Những nội dung có chiều sâu và cần nhiều thời gian để đọc hiện nay không còn đáp ứng thị hiếu của số đông

Những nội dung có chiều sâu và cần nhiều thời gian để đọc hiện nay không còn đáp ứng thị hiếu của số đông

Đọc nhanh và đọc chậm: Câu chuyện từ quy tắc Sahm và dự báo suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trào lưu tiêu thụ nội dung nhanh, dễ tiếp thu, đơn giản hóa tối đa, không cần chuyên sâu, đang lên ngôi. Đây không chỉ đơn giản là một trào lưu, mà phản ánh một lối suy nghĩ: “đọc nhanh, nghĩ nhanh, ra quyết định nhanh”. Tuy nhiên, ra quyết định vội vã dựa trên những thông tin nhanh có thể “việt vị” do hành động trước khi nghĩ kỹ.

Khi nội dung chuyên sâu và độc lập vẫn được giới tài chính quan tâm

Tại một hội thảo của các chuyên gia phân tích tài chính vào đầu tháng 9 ở London, tôi chú ý câu trả lời của một vị có 20 năm kinh nghiệm trong ngành phân tích khi được hỏi “điều gì bây giờ là trọng yếu nhất của các phân tích trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phổ biến?”. Câu trả lời là “độc lập (independence) và chuyên sâu (in-depth)”.

Điều này lạ mà lại quen. Quen ở chỗ, hai đặc tính độc lập và chuyên sâu vốn là những điều làm nên tính đặc sắc riêng của những báo cáo ngân hàng đầu tư khác nhau và dân làm đầu tư lâu năm có thể biết được mỗi nhóm phân tích của các ngân hàng mạnh về mảng nào, ngành nào, cổ phiếu nào để theo dõi. Và khi tuyển dụng các nhà phân tích trẻ thì nhiều năm nay các ngân hàng đầu tư đều chú trọng đến những ứng viên có thể làm được hai chữ “I” là độc lập và chuyên sâu. Cái bản sắc riêng và độc lập đó giống như bản sắc của những tờ báo chuyên ngành khác nhau vậy, mỗi tờ mỗi vẻ.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh quốc

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh quốc

Nhưng điều có thể lạ với một số người là yêu cầu về những nội dung chuyên sâu để “đọc chậm, nghĩ chậm” vẫn được đề cao ngay cả trong một kỷ nguyên mà trào lưu tiêu thụ nội dung nhanh, dễ tiếp thu, đơn giản hóa tối đa, không cần chuyên sâu, đang lên ngôi.

Sự ưa chuộng những hình thức phân tích nhanh gọn, video ngắn, podcast ngắn đang ngày một nhiều hơn là một sự thật rõ ràng. Ngay cả các ngân hàng đầu tư cũng bắt đầu đáp ứng thị hiếu đó với việc làm podcast và video ngắn dưới 5 phút.

Những nội dung có chiều sâu và cần nhiều thời gian để đọc hiện nay không đáp ứng thị hiếu của số đông, vì số “người tiêu thụ” nội dung chuyên sâu như vậy là có giới hạn, dù họ sẵn sàng chi trả cao. Điều này là một thách thức không nhỏ cho các mô hình kinh doanh từ báo cáo phân tích tài chính của các ngân hàng đầu tư cho đến các nội dung phân tích chuyên sâu trên các tờ báo tài chính truyền thống như Financial Times hay Wall Street Journal.

Có một sự thật là một lượng lớn những độc giả đang ưa thích những nội dung đọc nhanh, nghĩ nhanh (mà còn miễn phí), rồi ra quyết định nhanh dựa trên những thông tin đó khi họ tưởng rằng mình đã hiểu hết vấn đề, không cần những nội dung chuyên sâu nữa. Số đó đang ngày một đông lên.

Đây không chỉ đơn giản là một trào lưu, mà phản ánh một lối suy nghĩ: “đọc nhanh, nghĩ nhanh, ra quyết định nhanh”.

Đọc nhanh, nghĩ nhanh và đọc chậm, nghĩ chậm

Nghĩ nhanh và ra quyết định nhanh, dựa trên những quy tắc đi tắt, là một hệ suy nghĩ mà Daniel Kahneman, người đạt giải Nobel Kinh tế, đã chỉ ra trong quyển sách “Thinking, Fast and Slow” của mình. Trong hệ suy nghĩ “nhanh” (gọi là hệ thống 1 trong quyển sách), người ta ra quyết định dựa trên thuật toán đơn giản, trực giác và bản năng.

Nguồn thông tin nhanh, đơn giản hóa tối đa thích hợp với hệ thống 1. Theo ông Kahneman, hệ thống “chậm” vận hành như kiểu đường tắt, không cần nhiều nỗ lực. Nó có vẻ phù hợp với thế giới vận hành vội vã, muốn thành công nhanh ngày nay của nhiều người.

Trái với hệ thống 1 là hệ thống 2 - hệ thống “chậm”. Hệ thống này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn, phân tích kỹ lưỡng, tập trung, suy luận logic và đòi hỏi nguồn lực nhiều hơn. Nó sẽ phù hợp cho các quyết định phức tạp và nó chậm hơn đáng kể so với hệ thống 1. Trên thế giới vẫn có nhiều loại quyết định như vậy và thông tin chuyên sâu hỗ trợ cho những quyết định đó là cần thiết.

Nói cách khác, một người có thể cần cả thông tin ngắn gọn để đọc nhanh, nghĩ nhanh, ra quyết định nhanh, đồng thời cần cả thông tin để đọc chậm, nghĩ chậm, ra các quyết định trọng yếu. Tỷ lệ bao nhiêu thông tin nhanh và bao nhiêu thông tin chậm, chuyên sâu cần cho mỗi người là khác nhau.

Vì vậy mà những kênh Tiktok cung cấp thông tin về tài chính ngắn gọn, đơn giản hóa và nhanh tồn tại một cách khách quan song song với những tờ báo, tạp chí chuyên sâu về tài chính, đầu tư cũng như những báo cáo phân tích dày hàng chục trang. Một thách thức mới là ngày càng ít người đọc những nội dung chuyên sâu và dài, mà họ bây giờ chủ yếu dùng AI để tóm tắt các bài viết dài đó, chứ không thật sự đọc nó. Họ cho rằng, họ có thể hiểu hết vấn đề chỉ qua vài dòng tóm tắt của AI.

Những hành vi tiêu dùng thông tin đang thay đổi như vậy đặt ra một thách thức cho các tổ chức đóng vai trò trung gian thông tin trên thị trường, dù đó là báo, tạp chí hay các ngân hàng đầu tư phát hành báo cáo phân tích.

Sự ngộ nhận nguy hiểm

Một trong những vấn đề đang được giới phân tích và nghiên cứu chú ý là sự nổi lên của những kênh cung cấp thông tin nhanh và đơn giản hóa tạo ra một ngộ nhận cho người tiếp nhận thông tin là họ có thể ra quyết định sáng suốt và phân tích kỹ lưỡng dựa trên các thông tin đó, thậm chí tự tin rằng mình đã hiểu hết vấn đề.

Một trong những lỗi thường thấy gần đây là nhiều người nhầm lẫn các mối quan hệ nhân quả, khái niệm và từ đó đưa ra các dự phóng quá đà chỉ dựa trên một vài chỉ số. Câu chuyện “quy tắc Sahm” và suy thoái kinh tế ở Mỹ là một ví dụ điển hình.

Theo quy tắc Sahm (đặt theo tên của nhà kinh tế học Claudia Sahm về việc xác định thời điểm kinh tế bắt đầu suy thoái, dựa trên số liệu thất nghiệp hàng tháng), suy thoái thực sự bắt đầu khi tỷ lệ thất nghiệp quốc gia trung bình 3 tháng gần nhất tăng vượt mức 0,5% so với mức đáy trong 12 tháng trước đó.

Khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên cao hơn dự đoán trong tháng 6/2024, một vài đơn vị truyền thông ở Mỹ đăng câu chuyện về quy tắc Sahm, mạng xã hội lan truyền nó, một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội nói về nó, thì quy tắc Sahm bỗng trở thành “thời thượng” và người ta nói với nhau nhiều về suy thoái kinh tế Mỹ. Điều này lan truyền nhanh chóng, mặc cho các số liệu công bố chỉ ra nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn vững chắc, chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh và thị trường việc làm chỉ là suy yếu chứ không đến mức như quy tắc Sahm chỉ ra.

Khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên (khá chậm) trong những tháng gần đây, quy tắc Sahm đã khiến Phố Wall tranh luận rằng, thị trường lao động mạnh mẽ của Mỹ đã bộc lộ những “rạn nứt” và hé lộ những rắc rối tiềm ẩn phía trước (xem bài Nhà sáng lập chỉ dấu suy thoái: Fed đang “đùa với lửa” khi chưa giảm lãi suất tại https://baodautu.vn/nha-sang-lap-chi-dau-suy-thoai-fed-dang-dua-voi-lua-khi-chua-giam-lai-suat-d218051.html)

“Mẹ đẻ” của quy tắc Sahm chỉ đang cảnh báo rủi ro với suy thoái nếu Fed còn chưa chịu giảm lãi suất, nhưng sau “tam sao thất bản”, sau vài vòng chạy trên mạng xã hội, thì không ít người ở Việt Nam tin rằng, nước Mỹ đang cận kề với suy thoái hơn bao giờ hết trong tháng 6 và tháng 7/2024, dù bà Claudia Sahm cho biết, bà không nhận thấy có rủi ro suy thoái kinh tế.

Đầu tháng 8, trong một cuộc trò chuyện với Tạp chí Fortune, bà Claudia Sahm chia sẻ, “tôi không lo ngại rằng tại thời điểm này chúng ta đang trong thời kỳ suy thoái”, đồng thời bày tỏ “hôm nay không ai nên hoảng sợ, mặc dù có vẻ như một số người có thể như vậy” và cho biết thêm, các biện pháp chính của nền kinh tế “có vẻ vẫn thực sự tốt”. Bà cũng chỉ ra thu nhập hộ gia đình ngày càng tăng cùng với chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh linh hoạt.

“Lần này thực sự có thể khác,” bà Sahm nói.

Không có nhiều đơn vị truyền thông lớn đăng lại bài phỏng vấn của Fortune với bà Claudia Sahm nói trên, vì đó không phải tin xấu trong bối cảnh nhiều người đang muốn tìm kiếm tin xấu, nên tin tốt sẽ không hấp dẫn.

Trên trang trao đổi thông tin với công chúng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 7/2024 về chủ đề suy thoái kinh tế, có một bài blog trích dẫn lại một nghiên cứu của David G. Blanchflower and Alex Bryson năm 2021. Bài nghiên cứu chỉ ra những giới hạn rõ ràng của quy tắc Sahm. Chỉ số này bị chỉ trích khi chỉ dựa vào một dữ liệu chuỗi thời gian duy nhất là tỷ lệ thất nghiệp và một cột mốc số liệu nhất định (0,5%), mà bỏ qua các yếu tố thay đổi liên tục như nhân khẩu học, sự phát triển công nghệ, cấu trúc trên thị trường lao động và đặc biệt là sai số của thống kê thất nghiệp trong quá khứ.

Một bài báo khác trên Fortune chỉ ra rằng, quy tắc Sahm có thể không chính xác như trước đây, vì một phần tỷ lệ thất nghiệp tăng hiện nay là do nguồn cung lao động tăng được điều chỉnh theo nhu cầu nhập cư và nghỉ hưu, thay vì do giảm nhu cầu về người lao động. “Tỷ lệ việc làm trên dân số ở độ tuổi cao nhất, từ 25 - 54 tuổi, ngày càng tăng là bằng chứng về một số kết quả ít đáng lo hơn trên thị trường lao động”, bài báo cho biết.

Nhưng đa số các bài truyền thông vẫn tập trung vào nỗi lo suy thoái và trích dẫn quy tắc Sahm khi thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh, đặc biệt là chỉ số Nasdaq.

Đến cuối tháng 8, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm về 4,2% và thị trường chứng khoán Mỹ tăng trở lại vào đầu tháng 9, thì người ta ít nói về quy tắc Sahm. Một số bài báo còn phản bác chỉ số này. Chẳng hạn, Wall Street Journal phản ánh, “khi xem xét kỹ hơn, dù rủi ro đang tăng lên nhưng sự thật là kinh tế Mỹ chưa có nguy cơ rơi vào suy thoái. Sự khác biệt này rất quan trọng vì chưa có gì là quá muộn. Tất cả sẽ phụ thuộc vào Fed và tâm lý nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả các nhà tuyển dụng”.

Theo bài báo của Wall Street Journal, quy tắc Sahm không phải là quy tắc định nghĩa suy thoái và thậm chí còn không phải chỉ báo hàng đầu về suy thoái như diễn biến của đường cong lợi suất. Việc xác định điểm bắt đầu và kết thúc một cuộc suy thoái thường được xác định bởi những điều kiện của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER).

NBER sử dụng 3 chỉ báo để xác định một cuộc suy thoái, đó là số liệu việc làm phi nông nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp và thu nhập thực (số liệu đã điều chỉnh theo lạm phát, trái với thu nhập danh nghĩa chưa điều chỉnh). Nếu 3 yếu tố này sụt giảm trong 4 tháng tính đến cả tháng mà quy tắc Sahm được kích hoạt, thì suy thoái sẽ diễn ra như đã xảy ra vào năm 1990, 2001 và 2008. Nghĩa là, chỉ một mình quy tắc Sahm không đủ để khẳng định suy thoái hay không, mà chỉ là trùng hợp.

Sau một thời gian ồn ào về quy tắc Sahm và suy thoái kinh tế, thì gần 2 tháng sau, khi các số liệu “đẹp hơn” về thất nghiệp, sự ồn ào tạm lắng và thú vị là nó đồng pha với sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ.

Câu chuyện này là một ví dụ rõ ràng về việc nhiều người sẵn sàng tin vào một chỉ số dù các nghiên cứu chỉ ra những giới hạn của nó, cũng như tính lỗi thời do các dữ liệu kinh tế Mỹ đo lường thất nghiệp nay đã khác. Lý do có lẽ đơn giản vì người ta cần cái gì đó nhanh và dễ hiểu, không đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc.

Còn thực tế ngoài kia phức tạp hơn rất nhiều. Vì Fed cũng như chính phủ mới của Mỹ sẽ không ngồi yên mà nhìn kinh tế Mỹ suy thoái. Họ có rất nhiều chỉ số để theo dõi, công cụ chính sách và kinh nghiệm trong tay để tránh suy thoái.

Lời kết

Câu chuyện ở trên với quy tắc Sahm và nỗi sợ suy thoái nêu lên một vấn đề rõ ràng. Trên thị trường ngày nay, ngày càng có nhiều thông tin, dữ liệu nhanh, đọc liền, dùng ngay như kiểu mì ăn liền và những thông tin cần thời gian tiêu hóa, đọc chậm, nghĩ sâu.

Điều đáng lo với các thị trường tài chính là nhiều người tiếp nhận thông tin đơn giản hóa quá mức, đọc nhanh và nghĩ nhanh, lại tin rằng mình đã đọc chậm và nghĩ sâu rồi. Hệ quả của nó, theo như một số nhà phân tích, là thị trường sẽ ngày càng nhiều biến động, liên tục “lật mặt”, vì người ta sẽ ra quyết định vội vã dựa trên những thông tin nhanh. Việc này sẽ tạo ra cơ hội cho những người đọc chậm, từ tốn hơn, vì họ nhìn ra được thời cơ kiếm tiền khi một số người khác đã việt vị do hành động trước khi nghĩ kỹ.

Tin bài liên quan