Cảng An Thới (Phú Quốc) đang chờ được phê duyệt phương án cho thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng.

Cảng An Thới (Phú Quốc) đang chờ được phê duyệt phương án cho thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng.

Đợi chốt phương án đấu giá quyền thuê cảng biển An Thới Phú Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Phải đến giữa tháng 8/2021, Đề án Cho thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới (Phú Quốc) mới có thể được phê duyệt để tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá.

Những điểm gợn cần làm rõ

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 7195/BGTVT - KCHT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Đề án Cho thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới.

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ quy định của pháp luật, ý kiến của Bộ Tài chính, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Đề án cho thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới, trong đó lưu ý rà soát, làm rõ căn cứ tính toán, xác định nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản, giá khởi điểm; số liệu về doanh thu, chi phí dự kiến và những nội dung liên quan khác.

“Trên cơ sở kết quả thực hiện nội dung nêu trên, Cục Hàng hải Việt Nam gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt Đề án Cho thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới về Bộ GTVT trước ngày 2/8/2021”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Trước đó, sau gần 4 tháng liên tục thúc giục, vào giữa tháng 7/2021, Bộ GTVT đã nhận được Công văn số 7752/BTC - QLCS với những hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài chính liên quan đến Đề án Cho thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới.

Tại Công văn số 7752, Bộ Tài chính cho rằng, việc Cục Hàng hải Việt Nam (đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới) lập Đề án Cho thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, các số liệu về doanh thu, chi phí dự kiến trong giai đoạn 2021-2043 đề cập tại Đề án là khá lạc hậu khi lấy theo phương án cho thuê quản lý khai thác cảng An Thới được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2013.

Cần phải nói thêm rằng, so với thời điểm năm 2013, hoạt động du lịch ở Phú Quốc đang phát triển mạnh và cảng An Thới vẫn là một trong những đầu mối giao thương quan trọng, đóng góp vai trò to lớn trong kết nối và phát triển du lịch địa phương.

Một điểm cấn cá khác được Bộ Tài chính chỉ ra là Đề án Cho thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới cũng chưa thuyết minh cụ thể lý do, căn cứ xác định để đưa ra số tiền dự kiến nộp ngân sách nhà nước, dự kiến số tiền thu được, nhu cầu kinh phí quản lý... trong khi đây là những tham số quan trọng để đánh giá hiệu quả của việc bán đấu giá quyền khai thác kết cấu cảng An Thới.

Liên quan đến việc xác định giá khởi điểm, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, giá khởi điểm để đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới - Phú Quốc thuộc thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trong trường hợp Đề án Cho thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới được phê duyệt, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện tổ chức đấu giá để lựa chọn doanh nghiệp thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải cảng biển An Thới theo quy định pháp luật về đấu giá và ký hợp đồng cho thuê theo quy định của pháp luật.

“Các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện về năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh kết cấu hạ tầng hàng hải theo quy định của pháp luật chuyên ngành hàng hải và pháp luật có liên quan”, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) nêu quan điểm.

Vẫn còn sức hấp dẫn

Trước đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Đề án Cho thuê quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới - cảng biển tổng hợp lớn nhất tại thành phố đảo Phú Quốc, do Nhà nước đầu tư.

Theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam, toàn bộ kết cấu hạ tầng hàng hải cảng An Thới sẽ tiếp tục cho thuê khai thác trong khoảng 42 năm, tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho thuê (dự kiến từ năm 2021) đến năm 2063 (theo thời gian sử dụng của tài sản).

Giá khởi điểm để đấu giá cho thuê kết cấu hạ tầng cảng An Thới là khoảng 195 tỷ đồng, được xác định bởi 2 khoản: giá thu cố định trị giá 160 tỷ đồng (giá trị còn lại của tài sản; chi phí phục vụ quản lý, khai thác tài sản hàng năm của bên cho thuê; chi phí lập Đề án, tổ chức đấu giá) và giá thu thay đổi trị giá 35 tỷ đồng, dựa trên doanh thu lợi nhuận khai thác của bên nhận thuê.

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, mức giá khởi điểm này là sát với những diễn biến khai thác cảng An Thới trong thời gian vừa qua. Trên thực tế, qua 7 năm cho thuê khai thác cho thấy, sản lượng hàng hóa thông qua cảng chỉ đạt bình quân 17% công suất thiết kế.

Lý do bởi hàng hóa được vận chuyển đến đảo Phú Quốc chủ yếu là vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng dân dụng, các loại hàng hóa liên quan đến dân sinh. Do nằm ở khu vực phía Nam của đảo, cách xa các dự án, công trình đang thi công, nếu dỡ hàng tại cảng An Thới sẽ mất công đoạn vận chuyển đường bộ khá xa, mà đường lại hẹp, qua khu vực chợ dân sinh, cầu cống nhỏ, trọng tải thấp, không phù hợp để vận chuyển các loại hàng nặng và cồng kềnh.

“Đó là chưa kể, Phú Quốc hiện có nhiều cảng tạm và cảng thủy nội địa, nằm rải rác gần các công trình thi công quanh đảo, với giá cước rẻ, khá tiện cho việc bốc xếp hàng hóa. Đơn vị nhận thuê chắc chắn sẽ phải có kinh nghiệm và nguồn hàng ổn định”, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam thông tin.

Hiện ngoài nhóm nhà đầu tư cũ từng tham gia đấu giá quyền khai thác cảng An Thới vào năm 2014, cảng biển này đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn khác, trong đó có Tập đoàn Sun Group.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước, đơn vị từng liên danh với Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Sài Gòn thuê khai thác cảng An Thới hồi năm 2014 cho biết, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tham gia đấu giá cạnh tranh với các nhà đầu tư khác ngay khi Đề án được Bộ GTVT phê duyệt.

Cảng An Thới là cảng biển do Nhà nước đầu tư, tổng chi phí 128 tỷ đồng, công suất thiết kế 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000 lượt hành khách/năm. Tại thời điểm công trình được đưa vào khai thác (năm 2012), An Thới là cảng đầu mối (cảng chính) và là cảng duy nhất tại Phú Quốc có thể tiếp nhận tàu biển có tải trọng đến 3.000 DWT.

Trước đó, vào tháng 1/2014, Cục Hàng hải Việt Nam đã cho liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Sài Gòn - Công ty cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (Liên danh TRANACO - HPI) thuê kết cấu hạ tầng cảng An Thới với thời gian thuê từ năm 2014 đến năm 2043. Hai nhà đầu tư này đã lập Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng biển hàng hải An Thới để thực hiện hợp đồng với Cục Hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Hợp đồng, do một số nguyên nhân từ bên thuê, Cục Hàng hải Việt Nam đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng vào ngày 1/1/2021.

Tin bài liên quan