần tuyên truyền để người tiêu dùng cảm nhận được hàng nông sản Việt là sản phẩm tươi 100%, mẫu mã đẹp và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ngay trên kệ hàng trong nước. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần cho khách hàng hiểu rõ, do bán tại thị trường nội địa không phải sử dụng công nghệ bảo quản sản phẩm từ nóng sang lạnh hay từ lạnh sang nóng, không tốn thời gian vận chuyển nên chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được sử dụng tại thị trường Việt Nam sẽ tốt hơn sản phẩm này ở thị trường khác”, Tổng giám đốc Vina T&T Group chia sẻ.
Xây dựng liên kết để giữ vững thị trường nội địa
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước khoảng 12,2 tỷ USD; trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính ước đạt 9,6 tỷ USD. Mặt hàng rau quả kim ngạch nhập khẩu mỗi tháng gần trăm triệu USD.
Việc trái cây ngoại ngày càng phủ rộng thị trường là hồi chuông cảnh báo để ngành nông sản Việt Nam phải nâng chất lượng, tránh rơi vào tình trạng là nước xuất khẩu nông sản lớn mà thua ngay trên sân nhà.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, trái cây ngoại ngày càng phổ biến trên thị trường là điều tất yếu khi Việt Nam mở cửa hội nhập. Bởi thế, để cạnh tranh, nhất thiết trái cây Việt phải tăng chất lượng và hạ giá thành.
“Đơn cử, cam Mỹ mẫu mã đẹp, vị ngon, nhưng giá còn cao nên cam Việt Nam vẫn chiếm ưu thế. Nhưng thử đặt tình huống giá cam Mỹ bằng cam Việt Nam thì người tiêu dùng sẽ mua cam nào?”, ông Nguyên nêu thực tế.
Theo ông Nguyên, ngành trái cây cần được Nhà nước đầu tư hơn nữa từ khâu giống, tổ chức sản xuất quy mô lớn thông qua các hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã để có thể áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cũng như cung ứng trực tiếp vào siêu thị, các cửa hàng.
Nói về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn nhận định, ngành nông nghiệp phải có chiến lược cụ thể để chiếm lĩnh thị trường khi Việt Nam hội nhập, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi.
Trong đó, vấn đề quan trọng là tập trung đầu tư xây dựng liên kết giữa các nhà máy, các doanh nghiệp kinh doanh với nông dân sản xuất tại các vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng trên cơ sở áp dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao. Đây sẽ là giải pháp đột phá chiến lược, tạo sức cạnh tranh.
Đồng thời, điều cần thiết là phải đẩy mạnh phát triển thương hiệu, đẩy mạnh các sản phẩm đặc thù, đặc sản để nâng được lợi thế của hàng Việt Nam so với hàng nhập khẩu.
Còn theo ông Nguyễn Lâm Viên, CEO Vinamit, trước bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau. Muốn bền vững hay ổn định thì các doanh nghiệp phải đi cùng nhau.
“Hiện nay thị trường hàng hóa rất đa dạng, bởi vậy muốn bán được thì cần phải đưa đến khách hàng sự tiện ích. Đơn vị sản xuất đảm bảo chất lượng, mẫu mã, thì đơn vị phân phối cũng cần đảm bảo khâu đóng gói, đem hàng đến người tiêu dùng. Vinamit luôn quan tâm và cho đơn vị phân phối phần hơn. Đôi khi người bán hàng được 30%, còn chúng tôi chỉ được 10%, thậm chí là ít hơn, nhưng chúng tôi vẫn thành công”, CEO Vinamit cho hay.
Báo cáo về thị trường bán lẻ năm 2020 của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho thấy, cùng với các doanh nghiệp, các nhà bán lẻ nội địa cũng đang mở rộng các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cung cấp thực phẩm và sản phẩm thiết yếu, là kênh quan trọng giúp tiêu thụ nông sản. Tính tới hết quý I/2020, hệ thống Co.opmart là đơn vị dẫn đầu thị trường với 128 siêu thị trên cả nước. Bên cạnh đó là sự bùng nổ về số lượng điểm bán Vinmart+, đưa hệ thống này có 2.870 cửa hàng trên toàn quốc.