Cùng với cuộc sống chật chội, ngột ngạt, các cư dân sinh sống trong nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội đang bị “ép” phải dùng các dịch vụ viễn thông độc quyền. Thực tế này đã xảy ra nhiều năm nay, nhưng các ngành chức năng TP. Hà Nội vẫn rất “đủng đỉnh” trước quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm, mặc dù UBND Thành phố Hà Nội đã có quy định về việc lắp đặt, sử dụng cáo viễn thông tại các tòa nhà nhiều tầng.
“Không muốn cũng phải dùng” là thực trạng người dân sử dụng dịch vụ viễn thông tại nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội. Bởi, điểm chung tại các tòa nhà cao tầng này là sự độc quyền của nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt là truyền hình, internet. Nếu như ở nhà mặt đất, người dân có thể dễ dàng lựa chọn rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác nhau cùng chế độ hậu mãi, phí dịch vụ hợp lý, thì tại các chung cư, điều gần như tất yếu ấy lại không hề có.
Chị Đặng Thị Hương, sống tại khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) cho biết, dù ở đây dân số rất đông, nhu cầu, sở thích khác nhau, nhưng tòa nhà chỉ có 1 nhà mạng duy nhất là FPT. Vì được độc quyền, không có cạnh tranh nên nhà cung cấp không mấy quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.
“Trong khu chung cư hàng nghìn người, nhu cầu của mỗi người, mỗi gia đình về dịch vụ, gói dịch vụ là khác nhau, nhưng lại phải dùng như nhau. Nhà cung cấp dịch vụ độc quyền đưa ra gói giá cả như thế nào, chất lượng ra làm sao thì người dân phải dùng như thế, thái độ phục vụ không tốt người dân cũng không làm gì được”, chị Hương tỏ thái độ không hài lòng.
Tương tự, tại khu đô thị Đồng Tầu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, tình trạng độc quyền cũng “phủ” hoàn toàn chung cư cao tầng ở đây. Hệ thống dịch vụ internet ở đây là địa chỉ riêng của nhà cung cấp dịch vụ VNPT.
Anh Trần Văn Lam, sống tại nhà N3, khu đô thị Đồng Tầu cho biết, sau 2 năm là khách hàng của nhà mạng VNPT, dù không hài lòng với chất lượng dịch vụ, giá cước, chế độ chăm sóc khách hàng, nhưng vẫn phải tiếp tục hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ bất đắc dĩ này. Bởi, nếu không tiếp tục hợp đồng với VNPT thì cũng không còn sự lựa chọn nào khác.
“Tôi thấy chất lượng dịch vụ của VNPT rất kém nhưng dù rất muốn thay đổi sang nhà cung cấp dịch vụ khác cũng không đổi được. Giống như người đói muốn ăn, nhưng lại chỉ được ăn một món nên đành chịu. Khi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ khác thì họ nói không có hạ tầng ở đây, không vào được”, anh Lam bức xúc nói.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định quy định các tòa nhà cao tầng phải có ít nhất 2 doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ. Quyết định cũng nêu rõ, các tòa nhà đã đầu tư xây dựng, đang “độc quyền” hệ thống cáp viễn thông trước thời điểm có quy định, đơn vị quản lý tòa nhà phải tạo điều kiện cho các nhà mạng sửa chữa, nâng cấp dịch vụ.
Vấn đề được đặt ra là, vì sao trong bối cảnh các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhiều như hiện nay, vẫn còn tình trạng độc quyền tại các tòa nhà chung cư? Thực tế cho thấy, đây là cái “bắt tay” ngầm giữa chủ đầu tư tòa nhà (không chỉ nhà thương mại, mà cả nhà tái định cư, nhà ở xã hội) với một doanh nghiệp viễn thông ngay từ khâu thiết kế, lắp đặt hạ tầng viễn thông. Sau đó, cam kết ưu tiên riêng đơn vị khai thác dịch vụ. Sự thỏa hiệp này dẫn đến sự độc quyền, mà người chịu thiệt là cư dân tại các tòa nhà.
Nếu như trước đây, khi xây dựng khu chung cư, chủ đầu tư thường phải mời các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tham gia, thì nay lại “đảo chiều”, trở thành cuộc đua giữa các công ty chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông. Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông cho biết, muốn thắng thế trong cuộc đua này, nhà mạng phải chi tiền "lót tay" ban đầu, mà còn phải chi "hoa hồng" hàng tháng cho các chủ đầu tư xây dựng tòa nhà.
Để tránh tình trạng độc quyền cung cấp dịch vụ trong các tòa nhà hiện nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định quy định về lắp đặt, sử dụng cáp viễn thông trong các tòa nhà cao tầng. Theo đó, các tòa nhà cao tầng phải có ít nhất 2 doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ. Quyết định cũng nêu rõ, các tòa nhà đã đầu tư xây dựng, đang “độc quyền” hệ thống cáp viễn thông trước thời điểm có quy định, đơn vị quản lý tòa nhà phải tạo điều kiện cho các nhà mạng sửa chữa, nâng cấp dịch vụ.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính, Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, nếu chủ đầu tư không thực hiện quy định trên, ngành chức năng thành phố sẽ có chế tài xử lý.
“Chủ đầu tư không thực hiện quy định, Sở sẽ có kế hoạch liên ngành, phối hợp với thanh tra sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra. Nếu các doanh nghiệp vi phạm sẽ xử lý theo các văn bản quy phạm pháp luật về viễn thông, trên tinh thần phải thực hiện nghiêm quyết định của thành phố”, ông Sỹ khẳng định.
Rõ ràng, quyết định của UBND thành phố Hà Nội về việc có ít nhất 2 nhà cung cấp dịch vụ tại các tòa nhà được xem như lời giải cho bài toán độc quyền, nhiêu khê bấy lâu nay.
Nhưng giữa quy định và thực tiễn tồn tại cố hữu vẫn là khoảng cách dài. Bởi, khuyến khích chủ đầu tư lắp đặt thêm, hay sự chia sẻ của nhà cung cấp dịch vụ cũ với nhà cung cấp dịch vụ mới như trong Quyết định của UBND thành phố Hà Nội rất khó trở thành hiện thực.