Nhiều nhà đầu tư tỏ ra sốt ruột vì sợ bỏ lỡ cơ hội đầu tư dịp cuối năm. Ảnh: Dũng Minh.

Nhiều nhà đầu tư tỏ ra sốt ruột vì sợ bỏ lỡ cơ hội đầu tư dịp cuối năm. Ảnh: Dũng Minh.

“Đọc” tâm lý thị trường dịp cận Tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuối năm thường là giai đoạn nhu cầu bất động sản tăng cao nên bên cầm hàng tranh thủ rao bán, cũng là dịp để bên cần mua có được sản phẩm ưng ý.

Tranh thủ ra hàng

“Mấy năm qua cứ cúi gằm mặt xuống đất, giờ cũng đến lúc ngẩng lên được rồi”. Bắt đầu bằng một thông điệp giàu hình ảnh, đại diện một chủ đầu tư chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.

Thực tế, doanh nghiệp này suốt mấy năm qua phải chạy đôn, chạy đáo lo dòng tiền duy trì hoạt động, hết khó khăn từ dịch bệnh đến thị trường suy thoái. Song, như lời vị này chia sẻ: “Nhiều khi, với công ty bất động sản, chỉ cần có được một dự án tốt trong tay là có thể ‘ngẩng mặt’ với đời”.

Doanh nghiệp này đang phát triển một dự án bất động sản tại Bắc Giang, đã hoàn thiện pháp lý và bắt đầu mở bán. Có dòng tiền, có nguồn thu, mọi thứ bây giờ dường như trở nên dễ dàng hơn.

“Ra hàng đúng lúc cuối năm, vị trí trung tâm và gần khu công nghiệp, giỏ hàng của chúng tôi nhanh chóng được thị trường đón nhận và có mức hấp thụ khả quan”, ông nói và cho biết thêm, doanh nghiệp đang tạm đóng bảng hàng và có thể sẽ mở bán lại ngay trước Tết Ất Tỵ, sau khi điều chỉnh tăng tối thiểu 10% giá bán.

Việc tranh thủ tâm lý hào hứng của thị trường để ra hàng không phải là điều hiếm gặp ở giai đoạn hiện tại. Lấy ví dụ với thị trường căn hộ Hà Nội, theo ông Trần Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, nhiều chủ đầu tư đã ra hàng ngay từ đầu quý IV/2024, thay vì để sang đầu năm 2025 như kế hoạch trước đó.

Ông Tiến cho hay, đến hết quý IV/2024, nguồn cung căn hộ mở mới cả năm 2024 đạt khoảng 35.000 căn, cao hơn so với dự báo trước đó là 22.000-24.000 căn. Tỷ lệ hấp thụ trên các dự án mở bán được lên tới 80-90% nhờ đa dạng hóa tệp khách hàng, gồm cả mua để ở và đầu tư.

Theo ghi nhận của người viết, tranh thủ giai đoạn thị trường ấm nóng và thói quen mua bất động sản dịp cuối năm, không ít chủ đầu tư đã đẩy mạnh việc tung sản phẩm ra thị trường hoặc điều chỉnh giá bán.

Chẳng hạn, chung cư HH4, HH5 tại dự án Khai Sơn City (quận Long Biên) được điều chỉnh giá bán từ ngày 15/1/2025 theo hướng tăng từ 5-10%. Còn với The Charm An Hưng (quận Hà Đông), nhiều đơn vị môi giới đang thúc đẩy công tác bán hàng cho 592 căn hộ của dự án này…

Tương tự, nhiều dự án tại khu Đông Hà Nội cũng ghi nhận sự tăng giá mạnh. Anh Nguyễn Thành Duy - người từng đặt cọc một căn hộ hơn 50 m2 tại một dự án ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh kể, chủ đầu tư điều chỉnh giá bán, tăng tới 10 triệu/m2, khiến anh phải dừng mua do ảnh hưởng đến việc bố trí dòng tiền.

Sốt ruột vì sợ “nhỡ tàu”

Từ phía các “thợ săn”, phản ánh từ nhiều đơn vị môi giới cho hay, cuối năm là giai đoạn thị trường thường có thanh khoản tăng mạnh. Hiện tại, việc mua bán được quyết định nhanh chóng hơn so với trước đó. Điều này đến từ việc các bên cần bán - cần mua dễ gặp nhau ở cả việc chuyển nhượng lẫn mức giá.

Áp lực thanh toán trước Tết Nguyên đán khiến nhiều bên cầm hàng có thể phải chấp nhận giảm giá để thu tiền về. Còn với bên mua, đây là cơ hội tốt để mua được hàng với mức giá dễ chịu hơn từ 5-10%. Các sản phẩm sang tay cũng đa dạng hơn, bao gồm cả đất nền (đất nền trong dân, đất nền đấu giá, đất nền dự án), nhà ở gắn liền với đất hay chung cư.

Nhiều chủ đầu tư tranh thủ tung ra ra thị trường. Ảnh: Dũng Minh.

Nhiều chủ đầu tư tranh thủ tung ra ra thị trường. Ảnh: Dũng Minh.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Lộc - Giám đốc Công ty Bất động sản 666Land, thị trường bất động sản Hà Nội bắt đầu xuất hiện tâm lý “tranh mua”. Người mua đang trong giai đoạn “mua lấy được”, mua để giải quyết bài toán tâm lý vì sợ mất cơ hội.

“Nhiều người đang bị tâm lý cố mua nhà ở hay mua đất vì sợ sau này sẽ không mua được, nên dù giá đắt cũng mua”, ông Lộc nói.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, thời gian qua, nguồn sản phẩm cắt lỗ sâu từ những người mua nhà sử dụng đòn bẩy cao trong giai đoạn thị trường sôi động trước đây đã được hấp thụ đáng kể.

Cùng với đó, lãi suất mua nhà duy trì ở mức khá hấp dẫn cũng là yếu tố thúc đẩy việc mua nhà. Sau một thời gian mặt bằng giá cơ bản đạt mức cân bằng, thậm chí có xu hướng tăng trở lại, người mua ngừng chờ đợi cơ hội mua giá rẻ và bắt đầu nối lại các kế hoạch mua bất động sản cho mục tiêu an cư và đầu tư dài hạn.

Ông Đàm Quang Hoàn - Tổng giám đốc Công ty AZ Green Land cho rằng, hiện là thời điểm tốt cho các nhà đầu tư nhập hàng. Theo ông Hoàn, năm 2025, thị trường bất động sản vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn nên chưa thể bật mạnh, mà là năm tạo đáy cuối cùng, rồi mới bắt đầu phục hồi vào năm 2026. Do đó, năm 2025 là năm thuận lợi để đầu tư vì nền giá tốt.

“Đầu tư từ giai đoạn 2023-2024 cũng có nền giá thấp, nhưng thời gian chờ sẽ bị kéo dài. Sang năm 2025, thời gian chờ ngắn hơn và có thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng hơn cho nhà đầu tư”, ông Hoàn đánh giá.

Chia sẻ thêm về phân khúc tiềm năng, ông Hoàn cho rằng, sản phẩm thuê và cho thuê lại là phân khúc mang đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, điển hình là nhà ở xây, tách và cho thuê. Bởi đây là phân khúc luôn có nhu cầu cao, ngay cả trong giai đoạn thị trường suy thoái vẫn hoạt động hiệu quả.

“Có thể, với những nhà đầu tư ‘tham lam’, với mục tiêu x2, x3 giá trị theo năm thì đây không phải là phân khúc hấp dẫn, nhưng biên lợi nhuận từ 20-30% của phân khúc này là con số đáng mơ ước, nhất là với các nhà đầu tư có nguồn vốn không quá lớn”, ông Hoàn nói.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, thị trường nhà ở phía Bắc đang chứng kiến dòng tiền tiếp tục đổ mạnh, nhu cầu bên mua đến từ nhiều lý do như mua để tích luỹ, khai thác cho thuê hay để dành cho con cái. Do đó, giá nhà sẽ tiếp tục tăng lên và xuất hiện tâm lý sốt ruột, vì nhiều người lo không chờ được giá nhà giảm để mua.

Tin bài liên quan