Lợi nhuận suy giảm trên diện rộng
Dữ liệu tổng hợp kết quả kinh doanh quý II/2023 của các doanh nghiệp trên sàn (tính đến cuối tuần qua) cho thấy, trong quý vừa qua, có 19,8% số doanh nghiệp báo lỗ và 34,8% số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý II, tổng doanh thu tiếp tục giảm 3,9% và tổng lợi nhuận sau thuế giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tốc độ giảm đã chậm lại đáng kể so với hai quý trước.
Lợi nhuận quý II toàn thị trường được đóng góp rất lớn từ nhóm ngân hàng và Vin Group. Nếu không tính nhóm này, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp giảm 32,7% so với cùng kỳ.
Hiệu quả hoạt động tiếp tục suy giảm ở hầu hết các ngành, ngoại trừ dịch vụ tài chính và y tế. Chi phí lãi vay cao, sức tiêu thụ yếu đã gây áp lực khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và tích cực giảm tỷ lệ đòn bẩy.
Dầu khí, hóa chất và tài nguyên cơ bản là các ngành có lợi nhuận giảm mạnh nhất, với lợi nhuận sau thuế giảm từ 60 - 80% từ mức nền cao của năm 2022. Đây cũng là các ngành tác động mạnh nhất tới lợi nhuận chung toàn thị trường. Trong đó, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2023 giảm 87% so với cùng kỳ; Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) ghi nhận mức giảm 64%; Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (mã GAS) giảm 38%; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (mã DPM) giảm 92%; Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) giảm 53%.
Tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu vẫn yếu gây áp lực lên lợi nhuận của nhiều ngành. Quý II, ngành hàng tiêu dùng cá nhân và gia dụng ghi nhận mức giảm lợi nhuận sau thuế 52,4% so với cùng kỳ; ngành thực phẩm và đồ uống giảm 11,3%; điện, nước và xăng dầu, khí đốt giảm 28,0%; ô tô và phụ tùng giảm 52,2%. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã MSN) ghi nhận mức giảm 65%; Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (mã SAB) có mức giảm 32%.
Đáng chú ý, ngành bán lẻ ghi nhận mức giảm 92,1%, với mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong nhiều quý. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Thế giới di động (mã MWG) có mức giảm 98%.
Trong khi đó, một số ngành dịch vụ đã bắt đầu phục hồi từ đáy như dịch vụ tài chính, xây dựng và vật liệu, du lịch và giải trí.
Thông qua số liệu kinh doanh quý II, có thể thấy, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Kết quả này không có nhiều bất ngờ so với dự báo được giới phân tích đưa ra trước đó. Điều này cho thấy cần có thêm những thay đổi chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Tìm điểm sáng
Điểm tích cực trong bức tranh kết quả kinh doanh quý II là mặt bằng lợi nhuận của một số doanh nghiệp đã có dấu hiệu tạo đáy. Tổng lợi nhuận sau thuế quý này tăng 2,5% so với quý trước đó. Điểm sáng về lợi nhuận chủ yếu được ghi nhận ở một số ngành dịch vụ.
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường (% so với cùng kỳ). |
Cụ thể, ngành dịch vụ tài chính phục hồi mạnh mẽ, với mức tăng trưởng lợi nhuận 388% so với cùng kỳ và 85% so với quý I/2023. Nhiều doanh nghiệp đã có lãi trở lại nhờ thị trường chứng khoán phục hồi khi VN-Index tăng 5,2% trong quý II/2023 và giá trị giao dịch trung bình của thị trường tăng 39% so với quý trước.
Ngành bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 112% so với cùng kỳ, nhờ hưởng lợi từ cả mặt bằng lãi suất cao và sự phục hồi của thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, lợi nhuận của ngành bất động sản tăng mạnh 54,6% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ đóng góp từ Vinhomes (tăng 12 lần từ mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) với mức tăng 331% so với cùng kỳ, trong khi nhiều doanh nghiệp khác trong ngành vẫn tiếp tục giảm. Nếu không tính Vinhomes, lợi nhuận ngành này sẽ giảm 29,2% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận của ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tuy vẫn giảm 29% so với cùng kỳ 2022 nhưng đã phục hồi 159% so với quý trước, với lợi nhuận cải thiện ở nhiều doanh nghiệp trong ngành như HBC, VGC, VCG, HT1.
Nhóm du lịch và giải trí thu hẹp đáng kể mức lỗ của cùng kỳ năm ngoái (-68%). Tuy vậy, lợi nhuận ngành chưa thực sự bứt phá do thu hút khách du lịch quốc tế vẫn còn khó khăn, trong khi du lịch trong nước vẫn chịu ảnh hưởng của việc thắt chặt chi tiêu.
Ngành ngân hàng vẫn duy trì mặt bằng lợi nhuận tốt, cao hơn đáng kể mức trước dịch Covid-19 và chỉ giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ. Tăng trưởng mạnh nhất bao gồm STB (+139%), VCB (+25%), CTG (+12% ), OCB (+75%), trong khi TCB, VPB, LPB, EIB, SSB và TPB vẫn giảm. Sự giảm tốc của tăng trưởng tín dụng, NIM co hẹp và nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng đã hạn chế tăng trưởng chung của nhóm ngân hàng trong quý vừa qua. Điểm tích cực là thu nhập từ hoạt động dịch vụ hồi phục so với quý trước và CASA đã tạo đáy trong quý I/2023 đối với hầu hết các ngân hàng.
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế qúy II/2023. |
Nhìn đồ thị, có thể thấy 9/19 nhóm ngành có sự tăng trưởng so với quý I/2023, dữ liệu này có thể cho chúng ta hình dung về bức tranh lợi nhuận và chu kỳ kinh tế.
Cụ thể hơn, nếu so với cùng kỳ, nhiều nhóm ngành tăng trưởng âm, nhưng nếu đưa vào đồ thị, ta có thể thấy kết quả kinh doanh của nhiều nhóm ngành chủ lực của nền kinh tế đang “tạo đáy”, tín hiệu cho thấy những thay đổi của chính sách tiền tệ dần tác động tích cực vào hoạt động doanh nghiệp. Việc kết quả kinh doanh tạo đáy cũng sẽ làm tăng định giá của thị trường.
Kỳ vọng nửa cuối năm 2023, xuất khẩu dần phục hồi vào cuối năm khi các đơn hàng tăng trở lại sau khi lượng hàng tồn kho cao được xử lý, bên cạnh kỳ vọng nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ có thể dần phản ánh vào nỗ lực hồi phục của các doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, giảm thuế VAT và mở rộng chi tiêu tài khóa thông qua đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Lợi nhuận doanh nghiệp có thể sẽ khó tăng mạnh ngay, nhưng chúng ta có lý do để kỳ vọng sẽ phục hồi từ từ với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ, cơ hội đầu tư cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn.