Cấp tập tái cơ cấu
Từ tháng 4 đến nay, Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) được cho là đã bán đi khá nhiều dự án để lấy tiền triển khai các dự án nhà ở xã hội đang bị đình trệ thi công như Dự án Hoàng Quân Nha Trang (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), Dự án Hoàng Quân Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân, TP.HCM). Đây là các dự án Hoàng Quân cam kết sẽ hoàn thành và bàn giao cho khách hàng vào tháng 9/2019.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, các dự án mà Hoàng Quân chào bán đa phần là những dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại tỉnh Bình Thuận, trong đó dự án rộng hơn 50 ha tại TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) được bán cho Công ty cổ phần Bất động sản Phúc Khang với giá trị hơn 100 tỷ đồng. Hiện Hoàng Quân đang bán tiếp một dự án rộng 4 ha đã được quy hoạch và có giấy phép xây dựng tại đây với giá hơn 50 tỷ đồng…
Không chỉ các dự án tại Bình Thuận, một số dự án tại Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng đang được doanh nghiệp này chào bán.
Một lãnh đạo của Hoàng Quân cho biết, những dự án này đã có từ lâu và đều đã đủ hồ sơ pháp lý. Việc bán các dự án này giúp Hoàng Quân giải quyết được bài toán vốn hiện đang rất khó khăn.
Ngoài tái cơ cấu các dự án, theo vị lãnh đạo này, nhân sự chủ chốt của Hoàng Quân cũng đang được tái cơ cấu để khôi phục lại hoạt động của doanh nghiệp.
Trong khi đó, sau thời gian khoảng 1 năm qua không có dự án mới nào, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) mới đây cũng đã công bố chiến lược phát triển mới, trong đó tái cấu trúc Tập đoàn thành 4 mảng riêng biệt: Dịch vụ bất động sản, đầu tư phát triển bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng. Đặc biệt, lần đầu tiên tập đoàn này lấn sân vào phân khúc khu công nghiệp như một động thái nhằm đón đầu làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang chảy mạnh vào Việt Nam.
Với Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt (PDR), tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, năm 2019 sẽ mở ra "kỷ nguyên mới" của doanh nghiệp với hàng loạt chỉ số kinh doanh lớn.
Cụ thể, PDR đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2018; lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018 và cổ tức 90% lợi nhuận sau thuế đạt được.
Ông Đạt cho biết, chiến lược năm 2018 của Công ty là tìm kiếm quỹ đất dưới 1 ha có pháp lý hoàn chỉnh tại TP.HCM để triển khai dự án. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý để triển khai dự án tại TP.HCM kéo dài, không thuận lợi. Vì vậy, năm 2019, Công ty tập trung hoàn tất hồ sơ các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) để tạo lập quỹ đất và chuyển hướng sang đầu tư vào các hạng mục chỉnh trang đô thị, cải tạo nhà cao tầng tại TP.HCM.
"Công ty đang nghiên cứu nhiều dự án, nhưng vì là chiến lược kinh doanh cần sự thận trọng, nên chưa thể công bố ngay", ông Đạt giải thích.
Ngoài tham gia chương trình chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM, PDR còn hướng tới chiến lược "đánh bắt xa bờ", tập trung vào thị trường miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi và nhắm đến các dự án đất nền có pháp lý, hạ tầng và tiện ích nội khu hoàn chỉnh.
Để có vốn thực hiện chiến lược mới trên, mới đây, Phát Đạt đã bắt tay với Samty Asia Investments Pte. Ltd (công ty con trực thuộc Samty Corporation, Nhật Bản) và một công ty phát triển bất động sản hàng đầu của Nhật Bản thông qua Quỹ Vietnam New Urban Center LP. Với cái bắt tay này, Phát Đạt có 22,2 triệu USD để phát triển các dự án bất động sản tại TP.HCM.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Bất động sản Nam Long lại bất ngờ “Bắc tiến” khi thâu tóm dự án khu đô thị nằm trong Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. Với quy mô 21 ha, dự án này được cho sẽ bổ sung một nguồn thu mới cho Nam Long. Nam Long trước tới nay được biết tới là doanh nghiệp chuyên phát triển dự án bất động sản giá rẻ tại TP.HCM.
Cũng định vị lại chiến lược phát triển, không tập trung hết tại thị trường chính là TP.HCM, Tập đoàn Địa ốc Cát Tường đã tiến về Bình Phước để phát triển dự án bất động sản. Sau Bình Phước, mới đây, Cát Tường Group còn công bố phát triển dự án tại tỉnh Nam Định.
Him Lam Land cũng đang tích cực tái cơ cấu chiến lược hoạt động khi vừa bước sang năm thứ 10 thành lập. Cụ thể, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, năm 2019, Công ty sẽ không phát triển dự án bất động sản tại TP.HCM dù đang có quỹ đất lớn, mà chuyển hướng phát triển dự án tại tỉnh Bắc Ninh và một dự án tại tỉnh Đồng Nai. Trong đó, dự án tại Đồng Nai dự kiến mở bán vào tháng 10 năm nay với hơn 6.000 căn hộ chung cư.
Hay như Novaland, chiến lược phát triển trong năm 2019 của tập đoàn này là tập trung hướng tới các thị trường tỉnh và lấn sân sang bất động sản du lịch với 3 dự án lớn tại Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận) và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tiến về tỉnh lẻ và lấn sân sang bất động sản nghỉ dưỡng biển cũng là hướng đi mới mà Hưng Thịnh Corp lựa chọn sau khi thành công với nhiều dự án chung cư tại TPHCM. Mới đây, Hưng Thịnh Corp đã giới thiệu ra thị trường Dự án Quy Nhon Melody tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Trong thời gian tới, dự kiến Hưng Thịnh sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội từ các thị trường ở xa như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội… Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đang tính toán cuối năm nay tiếp tục đưa công ty con là Hưng Thịnh Land lên sàn chứng khoán.
Chọn hướng lên sàn cuối năm nay cũng là kế hoạch được Công ty cổ phần Bất động sản An Gia triển khai.
Hướng đi đúng đắn
Đánh giá xu hướng các doanh nghiệp địa ốc đang đẩy mạnh tái cơ cấu, các chuyên gia cho biết, đây là hướng đi cần thiết giúp doanh nghiệp đảm bảo được tính an toàn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc doanh nghiệp tái cơ cấu, tìm các kênh huy động khác ngoài ngân hàng giúp doanh nghiệp tự chủ về tài chính, bởi từ trước tới nay, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp bất động sản 80% là từ các ngân hàng, nên bị phụ thuộc vào chính sách tín dụng, lãi suất của ngân hàng.
“Đây là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản tự chủ và cơ cấu lại nguồn vốn kinh doanh, phát triển thị trường bất động sản minh bạch và bền vững. Bên cạnh vốn ngân hàng và nguồn vốn tự chủ, doanh nghiệp còn có thể thực hiện liên kết với đối tác để triển khai dự án, thu hút vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài và một kênh huy động vốn quan trọng là thị trường chứng khoán. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn rất ít”, ông Châu nói.
Đối với việc phát triển thị trường bất động sản tỉnh, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, việc thị trường bất động sản TP.HCM khó khăn trong việc cấp phép dự án mới đã tạo sức ép về doanh thu cho các doanh nghiệp địa ốc. Để không rơi vào cảnh doanh thu không có, doanh nghiệp địa ốc buộc phải tái cơ cấu để phát triển.
Thay vì phụ thuộc vào thị trường chính đang bị siết thủ tục, doanh nghiệp sẽ dịch chuyển ra các thị trường vùng ven. Tuy sẽ có những khó khăn nhất định do thị trường mới, sức cầu chưa cao, nhưng sẽ đảm bảo được nguồn thu cho doanh nghiệp.
“Tôi nhận thấy, việc tái cơ cấu ở hầu khắp các doanh nghiệp địa ốc lớn đều diễn ra đầu năm 2019 tới nay. Đây là hướng đi đúng đắn, nhưng cần thận trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng tiềm lực, bởi thị trường tỉnh thường nhiều rủi ro hơn thị trường truyền thống, nếu không cẩn trọng sẽ dễ dẫn tới cảnh thị trường nóng sốt cục bộ và bất ổn”, ông Hoàng nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com