Thông thường, nạn nhân thường muốn bồi thường cao, trong khi chủ xe hay DNBH không muốn chi vượt khung

Thông thường, nạn nhân thường muốn bồi thường cao, trong khi chủ xe hay DNBH không muốn chi vượt khung

Đòi bồi thường bảo hiểm xe máy vượt khung: Tranh cãi chưa dứt

(ĐTCK) Khi tai nạn xảy ra khiến nạn nhân bị tử vong, gia đình nạn nhân thường muốn bồi thường số tiền cao hơn mức trách nhiệm bồi thường bảo hiểm bắt buộc tối đa theo quy định pháp luật, trong khi chủ xe chỉ chấp nhận đúng số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường. Vấn đề này lâu nay vẫn gây tranh cãi khi chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Tại một diễn đàn quy tụ nhiều chuyên gia bảo hiểm tham gia, một chủ đề vừa được xới lại từ lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, đó là: “Trong một vụ tai nạn giao thông, chủ xe/lái xe (đã tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự) không may đâm chết người, nhưng đến khi giải quyết bồi thường thì chủ xe/lái xe không hòa giải được với gia đình nạn nhân. Câu hỏi đặt ra là gia đình nạn nhân có thể thu thập toàn bộ hồ sơ để trực tiếp yêu cầu DNBH đã cấp bảo hiểm bồi thường cho mình hay không?”.

Trả lời câu hỏi của vị lãnh đạo trên, có ý kiến cho rằng, trường hợp này là không thể, bởi khi xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến chết người, các cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, sau đó vụ việc được tòa án giải quyết. Nguyên tắc bồi thường là bên bảo hiểm bồi thường cho chủ xe, nếu chủ xe tử vong thì mới bồi thường trực tiếp cho nạn nhân bị tử vong.

Theo ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, trách nhiệm của DNBH chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm, nghĩa là người thứ ba không có quyền trực tiếp yêu cầu DNBH trả tiền bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Bởi thực tế, có quy định mở liên quan đến quyền đại diện cho người được bảo hiểm, đó là “DNBH có quyền thay mặt bên mua bảo hiểm để thương lượng với người thứ ba về mức độ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”.

“Do đó, trong quá trình giải quyết bồi thường, nếu chủ xe/lái xe không hòa giải được với gia đình nạn nhân, thì gia đình nạn nhân đó vẫn có thể thu thập toàn bộ hồ sơ yêu cầu DNBH đã cấp bảo hiểm bồi thường cho mình. Nếu DNBH từ chối thì họ buộc phải kiện chủ xe/lái xe”, ông Nguyên cho hay.

Trong khi đó, ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, ngay cả khi gia đình người bị nạn xuất trình hồ sơ đầy đủ, chính xác, DNBH cũng khó trực tiếp chi trả tiền bồi thường nếu chủ xe/ lái xe không bị tử vong. Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định, nếu chủ xe bị tử vong, hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn và không rơi vào điểm loại trừ bảo hiểm, thì DNBH mới bồi thường trực tiếp cho người bị hại tối đa là 100 triệu đồng/người.

“Cũng cần tính đến giả thuyết, DNBH trả trực tiếp cho gia đình người bị nạn, sau đó chủ xe lại xuất trình các chứng cứ cho thấy mình đã chi trả một phần (tạm ứng), hoặc toàn bộ thiệt hại thì thế nào? Người nhà nạn nhân nhận số tiền chi trả tối đa coi như đã được bồi thường đầy đủ thiệt hại xảy ra theo đúng quy định. Họ không có quyền đòi DNBH bồi thường vượt quá mức quy định. Bởi vậy, DNBH cần giải thích cho gia đình nạn nhân hiểu rõ vấn đề”, ông Lộc chia sẻ.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, nguyên nhân chính dẫn đến việc đòi bồi thường vượt khung là bởi các chi phí liên quan đến nạn nhân bị tử vong đôi khi còn vượt quá mức trách nhiệm tối đa (số tiền này chỉ tính toán mức thiệt hại tối thiểu, đảm bảo cho các chi phí như cấp cứu, mai táng…, mà chưa tính toán các tổn thất khác, ví dụ như tổn thất về tinh thần).

Các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp này, DNBH có thể “chi ngoài” theo hình thức hỗ trợ nhân đạo mang tính tự nguyên để tránh việc bồi thường vượt khung. Ngoài ra, chủ xe/lái xe cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình trong việc bù đắp phần tài chính thiếu hụt, không nên phụ thuộc vào DNBH.

Tin bài liên quan