Đối diện để thích ứng với thách thức bất lợi mới

0:00 / 0:00
0:00
Đang có thêm những tác động bất lợi với các kế hoạch phục hồi của giới kinh doanh.
Các doanh nghiệp du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cũng đang bình tĩnh tính toán, cân chỉnh lại các kế hoạch theo nhiều kịch bản mới.

Các doanh nghiệp du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cũng đang bình tĩnh tính toán, cân chỉnh lại các kế hoạch theo nhiều kịch bản mới.

Xung đột Nga - Ukraine ngay lập tức ảnh hưởng đến dòng khách từ thị trường Nga, Đông Âu vốn đang được nhiều doanh nghiệp du lịch kỳ vọng sẽ trở lại nhanh. Doanh nghiệp vận tải cũng rơi vào thế khó chồng khó khi giá xăng dầu tăng cao… Trong nước, dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh với số ca bệnh liên tục đạt đỉnh mới.

Song, mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ cũng như doanh nghiệp quy mô vừa và lớn lúc này lại là thời cơ để phục hồi nhanh khi Việt Nam đang ở nhóm đầu quốc gia đi nhanh về độ phủ vắc-xin, là cách thức doanh nghiệp tận dụng tốc độ phục hồi của các nền kinh tế lớn, là những ưu thế mà doanh nghiệp có thể khai thác từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó Việt Nam là thành viên…

Thậm chí, nhóm doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, lâu nhất là du lịch, dù chưa thể cười được, nhưng cũng đang bình tĩnh tính toán, cân chỉnh lại các kế hoạch theo nhiều kịch bản mới.

Họ nói, trong lúc nhiều nước lúng túng với các chính sách chống dịch, thì ngành du lịch Việt Nam đang có ưu thế.

Các doanh nghiệp chỉ đề xuất rằng, các lộ trình mở cửa cần rõ ràng, chủ động, có thể bắt đầu bằng việc xem xét mở rộng chính sách miễn visa đơn phương, song phương, chính sách cấp visa điện tử… như kế hoạch từng bàn thảo trước khi Covid-19 xuất hiện.

Cách ứng xử này hoàn toàn khác 6 tháng trước, khi đợt dịch lần thứ tư lan rộng ở TP.HCM và khu vực các tỉnh phía Nam, càng khác so với 2 năm trước, khi Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam. Lúc đó, tâm lý lo ngại, hoang mang tràn ngập, cùng với câu hỏi có nên “ngủ đông” để bảo toàn lực lượng…

Doanh nghiệp gọi đây là chiến lược đối diện để thích ứng trong thế giới VUCA (thách thức, khó khăn thường trực), chỉ có tên gọi là khác nhau.

Thế nhưng, điều đáng bàn là chưa nhiều doanh nghiệp nói đến cơ hội từ việc tận dụng các giải pháp của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 mà Chính phủ đang triển khai. Lý do được đề cập là phải có các hướng dẫn cụ thể thì mới tính toán được.

Đây là điều mà nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, bởi chương trình này tác động cả ngắn hạn và dài hạn đến nền kinh tế, đến doanh nghiệp. Ở góc độ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp, từ cắt giảm chi phí, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp…

Đặc biệt, khi được thực thi đồng bộ, Chương trình sẽ mở ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn - nền tảng để cho mọi doanh nghiệp tối ưu hóa cơ hội kinh doanh.

Đến thời điểm này, một số chính sách hỗ trợ đã được thực thi, như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế trước bạ ô tô…. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều chính sách đang trong quá trình thể chế hóa, xây dựng hướng dẫn, chưa được hiện thực hóa, như hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và thuê đất, danh mục dự án đầu tư hạ tầng...

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ sự sốt ruột khi việc sớm hoàn thành các hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, điều kiện hỗ trợ để hiện thực hóa hỗ trợ đến người lao động, doanh nghiệp vừa là yêu cầu, nhưng cũng là thách thức không hề nhỏ từ phía Chính phủ và các cơ quan thực thi.

Theo đó, một số chính sách hỗ trợ có phạm vi đối tượng rộng, cần quy định chặt chẽ để lựa chọn đúng, hợp lý đối tượng hỗ trợ, nhưng cũng cần điều kiện, quy trình thực thi công khai, minh bạch, đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận công bằng các khoản vay có hỗ trợ lãi suất. Hơn thế, trong bối cảnh mới, có thể cần chính sách hỗ trợ bổ sung cho các nhóm ngành, các lĩnh vực chịu tác động kép, kéo dài…

Có lẽ, chiến lược đối diện để thích ứng cũng cần được các cơ quan thực thi chính sách áp dụng, bởi các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ phát huy tác dụng tối đa khi Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cùng nỗ lực, cùng sẵn sàng đối diện với thực tế, nhìn thẳng vào đòi hỏi của thực tế để thay đổi, để thích ứng.

Tin bài liên quan