Doanh nghiệp nhà nước hiệu quả thấp
Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019, tính đến thời điểm 31/12/2017, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút 17,5 triệu tỷ đồng vốn, chiếm 53% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 16,5% so với cùng thời điểm năm 2016. Tổng doanh thu thuần đạt 11,7 triệu tỷ đồng, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 20,2% so với năm 2016.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước chủ yếu gồm các doanh nghiệp có quy mô lớn nên vốn thu hút vào sản xuất - kinh doanh đạt 9,5 triệu tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 19,2% so với năm 2016. Tổng doanh thu thuần đạt 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 15,1%, tăng 9,1%.
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thu hút đáng kể vốn cho sản xuất - kinh doanh với 6 triệu tỷ đồng, chiếm 18,1%, tăng 17,8%. Tổng doanh thu thuần đạt 5,8 triệu tỷ đồng, chiếm 28,1%, tăng 20,6%.
Nhìn vào những con số trên, không khó để nhận ra một thực tế, trong 3 khu vực doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhà nước làm ăn bết bát nhất khi cần tới 9,5 triệu tỷ đồng để làm ra 3,1 triệu tỷ đồng doanh thu. Nôm na là phải bỏ ra mất hơn 3 đồng vốn để có được 1 đồng doanh thu.
Ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, cần 17,5 triệu tỷ đồng vốn để có được 11,7 triệu tỷ đồng doanh thu, tương đương cần gần 1,5 đồng vốn để có được 1 đồng doanh thu.
Hiệu quả nhất vẫn là khu vực doanh nghiệp FDI, cần 6 triệu tỷ đồng vốn để có được 5,8 triệu tỷ đồng doanh thu, tương đương bỏ ra 1,03 đồng vốn, thu về 1 đồng doanh thu.
Khối doanh nghiệp nhà nước gỡ gạc lại khi hiệu suất sinh lời khá tốt. Năm 2017, khu vực doanh nghiệp nhà nước có ROA đạt 2,2%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 1,8% và khu vực doanh nghiệp FDI đạt 7%.
FDI là điểm sáng
Về lợi nhuận, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 22,9%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 33,3%, khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 43,8%.
Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn thể hiện khá rõ ở chỉ số nợ. Năm 2017, khu vực doanh nghiệp nhà nước có chỉ số nợ là 4,1 lần; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 2,3 lần và khu vực doanh nghiệp FDI là 1,6 lần.
Một số liệu đáng chú ý được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chỉ ra là chỉ số quay vòng vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 0,3 lần; bằng 50% chỉ số quay vòng vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp (với mức 0,7 lần).
Mặc dù hiệu quả hoạt động chưa cao, nhưng các doanh nghiệp khối nhà nước lại có mức trả lương cao nhất. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động trong năm 2017 đạt 11,9 triệu đồng, tăng 4,4% so với năm 2016. Trong đó, lao động trong doanh nghiệp nhà nước đạt 11,4 triệu đồng, doanh nghiệp FDI đạt 9 triệu đồng, doanh nghiệp ngoài nhà nước có mức thu nhập của người lao động thấp nhất, khoảng 7,4 triệu đồng.
Chuyển dịch đúng hướng
Các báo cáo của Sách trắng 2019 cũng cho thấy, giai đoạn 2016 - 2017, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện đúng chủ trương phát triển kinh tế của Nhà nước, là giảm dần cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp nhà nước; tăng quy mô và tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI.
Trong những năm qua, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước liên tục phát triển, từ chỗ chỉ chiếm tỷ lệ thấp, đến nay đã có quy mô và tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ doanh nghiệp ở hầu hết các chỉ tiêu.
Nhìn nhận về vai trò của các thành phần kinh tế, trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2019, PGS.TS. Nguyễn Ðức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, cơ cấu đóng góp của các khu vực kinh tế vào GDP đang di chuyển theo xu hướng thể hiện tính thị trường nhiều hơn: Ðóng góp của khu vực nhà nước ngày càng giảm, trong khi đóng góp của khu vực FDI và ngoài nhà nước ngày càng tăng. Ðiều này đặt ra hai vấn đề: Tầm quan trọng của khu vực ngoài nhà nước với sự lớn mạnh của khu vực tư nhân và quy mô khổng lồ của khu vực phi chính thức; đánh giá cấu trúc thu ngân sách nhà nước hợp lý, tương ứng với cơ cấu này.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, công khai hóa thông tin doanh nghiệp rất quan trọng, là tiền đề để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch. Ðây là lần đầu tiên Sách trắng được công bố công khai ra toàn xã hội, thực hiện cam kết của Chính phủ về minh bạch môi trường đầu tư. Từ Sách trắng, có thể nhìn nhận chính xác về tình hình hoạt động của các khối doanh nghiệp, từ đó có những chính sách điều chỉnh, hỗ trợ hợp lý.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Thống kê đánh giá, giai đoạn 2016 - 2017, doanh thu của doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, năm 2017, doanh nghiệp ngoài nhà nước đã khẳng định vị thế trong nền kinh tế với hơn 291 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Sách trắng - dữ liệu nguồn quan trọng
Nhấn mạnh về quan điểm của Chính phủ về mục đích biên soạn và công bố Sách trắng doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư khi biên soạn sách là phải đưa ra những con số biết nói; từ đó, giúp Chính phủ, bộ ngành, địa phương phân tích, đánh giá, lập luận từ đó đưa ra các đề xuất để phát triển doanh nghiệp hợp lý.
“Các địa phương cần tập trung phân tích số liệu trong Sách trắng để biết mình đã làm được gì trong việc phát triển khu vực doanh nghiệp. Tính đến thời điểm 31/12/2018 cả nước có hơn 714.000 doanh nghiệp, vậy địa phương phải biết số này nằm tập trung ở đâu để có điều chỉnh phù hợp về chính sách”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sách trắng sẽ mang đến cái nhìn toàn cảnh và đa chiều về tình hình phát triển và sức khỏe doanh nghiệp tại Việt Nam. Ðây là lần đầu tiên một ấn phẩm kiểu này về lực lượng chủ yếu làm ra của cải vật chất cho xã hội được công bố. Ở các lần biên soạn sau, rất có thể bức tranh doanh nghiệp, dữ liệu thông tin sẽ được bổ sung và lớn hơn nhiều khi mô hình hợp tác xã cũng đang được cân nhắc xem xét đưa vào.
Sách trắng đã được xuất bản và sẽ trở thành ấn phẩm thường niên, nhưng để sử dụng Sách trắng một cách có hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan quản lý, các địa phương và cả bản thân các doanh nghiệp phải có nhiều hơn tinh thần thay đổi, cải tiến để lớn mạnh, vì Sách trắng không phải là chìa khóa, không phải là giải pháp nhưng lại là dữ liệu nguồn cần thiết để mỗi thành viên thị trường soi mình vào trong đó, biết mình đang ở đâu và cần làm gì để bước tiếp.
Sách trắng năm nay còn cung cấp bức tranh toàn cảnh phát triển doanh nghiệp tại các địa phương. Theo đó, các trung tâm kinh tế lớn vẫn đang khẳng định vai trò và vị thế của mình, điển hình là các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng… Trong khi tại nhiều địa phương, lực lượng doanh nghiệp còn rất mỏng, với quy mô vốn nhỏ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, các cơ quan quản lý cần so sánh tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp ở các địa phương có cùng điều kiện, cùng địa bàn để có được những phân tích về phát triển doanh nghiệp, để có những điều chỉnh kịp thời và hợp lý.