Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã không ít lần khiến giới đầu tư “đứng tim” vì những diễn biến bất ngờ, mà phiên đầu tuần qua là một ví dụ.
Sau kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng kéo dài 9 ngày, các thành viên thị trường bắt đầu tuần mới với việc chứng kiến các chỉ số chứng khoán đột ngột lao dốc.
Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite giảm 3,72% trong phiên đầu tuần, trong khi chỉ số Shanghai 50 và Shanghai 180 đều giảm hơn 4%. Tại New York, Deutsche X-Trackers China A-Shares Fund (ASHR), bao gồm các cổ phiếu hạng A của Trung Quốc cũng giảm 1,87%, theo sát nút diễn biến tại thị trường Đại lục.
Đáng chú ý, diễn biến này diễn ra ngay cả khi PBOC thông báo sẽ giảm 1 điểm phần trăm đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các nhà băng. Với động thái này, nhiều khả năng sẽ có thêm khoảng 110 tỷ USD được bơm vào nền kinh tế Trung Quốc, thúc đẩy đà tăng trưởng chung trong năm nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, động thái của PBOC thay vì củng cố niềm tin của giới đầu tư, lại dấy lên nỗi lo lắng về việc nền kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực lớn hơn trong cuộc chiến thương mại đối với Mỹ. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chính tác động trực tiếp tới thị trường lần này là diễn biến từ nước Mỹ.
Cụ thể, cuối tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đăng trạng thái với nội dung cho biết, Trung Quốc đang có động thái can thiệp vào nền dân chủ Mỹ và giới chức nước này đã phát hiện ra việc Đại lục “cố gắng xen vào cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới”.
Thông tin này không khiến giới đầu tư Mỹ quá bận tâm, nhưng lại là cơn sóng đối với thị trường chứng khoán Đại lục. Thực tế, trong tuần qua, không ít thông tin về việc Trung Quốc dùng chip để hack máy chủ của gần 30 công ty và tổ chức Mỹ, bao gồm những tên tuổi hàng đầu như Amazon và Apple đã được giới truyền thông công bố.
Cụ thể, trên các bo mạch server của Super Micro Computer (Supermicro), công ty có trụ sở ở San Jose (Mỹ) và là một trong những nhà cung cấp bo mạch chủ máy chủ lớn nhất thế giới, có những vi mạch nhỏ xíu chỉ hơn 1 hạt gạo.
Theo các nhà điều tra Mỹ, con chip này được đưa vào quá trình sản xuất bởi 1 đơn vị cung ứng thuộc quân đội Trung Quốc và có khả năng được dùng để thực hiện các cuộc tấn công phần cứng.
Supermicro được thành lập bởi Charles Liang, một kỹ sư Đài Loan từng học đại học ở Texas (Mỹ), cùng vợ của mình vào năm 1993.
Các bo mạch chủ của Supermicro được dùng trên các máy tính đặc biệt như máy chụp cộng hưởng từ MRI đến các hệ thống vũ khí. Nó cũng dùng trên máy chủ dành cho ngân hàng, quỹ phòng hộ, nhà cung cấp điện toán đám mây…
Ngày nay, Supermicro bán được nhiều bo mạch chủ server hơn bất kỳ công ty nào và thống lĩnh thị trường trí giá hàng tỷ USD này. Công ty có các cơ sở lắp ráp ở Mỹ, Hà Lan và Đài Loan, nhưng bo mạch chủ - sản phẩm cốt lõi gần như được sản xuất toàn bộ bởi đối tác Trung Quốc.
Với những diễn biến này, không ít chuyên gia nhận định, chính quyền Mỹ có khả năng áp đặt các lệnh cấm vận lên Trung Quốc, điều từng diễn ra với Nga với lý do tương tự:
Can thiệp vào hoạt động bầu cử của Mỹ. Lệnh cấm vận này có thể làm trầm trọng hơn nữa những xung đột thương mại giữa 2 quốc gia và chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thậm chí, có nhiều tín hiệu cho thấy PBOC bắt đầu lo lắng trước tình hình hiện tại. Bên cạnh việc đẩy thêm dòng tiền ra thị trường, PBOC đang nỗ lực để giữ đồng nhân dân tệ ổn định trước sức mạnh của USD, trong bối cảnh quỹ dự trữ ngoại tệ của quốc gia này trong tháng 9/2018 đã ở mức thấp nhất trong 14 tháng qua.