Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp đang rất yếu

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp đang rất yếu

“Đọc vị” cung - cầu vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất đã giảm, nhưng chưa đủ để cung - cầu vốn gặp nhau.

Nhu cầu vốn giảm

Chỉ trong 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 5/2023), Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và cho vay, qua đó giảm chi phí vốn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện giảm khoảng 2%/năm so với thời điểm cao điểm quý III/2023. Thế nhưng, nhu cầu vốn của doanh nghiệp không những không tăng, mà còn đang giảm dần, bởi đầu ra của sản phẩm khó khăn trước diễn biến kinh tế vĩ mô không mấy thuận lợi.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh nên nhu cầu vay vốn giảm, một số khác bị đứt gãy dòng tiền, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản, nên không thể tiếp cận được tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, đáp ứng điều kiện vay vốn lại e ngại suy thoái kinh tế, tiêu dùng sụt giảm nên không mặn mà vay vốn để mở rộng kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), bối cảnh kinh tế vĩ mô thay đổi quá nhanh, doanh nghiệp không xuất hàng được, nhu cầu tiêu dùng cả trong nước cũng như thế giới đều bị thu hẹp, doanh nghiệp rất khó khăn. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang phải cầm cự, giữ đơn hàng, thậm chí còn phải bán bớt tài sản để có nguồn tiền duy trì hoạt động cũng như trả nợ. Vì thế, các đợt giảm lãi vay của ngân hàng vừa qua dù chưa nhiều, nhưng cũng là nỗ lực hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thế nhưng, quy mô sản xuất và hoạt động của các doanh nghiệp có xu hướng giảm, nên nhu cầu vay vốn cũng giảm theo. Do đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng lúc này được cho là không quá khó khăn, vấn đề là doanh nghiệp không biết nên làm gì cho hiệu quả, chưa kể không ít doanh nghiệp không có nhu cầu vay.

Còn ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Bidrico, Phó chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA) cho hay, dù nằm trong nhóm sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhưng ngành lương thực - thực phẩm vẫn không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ vĩ mô thế giới như lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị kéo dài ở một số khu vực...

Tổng giám đốc một ngân hàng lớn cũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, để tìm được khách hàng tốt cho vay là không dễ dàng, những doanh nghiệp ngân hàng muốn cho vay lại không có nhu cầu do đầu ra hạn chế. Vì vậy, nỗ lực giảm lãi vay là một trong những yếu tố tác động tích cực tới doanh nghiệp, nhưng không dễ kích cầu tín dụng lúc này.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế quốc dân TP.HCM cho rằng, nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng giảm trong 5 tháng đầu năm nay là do mặt bằng lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, sức cầu của nền kinh tế thấp khi nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp hạn chế.

Hạ lãi suất, tín dụng tăng?

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là lãi suất giảm nhiều hay ít, mà là khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng.

Các nhà phân tích tài chính - tiền tệ cho rằng, giải pháp chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm này là kích cầu tiêu dùng, trong đó quan trọng nhất là đẩy mạnh chi tiêu công. TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định, cần phải kích cầu từ doanh nghiệp, người dân thì mới có nhu cầu để mua hàng hóa, vay tiền để sản xuất - kinh doanh, từ đó mới giúp tăng trưởng tín dụng.

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục giảm lãi suất điều hành để tạo dư địa giảm lãi suất huy động và cho vay, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và thực tế là lãi vay cũng đã giảm. Công ty Chứng khoán SSI ước tính, lãi suất cho vay trung bình trên thị trường hiện ở quanh mức 12,5%/năm, giảm khoảng 2,2%/năm so với cuối năm 2022, nhưng vẫn cao hơn khoảng 2%/năm so với năm 2019. Do đó, vấn đề trọng nhất hiện nay không phải là lãi suất giảm nhiều hay ít, mà là khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2023 diễn ra ngày 3/6/2023, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, tính đến cuối tháng 5, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 3,17% so với cuối năm 2022 và thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (đạt xấp xỉ 8%), cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu.

Trong đó, đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối (chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng toàn nền kinh tế), tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 35% so với mức chỉ tiêu được giao, còn nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân (chiếm khoảng 57% thị phần) cũng chỉ đạt khoảng phân nửa định mức. Như vậy, cả 2 nhóm này (chiếm khoảng 91% thị phần) vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm.

Theo Phó thống đốc, nhìn lại thời điểm này năm 2022, tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, thì năm 2023 sẽ chỉ nhích hơn một chút, từ hơn 14% đến 15%. Như vậy, rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hơn đáng kể so với năm 2022 xuất phát 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút; thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng; thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít dự án mới triển khai… nên nhu cầu tín dụng đối với lĩnh vực này cũng giảm sút.

Về giải pháp, Phó thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Trên thực tế, sau các động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ tháng 3 đến tháng 5/2023, mặt bằng lãi vay đã giảm và số liệu gần đây cho thấy, lãi suất bình quân cho vay mới tại một số ngân hàng hiện ở quanh mức 9,07%/năm, giảm khoảng 0,9%/năm so với cuối năm ngoái.

Đối với khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ nên Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức triển khai chính sách này để hỗ trợ cho các khoản dư nợ hiện hữu của doanh nghiệp, còn với dư nợ mới, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện.

Bên cạnh nỗ lực giảm lãi suất cho vay của ngành ngân hàng, Phó thống đốc cũng cho rằng, giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế cũng rất quan trọng. Do vậy, các cơ quan, bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường xúc tiến, tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ, qua đó tháo gỡ khó khăn cũng như nâng cao năng lực tài chính, khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm không phải do chính sách, bởi lẽ, trong 5 tháng đầu năm 2023, dư địa (room) tín dụng của các ngân hàng vẫn còn nhiều, thanh khoản hệ thống vẫn dư thừa. Do đó, không có lý do gì để các ngân hàng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền, mà lại không muốn cho doanh nghiệp vay. Do đó, Thống đốc đề xuất, cần có các khảo sát toàn diện, tổng thể, mổ xẻ kỹ tình trạng khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Tin bài liên quan