Đôi hổ mang chúa giao phối trong bụi cỏ

Hai con rắn độc dài khoảng 3 m bò vào vườn nhà dân, quấn quýt suốt 30 phút rồi bỏ đi.

Khun Ad, 64 tuổi, phát hiện hai con hổ mang chúa khi đi ra khu vườn ở Chumphon, miền nam Thái Lan, hôm 10/4.

Ban đầu Ad rất sốc. Nhưng sau đó, bà cho rằng chúng không gây hại vì đang mải giao phối. Một số hàng xóm kéo đến xem khi được bà thông báo. Đôi hổ mang chúa quấn quýt khoảng 30 phút rồi bỏ đi.

"Tôi từng thấy một con hổ mang chúa bò qua vườn nhưng không gọi đội cứu hộ đến bắt vì nghĩ nó vô hại. Vài ngày sau, khi ra ngoài cắt cỏ, tôi lại thấy con rắn nhưng lần này nó đi cùng bạn tình. Tôi nghĩ có thể có một tổ rắn gần đây", Ad cho biết.

Hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) là loài rắn duy nhất xây tổ để đẻ trứng. Thời điểm giao phối của chúng có thể khác nhau, tùy theo khu vực sinh sống.

Sau khi giao phối, con cái sẽ đẻ 20 - 50 quả trứng vào chiếc tổ làm từ lá cây, cành cây nhỏ và một số vật liệu khác. Hổ mang chúa bảo vệ tổ nghiêm ngặt cho đến khi trứng nở.

Thái Lan có hơn 200 loài rắn. Khoảng 40 loài là rắn độc, nhưng phần lớn không phải là mối đe dọa với con người.

Tin bài liên quan